Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai ở TP.HCM kinh doanh bonsai, thu hàng chục triệu mỗi tháng

Sau hơn 6 năm đam mê và tìm hiểu về bonsai, Văn Công Hoàn (25 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) quyết định mở vườn 200 m2 để kinh doanh, thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi tháng.

Giữa thời tiết nắng nóng ngoài vườn 37-38 độ C, Hoàn vẫn cặm cụi cắt tỉa, uốn nắn từng cành cây bonsai. Mỗi lần bẻ cành vào khuôn, anh đều nín thở, tập trung để cây vào thế, không bị gãy rồi nhanh chóng quấn dây kẽm định hình.

Hoàn cho biết đây là công đoạn quan trọng để điều khiển hướng đi của từng cành, giúp cây bonsai mọc ra có thế đẹp nhất. Cây có thế đẹp được anh bán đi với giá vài triệu đồng tùy giống.

“Mỗi lần gãy cành sẽ để lại sẹo cho cây, khó làm lại đẹp được nên muốn chơi bonsai cần kiên trì, khéo léo và hiểu về nó, muốn cành mềm uốn dễ thì phải đưa cây vào bóng râm, không tưới nước một ngày”, anh chia sẻ.

Kiem chuc trieu dong nho kinh doanh bonsai anh 1

Anh Văn Công Hoàn tỉ mỉ tỉa lá cho cây trong vườn.

Tích góp từng đồng nuôi đam mê

Anh Hoàn bắt đầu có niềm yêu thích với cây kiểng từ năm 2015, trong một lần được người bạn đưa đi xem hội hoa xuân ở công viên Tao Đàn, dịp trưng bày các loại hoa, cây kiểng độc lạ, đẹp mắt của nhiều nghệ nhân, nhà vườn ở TP.HCM.

Khi trở về, anh lên mạng tìm hiểu về cây kiểng và quyết định xin vào học việc ở nhà vườn.

“Việc được trực tiếp cắt tỉa, cầm nắm vào cây nhiều giúp tôi làm nghề nhanh hơn. Thời gian đó, tôi bắt đầu từ công việc nhổ cỏ, tưới cây, tự quan sát cách sắp xếp hướng mọc của từng cành. Sau vài tháng, tôi mới được chủ cho thực hành uốn cành bằng dây kẽm”, anh Hoàn chia sẻ.

Làm được bao nhiêu anh đều lấy hết tiền để đi mua cây. Vì chưa quen, thời gian đầu anh uốn cây nào cũng bị gãy, các cành đi không đúng hướng, dù vậy vẫn không khiến anh nản chí.

“Tôi mất một năm để học cách vô kẽm, chưa tính thời gian học định hình cây”, anh Hoàn nói.

Kiem chuc trieu dong nho kinh doanh bonsai anh 2

Cây sam hương khi được anh Hoàn vô kẽm thành thạo sau nhiều năm kinh nghiệm.

Năm 2017, tích góp 2 triệu đồng làm vốn, anh mua được 9-10 cây từ các nhà vườn về bán qua mạng, mỗi cây lời vài chục đến vài trăm nghìn.

Kinh doanh được vài tháng thì anh nhập ngũ. Đầu năm 2019, khi trở về, anh vẫn tiếp tục với đam mê bonsai.

Thay vì bán cây có sẵn như trước, anh Hoàn đi khắp các tỉnh để tìm phôi hoặc giống cây đẹp để về nuôi dưỡng cũng như tạo hình.

Có lần anh đi gần 300 km đến Châu Đốc (An Giang) chỉ để xem tận mắt xem vài cây phôi bonsai, thấy tương lai cây có thể tạo hình đẹp thì mới mang về.

“Tôi không bán theo số lượng, mỗi cây chỉ độc nhất một kiểu dáng, cho khách cảm giác được sở hữu bonsai độc lạ”, anh Hoàn nói.

Theo anh Hoàn, một cây bonsai đẹp hoàn chỉnh phải trải qua quá trình dài, từ giống thành thành phẩm, có những cây phải mất vài chục năm và việc chăm sóc cũng không đơn giản.

Khi tạo hình bonsai, không đơn giản chỉ cắt tỉa lá mà hầu như đều phải cắt gần hết cành, chỉ chừa lại một khúc gốc rồi nuôi dưỡng, chờ mầm mới mọc lên rồi lại nuôi và uốn cành.

Kiem chuc trieu dong nho kinh doanh bonsai anh 3

Để có một cây bonsai hoàn chỉnh, cần trải qua 5 giai đoạn: cây giống, phôi giai đoạn 1, phôi giai đoạn 2, bán thành phẩm, thành phẩm (từ trái sang phải).

Phải 4-5 lần cắt mới có một cây đẹp, tương đương mất 3-4 năm là ít nhất. Khách hàng muốn chơi ngay thì mua cây ở giai đoạn 3,4 khi cây đã tương đối hoàn chỉnh.

“Có những cây tôi trằn trọc mấy ngày để nghĩ ra thế phù hợp rồi mới vào kẽm, nhiều lúc ở vườn ngắm cây đến phát ốm vì nắng”, anh Hoàn nói.

Ngoài ra, mỗi ngày anh dành khoảng một tiếng để tưới cây, chia làm hai đợt. Hàng trăm cây trong vườn đều được anh tưới cẩn thận, “chỉ nhìn lá cây là biết cây nào cần nhiều nước, cây nào cần ít”.

Anh Hoàn chia sẻ tưới cây tự động sẽ khiến những cây dư nước để lâu ngày bị úng rễ và chết đi, nên ngày nào anh cũng phải kiểm tra từng cây để đáp ứng lượng nước phù hợp.

"Kể cả việc phân bón, xịt thuốc trừ sâu, dòng mai chiếu thủy ít bệnh nên không cần phun nhiều. Nhưng sâm hương, mai vàng nhiều bệnh thì phải xịt liên tục, tránh sâu đục gốc”, anh Hoàn nói.

Thu nhập tốt nhờ duyên nợ với bonsai

Hơn 4 tháng mở vườn tính từ đầu năm nay, anh ít khi về nhà dù nhà chỉ cách hơn 1 km, hầu hết thời gian anh đều ở tại vườn để tiện chăm sóc và theo dõi cây.

“Dù không nhớ hết tên cây trong vườn nhưng cây nào mất tôi đều biết”, anh Hoàn chia sẻ.

Mỗi tháng, anh bán được hàng trăm thậm chí hàng nghìn cây đi các tỉnh lân cận. Giá cây từ vài chục nghìn đồng đến vài chục triệu đồng đều có, tùy vào độ phát triển của cây cũng như dựa trên bốn tiêu chí: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống.

“Có những cây phôi khi lấy giá chỉ vài chục đến trăm nghìn đồng nhưng chăm sóc 1-2 năm người ta đã trả lên 6-7 triệu đồng. Đồng nghĩa với việc bản thân phải bỏ tâm sức, kỹ thuật thì giá trị càng cao”, anh nói.

Anh cho biết khách hàng chủ yếu là những người chơi bonsai lâu năm, những chủ cửa hàng muốn sở hữu cây có thế độc lạ hoặc người mới chơi.

Anh Nguyễn Vạn Hiếu (27 tuổi) là chủ kinh doanh bonsai mini ở quận Bình Tân nhưng vẫn thường ghé vườn anh Hoàn để mua cây, vì những hình dáng bonsai mang tính thẩm mĩ cao ở đây.

Anh Hiếu cũng cho biết mỗi một cây bonsai như tác phẩm nghệ thuật, giá mỗi cây được dựa trên công sức cũng như sự sáng tạo của người làm. Cây đắt nhất tôi từng mua khoảng gần 10 triệu đồng.

“Vườn của Hoàn cũng là nơi tụ tập giao lưu của các anh em chơi cây trên địa bàn TP.HCM, chủ nhật tuần nào tôi cũng ghé tới”, anh Hiếu cho hay.

Kiem chuc trieu dong nho kinh doanh bonsai anh 8

Anh Nguyễn Vạn Hiếu, khách hàng thân thiết của vườn, say sưa bên những cây bonsai có thế đẹp.

Lan tỏa niềm yêu cây cảnh cũng như cùng nhau nghĩ ý tưởng, sáng tạo ra những tuyệt tác bonsai cũng là mong ước của anh Công Hoàn.

Với anh, hạnh phúc là khi được sáng tạo nghệ thuật và tiếp cận được với những người yêu nghệ thuật. Bộ môn chơi bonsai cũng giúp anh rèn luyện được tính kiên trì, chịu khó hơn trong cuộc sống.

Khách ở TP.HCM chi trăm triệu để chơi xe đạp thể thao

Nhiều tiệm bảo dưỡng, cho thuê xe thể thao có lượng khách tăng mạnh trong dịp hè. Các cửa hàng độ, chế, tư vấn phụ tùng xe đạp cũng có tình trạng "cung không đủ cầu".

Thanh Nga

Bạn có thể quan tâm