Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai rời Đà Lạt về quê, khởi nghiệp trong dịch

Dù đôi khi nhớ cuộc sống tấp nập nơi thành thị, Nhân chưa từng hối hận khi chọn về quê để phát triển dự án nghiên cứu, sản xuất sản phẩm xanh thay thế rác thải nhựa.

“Về quê khổ không Nhân? Tui định đợt này hết dịch về quê ở luôn ông ạ”.

Câu nói của người bạn ở thành phố qua điện thoại khiến Nguyễn Lê Hoàng Nhân (23 tuổi, quê Lâm Đồng) thoáng suy nghĩ.

Anh cho rằng đây là mong muốn chung của nhiều người sau thời gian dài ở thành phố trong dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc lựa chọn chưa bao giờ là dễ dàng.

Chia sẻ với Zing, Nhân cho biết anh tốt nghiệp ngành Luật, ĐH Đà Lạt giữa năm ngoái.

Trong khi hầu hết bạn bè chọn thành phố lập nghiệp, chàng trai quyết định về quê ở thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, cách TP Đà Lạt 200 km, để phát triển dự án chế tạo sản phẩm từ tre, nứa thay thế rác thải nhựa.

Bo pho ve que de khoi nghiep trong dich anh 1

Nhân bỏ phố về quê năm 22 tuổi để theo đuổi dự án cá nhân.

Dự án được Nhân hình thành khoảng năm 2018-2019, khi còn là sinh viên năm 3. Cậu từng rủ bạn bè cùng tham gia nghiên cứu, thử nghiệm.

“Quê mình nghèo, mọi người chủ yếu sống nhờ làm nông. Mình nhận thấy tre, nứa nhiều nhưng bà con chỉ khai thác măng làm thực phẩm, lâu lâu lấy về đan lát. Sẵn nhiệt huyết tuổi trẻ, mình quyết định khởi nghiệp với cây tre, đồng hành cùng bà con trên mảnh đất quê hương”, Nhân nói.

Về quê chỉ có người già, trẻ con

Thời gian đầu bỏ phố về quê, Nhân thấy buồn vì xóm làng chỉ toàn cụ già, trẻ con, người đã lập gia đình và rất ít thanh niên trạc tuổi mình.

Không bạn bè, rạp chiếu phim, siêu thị, nhiều lúc Nhân thấy thèm khi mọi người ở thành phố đăng ảnh đi chơi.

Với chàng thanh niên 22 tuổi khi ấy, việc thức giấc lúc 5h sáng, rồi đi ngủ lúc 20-21h là điều gì đó rất lạ lẫm.

Quá trình khởi nghiệp của Nhân cũng gặp nhiều khó khăn.

Vốn học ngành Luật, anh lúng túng trong khâu sản xuất và quản lý. Thêm vào đó, nguyên liệu khai thác theo mùa; máy móc, trang thiết bị không có sẵn; dự án còn non trẻ; cá nhân chưa có kinh nghiệm marketing; sản phẩm mới mẻ khiến việc tiếp cận khách hàng đại chúng còn khó khăn.

Tuy nhiên, hiểu được giá trị của dự án đối với môi trường và bà con ở quê hương, anh quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Bo pho ve que de khoi nghiep trong dich anh 2

Để sản phẩm từ tre, nứa có thể bán ra thị trường, Nhân dành nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm.

Theo Nhân, để làm nên sản phẩm chất lượng đòi hỏi quy trình xử lý kỳ công, tỉ mỉ.

Ban đầu, sau khi được lựa chọn cẩn thận, tre được phơi khô, luộc qua nước muối để khử mùi, tạo độ bền đẹp rồi gia công tạo hình. Tiếp đó, sản phẩm được vệ sinh bằng nước muối sinh học, hấp tiệt trùng, hấp tinh dầu để chống ẩm mốc và sấy khô theo tiêu chuẩn châu Âu.

Hiện, Nhân chủ yếu sáng tạo sản phẩm gia dụng như bát đĩa, cốc nước, ấm chén, hộp đựng, ống hút... và các món đồ trang trí, lưu niệm thân thiện với môi trường.

Tạo sinh kế cho bà con

Sau khoảng 1,5 năm khởi nghiệp, Nhân cho biết sản phẩm của mình ra mắt và ngày càng được người tiêu dùng đón nhận.

“Mỗi tháng, doanh nghiệp của mình bán ra thị trường khoảng 50.000 ống hút tre và 1.000-3.000 sản phẩm khác. Trong đó, mọi người ưa chuộng nhất là ống hút, ly nước, bàn chải đánh răng từ thân tre hay hộp ủ trà. Vì dịch, mình chưa thể xuất khẩu sản phẩm”, anh nói.

Tùy thời điểm, Nhân tạo công ăn việc làm cho khoảng 10-20 người dân địa phương. Họ chất phác, thật thà và ủng hộ dự án chàng trai đang theo đuổi.

Hiện, Nhân tập trung nghiên cứu sản phẩm mới từ mo cau và lá cây, đồng thời đa dạng thêm sản phẩm tre để mở bán trên sàn thương mại điện tử.

“Sắp tới, khi dịch bệnh ổn, mình sẽ đi gặp nhiều bà con hơn để liên kết với họ trồng tre, cùng làm dự án thay đổi thói quen dùng sản phẩm nhựa. Mình không chắc nó sẽ thành công nhưng chắc chắn đi đến cùng. Nếu thất bại, mình cũng có lý do để mỉm cười. Còn hiện tại, mình hạnh phúc khi được sống với đam mê, còn bà con có việc làm, thu nhập”, chàng trai nói.

Nhân khuyên các bạn trẻ trước khi bỏ phố về quê nên suy nghĩ thật kỹ. Cậu cho rằng được sống gần gia đình rất vui và ấm áp tình cảm nhưng không nhất thiết về quê mới là nhất.

“Hãy ở nơi mà mọi người cảm thấy hạnh phúc với công việc mình làm, sống đủ 24h trọn vẹn với đam mê. Mỗi người có một hướng đi riêng nên hãy chọn cho mình con đường rộng nhất. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, đừng lo lắng mà đổ xô về quê vì thành phố cũng cần người trẻ để phát triển đất nước”, chàng trai 23 tuổi nói.

Gia đình dựng nhà, làm vườn khi kẹt ở Mộc Châu 3 tháng vì dịch

Chưa thể trở về Hà Nội vì chỉ thị giãn cách, gia đình chị Phương tận hưởng cuộc sống chậm, yên bình ở bản vùng cao của tỉnh Sơn La. Con gái của chị trở nên dạn dĩ, khỏe mạnh hơn.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm