Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chấp nhận bị trừ lương, mất ngày phép khi về quê ăn Tết sớm

Sau hai năm ăn Tết ở TP.HCM, năm nay, Minh Hạnh chọn về quê sớm từ đầu tháng 1, bất chấp khả năng bị trừ lương, ảnh hưởng thu nhập.

ve que an tet som anh 1

Lê Minh Hạnh (28 tuổi, quê Quảng Bình) đã chọn ở lại TP.HCM, đi làm xuyên Tết Nguyên đán trong các năm 2021, 2022.

"Năm đầu tiên, tôi không về quê vì lo ngại dịch bệnh, thời gian cách ly kéo dài. Còn năm 2022, vì vướng bận công việc, tôi cũng không thể đoàn viên với gia đình", cô nói với Zing.

Năm nay, Hạnh, nhân viên của công ty công nghệ thông tin, quyết tâm thu xếp công việc, đặt mua vé máy bay từ đầu tháng 11/2022, chốt lịch nghỉ Tết vào đầu tháng 1 (khoảng 15 tháng Chạp).

Ban đầu, cấp trên của Hạnh đồng ý tạo điều kiện vì nhân viên đã không thể về quê vào năm ngoái. Tuy nhiên, vào tháng 12/2022, công ty bất ngờ nhận thêm dự án. Trong hoàn cảnh thiếu hụt nhân sự cuối năm, những nhân viên về Tết sớm như Hạnh có thể bị cắt giảm lương.

"Dù vậy, vì đã đặt vé xong xuôi, tôi quyết định về đúng ngày dự kiến. Một số công việc tôi nhờ đồng nghiệp ở TP.HCM hỗ trợ, những việc khác không nhờ được thì phải cố gắng làm tại nhà", cô cho biết.

Về quê ăn Tết sớm giúp tiết kiệm chi phí đi lại, có thêm thời gian cho gia đình, người thân. Tuy nhiên, nhiều lao động phải chấp nhận đánh đổi ngày phép và thậm chí cả lương thưởng. Số khác tìm những cách giải quyết khác như xin phép công ty làm việc từ xa hoặc thỏa thuận bàn giao công việc với đồng nghiệp.

Mất nhiều ngày phép

Thanh Hiền (sinh năm 1996, làm mảng sự kiện) từ TP.HCM về quê Quảng Trị đón Tết vào ngày 11/1, sớm hơn lịch nghỉ Tết của công ty khoảng một tuần.

Giai đoạn này, các sự kiện lớn đều đã tổ chức xong xuôi. Những việc khác cô có thể sắp xếp trước hoặc nhờ người xử lý hộ, nên chuyện về quê sớm không ảnh hưởng nhiều đến công việc.

Thanh Hiền về quê đón Tết từ ngày 11/1. Ảnh: NVCC.

"Tuy vậy, một số công việc về giấy tờ cần thêm thời gian hoàn tất, tôi cũng chưa hoàn toàn yên tâm khi bàn giao lại. Hơn nữa về trước lịch nghỉ Tết thì tất nhiên phải chấp nhận mất nhiều ngày phép".

Hiền đã đặt mua vé máy bay từ ngày 24/11/2022. Vì không phải giai đoạn cao điểm nên giá vé rẻ và không gặp cảnh đông đúc, chờ đợi tại các sân bay.

So với những năm trước, Hiền cũng cảm thấy háo hức, thoải mái hơn vì vơi bớt nỗi lo di chuyển bất tiện hay cách ly phòng chống dịch bệnh.

"Tôi dự định trở lại TP.HCM vào ngày 3/2 (nhằm ngày 13/1 âm lịch). Tết năm nay, tôi muốn dành nhiều thời gian ở bên gia đình hơn".

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày, từ 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần tới hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (tức từ ngày 20 đến ngày 26/1/2023).

Từ tối 11/1 (20 tháng Chạp), ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng lớn hành khách là người về quê nghỉ Tết sớm. Các sân bay bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm dịp Tết Quý Mão. Thống kê trong ngày 11/1, tính riêng nội địa, Tân Sơn Nhất có gần 600 chuyến bay đi và đến.

Nỗi lo tài chính

Từ khi tốt nghiệp đi làm, đây là năm đầu tiên Hà Phương (26 tuổi, làm việc tại Hà Nội) được lên xe về quê ăn Tết sớm. Về trước Tết hai tuần, cô nàng quê Nghệ An không chỉ có nhiều thời gian bên bố mẹ hơn, mà còn thoát được cảnh chen chúc đầy ám ảnh trên chuyến xe ngày cuối năm.

Hà Phương chia sẻ cách đây ít tháng, cô đã nghỉ công việc văn phòng ở công ty cũ và đang trong thời gian tìm việc mới. Thời gian này, cô vẫn ở lại Hà Nội và nhận một số dự án freelance, đồng thời làm nội dung truyền thông online cho một công ty sản xuất có trụ sở ở Nghệ An.

Không bị gò bó ở văn phòng như các năm trước, cô có thể linh động sắp xếp mọi thứ để về nhà sớm hơn. Về quê, Phương vẫn tiếp tục làm việc cho đến ngày nghỉ lễ chính thức.

"Thời gian trước, đặc biệt là hai năm dịch, tôi có ít dịp về nhà, mỗi lần về thời gian ở lại chơi cũng rất ngắn ngủi. Mọi năm phải làm việc theo lịch trình công ty nên tôi về rất sát ngày Tết. Năm nay, tôi rất vui vì được về sớm để phụ giúp bố mẹ nhiều hơn", Phương nói.

Về quê sớm, Hà Phương vui mừng vì thoát được nỗi sợ đi xe khách trong dịp lễ. Cũng vì quá sợ cảnh chen chúc ấy, trừ dịp Tết, Phương thường tránh về quê vào các ngày lễ lớn.

Hà Phương về quê đón Tết sớm và vẫn làm việc từ xa. Ảnh: NVCC.

Cô nhớ như in cảm giác ngột ngạt khi kẹt cứng trên chuyến xe Tết, hành khách bị nhồi nhét và ngồi chen chúc nhau suốt 8 tiếng liền, đến một chỗ ngồi thoải mái cũng không có.

Thời gian này những năm trước, Phương phải vừa lo chạy deadline cuối năm, vừa tranh thủ đi mua sắm quần áo, quà bánh để mang về nhà. Song năm nay, cô thấy mình thong thả hơn.

Đây là cái Tết đầu tiên sau khi nhảy việc, cô không tránh được nỗi lo tiền bạc. Thu nhập từ các công việc làm thêm chỉ bằng khoảng 60% mức lương trước đây, buộc cô thắt chặt mọi khoản chi tiêu.

"Chưa có cái Tết nào tôi lo lắng chuyện tiền bạc như thế. Tôi vẫn cố gắng làm thêm nhưng không đủ. Bây giờ, tôi đã hiểu tại sao người lớn lại lo lắng và áp lực về ngày Tết như vậy. Chỉ mong rằng sang năm mới tôi sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong công việc".

Sáng 8/1 (tức 17 tháng Chạp âm lịch), Đan Thanh (27 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) ra sân bay để về nhà đón Tết, sớm hơn một tuần so với mọi năm. Trước đây, Thanh thường về sát ngày Tết, bởi cô nghĩ về sớm sẽ buồn chán vì không biết làm gì, bạn bè cũng đang đi làm xa.

Tuy nhiên, trải qua hai năm dịch, sống một mình khi thành phố phong tỏa, không thể về thăm ngay cả khi bố mẹ nhiễm bệnh, Thanh thay đổi suy nghĩ và mong muốn được về nhà nhiều hơn.

Trước đó hơn một tháng, cô nàng quê Thanh Hóa đã báo lịch nghỉ và được cấp trên nhanh chóng đồng ý. Một phần vì các thành viên trong nhóm đều là người TP.HCM hoặc các tỉnh ở gần, nên cô được ưu tiên về sớm.

"Vì công việc của tôi phải kết hợp với một số bộ phận khác trong công ty, như đội thiết kế, nên tôi cố gắng hoàn thành phần việc của mình sớm để tránh ảnh hưởng tiến độ của mọi người. Những đầu việc như tham gia sự kiện hay gặp trực tiếp khách hàng, tôi nhờ các đồng nghiệp nhận giúp".

Khoảng một tuần trước đó, cô thường xuyên thức đến nửa đêm để chạy deadline vì không muốn ôm quá nhiều việc về nhà. "Tôi muốn dành thời gian ở nhà để phụ giúp bố mẹ và thăm hỏi người thân nhiều hơn, thay vì chúi mũi vào công việc".

Về trước Tết gần hai tuần, Đan Thanh cũng tiết kiệm được khá nhiều chi phí đi lại. Cô cho biết vé máy bay về sân bay Vinh (Nghệ An) hết khoảng 2 triệu đồng. Nếu về đúng lịch như mọi năm (ngày 26-27 Tết) có thể tốn gấp đôi số đó.

"Không chỉ đỡ tốn tiền vé máy bay, tôi còn đỡ được một khoản nho nhỏ sinh hoạt phí so với khi ở lại thành phố. Số tiền đó, tôi có thể mua thêm quà hoặc biếu bố mẹ tiêu Tết", Thanh chia sẻ.

Mất việc trong những ngày cuối năm

Thất nghiệp giai đoạn cuối năm, nhiều người cố gắng tìm kiếm công việc mới càng nhanh càng tốt, trong khi số khác không vội vàng vì muốn cân nhắc vị trí phù hợp nhất với mình.

Mạng xã hội dành cho người yêu sách

Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.

Huệ Lâm - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm