Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chánh án TAND Tối cao trình Quốc hội việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

TAND Tối cao đề nghị Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ hai, để nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2022.

Tờ trình dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là nội dung mới sẽ được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội trong phiên họp chiều 23/10.

Nhiều lý do được trong tờ trình của TAND Tối cao cho thấy sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Điển hình là việc vừa qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, TAND Tối cao đã chỉ đạo hệ thống tòa án áp dụng nhiều giải pháp phù hợp, khẩn trương đưa các vụ án (đặc biệt là các vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch) ra xét xử, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình dịch diễn biến phức tạp, một số tỉnh thành phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên hoạt động xét xử cũng bị ảnh hưởng.

Trinh Quoc hoi viec to chuc phien toa truc tuyen anh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Hải Quân.

“Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa”, tờ trình của TAND Tối cao nêu bối cảnh.

Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, TAND Tối cao cho rằng phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt.

“Tòa án cũng bị thúc ép và tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh”, tờ trình nhấn mạnh.

Theo dự thảo nghị quyết, tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia tại địa điểm khác do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp tán thành về chủ trương. Cơ quan thẩm tra nhận định xét xử trực tuyến là hình thức mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn.

Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành nghị quyết cho phép tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Song về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có tác động nhiều đến công tác xét xử của ngành tòa án, do vậy, đề nghị TAND Tối cao báo cáo thêm các tác động của hoạt động này, đồng thời báo cáo rõ hơn với Quốc hội về công tác chuẩn bị, các điều kiện bảo đảm để xét xử trực tuyến.

TAND Tối cao đề xuất xét xử trực tuyến nhiều vụ án hình sự

Phòng xử án của phiên tòa trực tuyến chỉ gồm HĐXX, đại diện VKSND và cá nhân, tổ chức được chủ tọa cho phép tham dự. Còn bị cáo, đương sự, luật sư sẽ dự ở các điểm cầu.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm