Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Trương Quang Nam (16 tuổi, Bắc Giang) được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn cảm xúc của trẻ em.
Vốn là học sinh giỏi và đứng đầu một lớp chọn của trường, gia đình luôn tạo mọi điều kiện để em học hành.
Năm 2015, cha mẹ thấy Nam có biểu hiện xa lánh và không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, thường khép nép khi ai đó nói chuyện về mình hay việc học tập. Cậu bé thường xuyên sợ đi học. Chỉ cần mở sách là em thấy đau đầu.
Gia đình còn thấy Nam có nhiều sự thay đổi rõ rệt như ăn kém, sụt cân, hay gặp ác mộng, thường giật mình vào ban đêm, lúc tỉnh dậy bàng hoàng, cáu giận vô cớ. Nhận thấy con có nhiều nhiều biểu hiện bất thường, cha mẹ buộc phải đưa Nam đến viện.
Bệnh nhân Nam đang được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần với chứng rối loại cảm xúc. Ảnh: M.T. |
TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, người dưới 22 tuổi sự phát triển về cơ thể cũng như tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các em rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi bởi các tác nhân gây căng thẳng.
Theo TS Dũng, Nam là con một trong gia đình trí thức, nên từ nhỏ đã được cha mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Các gia đình thường muốn con phải học thật giỏi, đứng thứ hạng cao trong lớp. Những mong mỏi quá cao đồng nghĩa với việc đã tạo cho các em áp lực lớn. Không chỉ học ở trường, em còn phải học thêm nhiều kiến thức nâng cao khác ở ngoài, khi về nhà phải giải quyết rất nhiều bài tập và hầu như không có thời gian vui chơi và nghỉ ngơi.
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, bác sĩ cho biết từng gặp một số trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do chính bệnh nhân tạo áp lực cho mình. Các em luôn trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, thua kém bạn bè.
Phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc
TS Dũng cảnh báo trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng trẻ đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên.
Để điều trị cho những bệnh nhân này, việc đầu tiên là phải tách các em khỏi những áp lực, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Trong quá trình nuôi dạy con, các bậc cha mẹ cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống.
Cha mẹ phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với khả năng của con.
Theo các chuyên gia, điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến áp lực học và thi phải tùy theo mức độ để có phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, hay loạn thần cần điều trị nội trú tại viện. Các bác sĩ cần kết hợp các liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược.
TS Dũng khuyến cáo rối loạn cảm xúc do áp lực thi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, cha mẹ nên đưa các em đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Các gia đình cần tránh thái độ kỳ thị và tự ý mua thuốc bên ngoài cho con uống.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.