Vũ Minh Kha (25 tuổi) được biết đến với vai trò đạo diễn các clip trải nghiệm xã hội như Hỏi ăn xin người lạ, Tặng hoa người lạ, Ở Việt Nam đánh rơi ví có được trả lại?... thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên YouTube.
Tuy nhiên, Minh Kha cho biết, những dự án phi lợi nhuận này thực hiện khá khó khăn bởi anh phải tự lên ý tưởng và lo mọi chi phí. Nhiều lúc, anh còn gặp sự phản đối của đồng nghiệp.
Vũ Minh Kha - đạo diễn của nhiều clip hot trên mạng. Ảnh: NVCC. |
Đi rửa bát thuê để học làm phim
Năm 3 tuổi, Minh Kha cùng bố mẹ từ Tây Ninh về Kiên Giang định cư. Thời đó, bố anh là bác sĩ đầu tiên tại vùng quê Sóc Xoài.
"Bố luôn nỗ lực trở thành tiến sĩ đầu ngành của Viện Pháp y Quốc gia. Vì vậy từ nhỏ, gia đình đã định hướng tôi theo nghề bố", Kha chia sẻ.
Tuy nhiên, là người thích trải nghiệm và phiêu lưu nên năm lớp 9, anh trốn học đi thi đấu cầu lông ở Đồng Tháp. Lúc biết chuyện, bố mẹ buồn và tức giận. Từ đó, Kha bị cấm cản mọi thứ để tập trung cho việc học.
Theo kỳ vọng của bố, sau một tháng tự ôn luyện, chàng trai thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. "Tôi đã chứng minh được năng lực của mình. Nhưng tính tôi không thích gò bó trong khuôn khổ. Tôi yêu cái đẹp và muốn làm những gì mình thực sự đam mê", anh nói.
Tốt nghiệp THPT, Minh Kha quyết định một mình sang Australia học nghệ thuật sáng tạo theo chương trình trao đổi sinh viên. Lần đầu ra nước ngoài, Kha cảm thấy lạ lẫm và có chút sợ hãi.
"Song tôi không thể vì khó khăn trước mắt mà chùn bước. Sau hai tháng, tôi dần bắt nhịp cuộc sống xa nhà", anh chia sẻ.
Sau hai năm ở Australia, Minh Kha tiếp tục qua Singapore học làm phim. Như các sinh viên khác, ngoài giờ học, anh làm bồi bàn, rửa chén để có thêm thu nhập.
Minh Kha cho biết, anh không bao giờ quên sự giúp đỡ của người bạn Thái Lan. "Có lần, tôi bị đuổi khỏi nhà trọ vì không còn tiền đóng phí. Tôi gọi điện mượn tiền hầu hết bạn bè nhưng không được. Tôi đành nhờ một người bạn chưa từng nói chuyện trong lớp giúp đỡ. Bạn ấy không đắn đo cho tôi mượn 1.000 đôla Singapore (khoảng 16 triệu đồng). Đến nay, tôi vẫn áy náy do chưa liên lạc được với bạn để trả lại tiền".
Tuy nhiên, chính điều đó khiến chàng trai Tây Ninh nhận ra cuộc sống có nhiều màu sắc. Theo Kha, cái đẹp không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài mà còn trong tình người, những thứ đơn giản xung quanh.
Năm 2013, Minh Kha về Việt Nam. Anh mở quán cà phê và kinh doanh thú cưng, song không mấy thuận lợi.
"Tôi thất bại hoàn toàn vì quá chủ quan, cho mình là giỏi nhất. Tôi gọi điện cho mẹ báo mình vỡ nợ. Mẹ phải giấu bố bán vàng lấy tiền đưa tôi. Tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ và thích làm những việc có ý nghĩa hơn là kiếm ra tiền. Có lẽ, cảm giác mình được người khác cảm ơn thật sự hạnh phúc", anh nhớ lại.
Bán xe làm clip về xã hội
Đầu năm 2015, Minh Kha bắt tay làm clip đầu tiên về trải nghiệm xã hội. Clip Tặng hoa cho người lạ được anh thực hiện tại TP HCM vào dịp 8/3.
Kha chia sẻ: "Một người phụ nữ đi xe lăn bán vé số, chưa bao giờ được nhận quà trong dịp lễ nên đã khóc sướt mướt. Nhờ vậy, tôi cảm thấy mình chạm tới trái tim cô ấy chỉ bằng đóa hoa nhỏ".
Minh Kha cho biết, anh cảm thấy hạnh phúc khi nhìn người khác vui vẻ. Ảnh: NVCC. |
Nhờ sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng mạng, chàng trai 25 tuổi có thêm động lực làm video về chủ đề mẹ. Lần này, anh bán chiếc xe Liberty lấy 40 triệu đồng để theo đuổi đam mê.
Minh Kha cho biết, thời gian học tại Singapore, anh nghĩ nghề đạo diễn mang lại sự giàu có và danh tiếng. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm và thất bại trong kinh doanh, 8X này đã hoàn toàn thay đổi. Anh dần bị ấn tượng bởi các clip touching (cảm động) trên thế giới và quyết tâm thực hiện tại Việt Nam.
"Tôi thấy mình may mắn khi có nhiều anh chị đi trước giúp đỡ, nhưng vốn làm clip về mẹ vẫn đội lên 35 triệu đồng. Vì thế, tôi quyết định bán xe. Lúc đó, tôi nghĩ không phải ngại khi sống với đam mê. Nhiều người nói tôi chơi trội, khác người, nhưng tôi vẫn giữ nguyên lập trường", anh bày tỏ.
Sau đó, Minh Kha thành lập nhóm làm phim 4Try. Do là dự án phi lợi nhuận nên anh gặp không ít trở ngại. Anh từng bị bạn bè, đồng nghiệp phản đối và không chịu hợp tác làm clip.
Mặc dù vậy, chàng trai quê Tây Ninh không nản chí, vẫn tự lên ý tưởng, viết kịch bản và thuê ê-kíp quay phim. Các video Hỏi ăn xin người lạ, Ở Việt Nam đánh rơi ví có được trả lại? từ đó lần lượt ra đời, thu hút sự quan tâm của dân mạng.
Hiện tại, với chàng đạo diễn trẻ, 4Try như một đứa con tinh thần. 4Try là try to think, try cho change, try to share, try to love (thử suy nghĩ, thử thay đổi, thử chia sẻ và thử yêu thương).
"Tôi nghĩ nếu con người làm được bốn cái thử này thì xã hội sẽ đẹp hơn biết bao", anh nói.
Để có kinh phí nuôi sở thích làm phim, Minh Kha cho hay, anh phải làm thêm một số việc khác như viết kịch bản, trợ lý đạo diễn, kinh doanh...
"Tuy vất vả nhưng những người nghèo khổ được xã hội giúp đỡ khiến tôi thấy hứng thú. Trong clip Ở Việt Nam đánh rơi ví có được trả lại? có chú bán vé số cụt tay trả lại ví cho cụ già bị mù. Một lần tình cờ gặp lại tôi, chú vui mừng khoe nhờ clip một ngày chú bán gần 200 vé số".
Thời gian sắp tới, Minh Kha mong muốn các clip trải nghiệm cuộc sống của nhóm 4Try có thể toàn cầu hoá. "Tôi ước 4Try sẽ là kênh giáo dục, nơi giao lưu của các bạn trẻ có đam mê, thích thiện nguyện", anh nói.