Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chàng trai 24 tuổi từ chối học bổng tiến sĩ Mỹ để bán hàng rong

Sau thời gian trầm cảm, sức khoẻ xuống dốc do áp lực học hành, Fei Yu (Trung Quốc) bỏ cao học và cơ hội du học Mỹ, bắt đầu lại cuộc đời bằng quầy khoai tây nghiền ở tuổi 24.

Trước khi đưa ra quyết bán đồ ăn vặt, Fei Yu là một sinh viên ưu tú. Ảnh: Nanfengchuang.

Fei Yu (sinh năm 2000) từng là nghiên cứu sinh thạc sĩ ưu tú tại Đại học Phúc Đán, một trong những trường danh giá nhất Thượng Hải (Trung Quốc). Thế nhưng, anh quyết định bỏ dở chương trình cao học để mở quầy bán rong đồ ăn vặt, trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc, theo Jiupai News.

Khước từ giấc mơ tiến sĩ Mỹ

Xuất thân trong một gia đình nghèo tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), Fei Yu sớm hiểu rằng học hành là con đường duy nhất để thay đổi số phận. Mang theo kỳ vọng lớn lao, anh đã nỗ lực học tập để thi đậu vào Đại học Tứ Xuyên, chuyên ngành Y tế công cộng.

Thế nhưng, môi trường đại học không giống như những gì Fei từng hình dung. Áp lực học tập đè nặng, trong khi bản thân anh không thực sự hứng thú với ngành Y tế Công cộng.

Song, để "thoát nghèo" và "chứng minh bản thân", Fei tiếp tục duy trì nhịp độ học tập khắc nghiệt. Suốt 5 năm đại học, anh liên tục đứng nhất toàn khóa, đạt học bổng quốc gia, chiến thắng nhiều cuộc thi của trường và đạt kết quả thi tiếng Anh với điểm cao.

ban do an vat,  ban khoai tay nghien,  bo hoc tien si,  Fei Yu,  hoc ban phuc dan anh 1

Áp lực học hành khiến anh rơi vào trầm cảm, mất ngủ và mắc các bệnh về dạ dày. Ảnh: Fei Yu.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Fei được tuyển thẳng vào chương trình cao học của Đại học Phúc Đán vào mùa hè năm 2022 mà không cần thi đầu vào.

Tuy nhiên, chỉ sau một học kỳ, Fei quyết định nghỉ học vào đầu năm 2023. Anh cho biết bản thân mắc chứng trầm cảm, mất ngủ và các vấn đề tiêu hóa do áp lực học tập. Căng thẳng leo thang khi giảng viên liên tục giao đề tài quá tải, yêu cầu Fei làm nghiên cứu xuyên suốt cả năm, thậm chí gửi email lúc 1h.

Sau 1 năm ở nhà không định hướng, Fei tiếp tục nộp đơn xin học bổng chương trình tiến sĩ Y học dự phòng tại một số trường đại học công lập tại Mỹ. Anh được một trường cấp học bổng vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, kế hoạch du học của Fei đổ vỡ khi trường đại học này rút lại hỗ trợ tài chính do ảnh hưởng từ chính sách cắt giảm ngân sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến anh không thể trang trải chi phí học tập lên đến hàng trăm nghìn USD.

'Học bá' Phúc Đán bán quán vỉa hè

Fei Yu sinh ra trong gia đình lao động phổ thông, bố là thợ mỏ than ở Lạc Sơn (Tứ Xuyên), còn mẹ làm công việc thời vụ tại các siêu thị địa phương. Ý tưởng kinh doanh đồ ăn vặt đến với Fei khi anh nhớ lại quãng thời thơ ấu từng phụ bà ngoại bán bóng bay. Thời đại học, anh cũng từng làm thêm công việc bán thẻ điện thoại.

Tháng 3/2024, Fei Yu mang theo 4.000 NDT (khoảng 540 USD) vốn khởi nghiệp, dựng một quầy bán khoai tây nghiền ngay trước cổng khuôn viên Hoa Tây của Đại học Tứ Xuyên. Anh cho biết công việc kinh doanh hiện diễn ra thuận lợi.

Chàng trai tự tay nghiên cứu công thức làm khoai tây nghiền đặc biệt và cái đặt tên gây chú ý cho quầy hàng là "Phòng nghiên cứu ẩm thực Hoa Tây". Khoai tây nghiền được bán với giá 7 NDT (khoảng 0,9 USD)/phần nhỏ và 9 NDT (khoảng 1,3 NDT)/phần lớn. Song song với công việc bán hàng, Fei cũng bắt đầu đăng tải quá trình dựng quầy, chế biến món ăn trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin (TikTok Trung Quốc) và Xiaohongshu (RedNote).

Nhiều khách hàng xếp hàng chờ mua đồ ăn của Fei, trong đó có một số người biết đến anh qua các bài viết lan truyền trên mạng xã hội. Mỗi ngày, anh thu nhập từ 700–1.000 NDT (khoảng 100–140 USD).

"Tôi không cảm thấy xấu hổ. Tôi là người hướng ngoại. Mọi người biết nhiều đến tôi cũng tốt, nếu họ thấy món ăn ngon, chắc chắn họ sẽ quay lại mua tiếp", anh nói.

Trước ý kiến chỉ trích rằng anh đang lãng phí tài nguyên giáo dục, Fei thẳng thắn phản bác: "Tôi không nghĩ việc nghỉ học cao học hay không làm đúng chuyên ngành là điều đáng tiếc. Đối với tôi, kết quả không quan trọng bằng quá trình".

Hiện tại, anh dành khoảng 4 tiếng mỗi ngày để chuẩn bị nguyên liệu, sau đó mở quầy bán từ 17h. Công việc thường kéo dài 2–3 tiếng cho đến khi bán hết.

Anh thừa nhận bản thân ngưỡng mộ những bạn bè có thể kiên trì học tiến sĩ, nhưng cũng thành thật rằng mình không thể tiếp tục chịu đựng.

"Dù rất mệt nhưng tôi không còn cảm giác áp lực như khi đi học. Từ lúc bỏ con đường nghiên cứu khoa học, tôi thấy mình như bước vào thế giới mới", Fei chia sẻ.

Dân văn phòng TP.HCM nghỉ làm từ 14h để xem sơ duyệt diễu binh 30/4

Để chóng tìm được vị trí đẹp theo dõi buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành 30/4, nhiều người xin nghỉ làm từ sớm, cùng bạn bè đến các tuyến đường lực lượng diễu binh đi qua.

3 ác mộng tài chính thường trực của người trẻ

Nhiều người trẻ hiện phải đối mặt với 3 vấn đề tài chính chính: thiếu hụt tiền bạc do chi tiêu vượt kế hoạch trước các cám dỗ mua sắm trực tuyến; lâm vào nợ nần vì sử dụng thẻ tín dụng và các hình thức vay tiêu dùng dễ dãi; và làm việc quần quật nhưng không đạt được mục tiêu tài chính đề ra. Để giải quyết những vấn đề này, cuốn sách Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học của TS Vũ Minh Tú cung cấp các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, giúp người trẻ kiểm soát chi tiêu, tránh nợ nần và đạt được mục tiêu tài chính.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm