Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai Trung Quốc từ phụ bếp thành nhà vô địch eSports

Ở tuổi 20, Peng Yunfei có thu nhập cao và từng dẫn dắt đội của mình giành chức vô địch tại King Pro League - sự kiện thể thao điện tử di động hàng đầu Trung Quốc.

4 năm trước, khi đang làm phụ bếp tại một nhà hàng ở quận Từ Hối (Thượng Hải, Trung Quốc), Peng Yunfei (sinh năm 2000) không dám nghĩ mình sẽ trở thành game thủ chuyên nghiệp với hàng chục triệu người hâm mộ.

Peng được giới game thủ biết tới với ID “Fly”, là người dẫn dắt câu lạc bộ QGhappy giành 5 chức vô địch tại King Pro League - sự kiện thể thao điện tử di động hàng đầu Trung Quốc.

Từ khi bắt đầu thi đấu game chuyên nghiệp vào năm 2016 đến nay, Peng đã 5 lần giành giải thưởng “Người chơi xuất sắc” trong các trận chung kết của nhiều giải vô địch.

“Thành tích đó được tạo nên từ 60% tài năng và 30% công khổ luyện, 10% còn lại chắc là tôi may mắn”, Peng nói.

game thu giau co anh 1

Peng Yunfei trở thành ngôi sao sáng trong làng eSports Trung Quốc.

Tập luyện hàng chục tiếng mỗi ngày

Peng từng bỏ ngang việc học. Anh kể mình được truyền cảm hứng rất nhiều từ các câu chuyện lập nghiệp và làm giàu trong những bộ phim truyền hình.

Chàng trai rời quê Trùng Khánh lên Thượng Hải vào năm 2015 với vỏn vẹn 700 NDT (101 USD) trong túi.

Anh xin việc trong một nhà hàng với mức lương 2.300 NDT/tháng. Peng mua được chiếc điện thoại để chơi tựa game phổ biến nhất lúc bấy giờ là Honour of Kings (trò chơi có các trận chiến với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc).

Với tài chơi game, Peng nhanh chóng nổi tiếng. Anh trở thành người chiến thắng ở 3 hạng mục trong nước trong vòng hai tháng. Tài năng của Peng khiến nhiều CLB trong nước để mắt. Anh được Quantum Game chiêu mộ vào tháng 12/2016.

game thu giau co anh 2

Loạt giải thưởng Peng và đội mình nhận được.

Chỉ vài tháng sau, Peng cùng 4 thành viên trong đội của mình vô địch King Pro League 2017 trước sự cổ vũ của 15.000 người hâm mộ tại Oriental Sports Center ở Phố Đông.

"Gia đình và bạn bè của tôi từng coi eSports là thứ không có triển vọng, nhưng giờ họ đã thay đổi suy nghĩ. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi được mẹ, người từng phản đối gay gắt sự nghiệp thể thao điện tử của tôi, gọi điện để chúc mừng chức vô địch đầu tiên mà tôi giành được”, Peng chia sẻ.

Mức lương hàng năm của những game thủ chơi Honour of Kings hàng đầu như Peng có thể lên tới 1 triệu NDT. Một số người khác còn kiếm thêm khi thi đấu và nhận được phần thưởng từ trò chơi.

Tuy nhiên, cuộc sống của các game thủ không phải lúc nào cũng vui vẻ. Việc nhiều người nghĩ rằng đời sống của họ chỉ xoay quanh trò điện tử là sai lầm.

Peng và các tuyển thủ trẻ khoảng 20 tuổi khác đang được đào tạo chuyên nghiệp tại CLB có trụ sở ở quận Phổ Đà. CLB sở hữu nhiều đội chuyên nghiệp về các trò chơi phổ biến như Liên Minh Huyền Thoại hay QQ Speed. Đội chơi game Honor of Kings của Peng có tên QGhappy.

Thanh niên 20 tuổi cùng đồng đội sống và được huấn luyện trong một tòa nhà nằm ẩn mình trên mảnh đất nông nghiệp rộng lớn tại thị trấn Zhoupu (Phố Đông).

Tầng trệt là canteen và phòng sinh hoạt. Tầng hai có 3 phòng đào tạo để người chơi luyện tập, một phòng họp là nơi thảo luận về chiến lược. Một tầng phía trên làm ký túc xá.

“Các game thủ được huấn luyện theo kiểu quân đội. Họ đều trẻ, hoàn cảnh gia đình khác nhau và có mức lương cao hơn trung bình của những người cùng tuổi”, Peng nói.

game thu giau co anh 3

Để đạt thành tích cao, Peng cùng các đồng đội phải tập luyện hàng chục tiếng mỗi ngày.

Các VĐV eSports phải tập luyện 12 tiếng mỗi ngày để theo sát những bản cập nhật trò chơi và nghiên cứu chiến lược mới của đối thủ cạnh tranh.

Peng thường dậy lúc 10h30 và chơi thể thao trong một tiếng để thả lỏng cơ thể, chuẩn bị cho việc phải ngồi trên ghế nhìn màn hình điện thoại di động nhiều giờ liền.

Sau bữa trưa, họ tập luyện với các HLV - đa số là game thủ chuyên nghiệp đã giải nghệ. Buổi huấn luyện kéo dài tới nửa đêm và có bản đánh giá vào cuối ngày. Nhóm đi nghỉ lúc 2h sáng.

“Hầu hết trận đấu hàng đầu được tổ chức vào đêm muộn, vì vậy lịch trình này được thiết kế để họ đạt kỹ năng chơi tối ưu vào buổi tối”, đại diện CLB nói.

Peng cho rằng nghề nghiệp này có yêu cầu cao hơn các công việc bình thường. “ESports không chỉ là trò chơi điện tử. Nó đòi hỏi tài năng, sự cống hiến và sức bền, rèn luyện với những buổi tập luyện kéo dài. Chọn nghề này là đương đầu với những áp lực từ gia đình, huấn luyện viên, người hâm mộ và bản thân”.

“Tôi yêu cảm giác chiến thắng. Đó là thứ đẩy tôi về phía trước. Nhưng khi tôi thất bại một lần, tôi cũng phải chịu những bình luận tiêu cực ngập tràn trên mạng”, Peng nói thêm.

Dù từng bỏ ngang việc học để theo đuổi đam mê, Peng khuyên những người trẻ tuổi khác nên suy nghĩ kỹ càng trước khi muốn bắt chước mình. “Đó là một quyết định không có đường lui”, anh nói.

Tìm đường lui sau khi giải nghệ

“Những người chơi eSports thường ở độ tuổi 16-22. ‘Thời kỳ hoàng kim’ của game thủ cũng trùng với thời gian vào đại học. Người chơi giỏi có thể trở thành HLV hoặc người tổ chức trò chơi khi vượt qua thời kỳ đỉnh cao của mình. Song nhiều người khác phải tìm một công việc phổ thông sau khi giải nghệ. Không có bằng cấp sẽ khiến họ gặp khó khăn”, Peng cho hay.

Với Peng và nhiều game thủ chuyên nghiệp khác, Thượng Hải được xem là trung tâm nổi tiếng nhất Trung Quốc về eSports. Chính quyền thành phố này đã khởi xướng loạt chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử, bao gồm các gói trợ cấp và chương trình giáo dục.

Thành phố đặt mục tiêu trở thành “thủ đô eSports” của thế giới, có thể sánh ngang với Los Angeles (Mỹ) - nơi thu hút các câu lạc bộ và nhà phát triển game nổi tiếng như Riot Games, Activision Blizzard và Infinity Ward.

Theo chính sách của thành phố Thượng Hải, nếu đáp ứng tiêu chuẩn nhất định, các dự án eSports và CLB có thể nhận trợ cấp lên đến 4 triệu NDT. Các CLB hàng đầu có thể được chính phủ đài thọ một nửa chi phí đào tạo và nhận trợ cấp lên đến 500.000 NDT/năm.

Nhiều trường đại học Trung Quốc, bao gồm ĐH Thể thao Thượng Hải, còn tạo ra các chuyên ngành về Thể thao điện tử để giúp vận động viên eSports lấy được bằng đại học.

Peng đã đăng ký vào ĐH Thể thao Quảng Châu. Anh dành thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để theo các lớp học trực tuyến.

game thu giau co anh 4

Những tuyển thủ eSports như Peng ngày càng được công nhận tài năng.

Cuối năm 2019, Thượng Hải đã xây dựng 35 sân vận động eSports và tổ chức 40% số cuộc thi eSports hàng đầu của quốc gia. Hơn 80% CLB và game thủ hàng đầu quốc gia đang hoạt động ở thành phố này.

Các tuyển thủ eSports giờ đây cũng được phép đăng ký như các VĐV chuyên nghiệp ở Thượng Hải. Khoảng 250 người chơi trò chơi điện tử hàng đầu đã được chứng nhận kể từ năm 2019.

Khi các hoạt động thể thao truyền thống bị hạn chế do dịch Covid-19, chính quyền Thượng Hải một lần nữa khẳng định cam kết trong việc phát triển eSports.

Trong khi Euro Cup, Thế vận hội Tokyo phải hoãn lại do dịch bệnh, League of Legends Pro League và King Pro League vẫn đang tổ chức các sự kiện theo lịch trình tại Thượng Hải.

Theo Hiệp hội Thể thao điện tử Thượng Hải, giá trị của ngành eSports tại thành phố này dự kiến đạt 19 tỷ NDT trong năm nay.

Học sinh trường đồi có đồng phục đón năm học mới

Khác với hình ảnh trong ngày khai giảng cách đây một năm, các học sinh tại điểm trường Tắk Pổ (Nam Trà My, Quảng Nam) năm nay rạng rỡ hơn khi có đồng phục, được tặng cặp, sách mới.

Đinh Phạm

Theo Shine

Bạn có thể quan tâm