Sự sa sút trong tinh thần và thái độ làm việc của nhân viên trước Tết Âm lịch khiến nhiều quản lý đau đầu. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
10h30 sáng thứ 2, Lưu Ly (28 tuổi, quận 7, TP.HCM) nhận báo cáo từ phòng nhân sự về số lượng nhân viên đi làm muộn, nghỉ không phép trong ngày.
Theo danh sách, 29/45 nhân viên công ty đến văn phòng muộn 15-30 phút trong ngày làm việc đầu tuần cuối cùng trước Tết Nguyên đán. Trong đó, có nhân sự check-in muộn 12/24 ngày công trong tháng 12.
Cô hiểu tinh thần làm việc của bộ phận “tụt dốc” dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến lịch nghỉ.
“Chỉ khi tôi đi kiểm tra tiến độ làm việc, các bạn ấy mới vội vàng dừng lướt mạng xã hội, tắt trang thương mại điện tử đang sắm Tết”, Lưu Ly chia sẻ với Zing.
Quản lý bối rối
Công ty của Lưu Ly hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm giáo dục, bao gồm 2 bộ phận chính là DEV (lập trình viên, kỹ sư công nghệ) và Office (khối hành chính).
Giai đoạn cuối năm, thái độ và tinh thần làm việc của 2 bộ phận hoàn toàn trái ngược nhau.
Trong khi đội ngũ lập trình viên đang “cày” một lúc nhiều dự án, sửa chữa lỗi vận hành để tránh phải làm việc trong Tết, thì nhân viên khối văn phòng dành quá nửa thời gian trong ngày đặt vé tàu xe về quê, sắm sửa quà cáp, đặt lịch làm tóc, sửa nail.
Lưu Ly thất vọng khi nhân viên không tập trung trong giờ làm, đi muộn liên tục. |
“Một số nhân sự xin nghỉ sớm 3-5 ngày để về quê đón Tết với lý do không đặt được vé tàu xe. Tôi thông cảm với bạn ấy, nhưng đây rõ ràng là việc cá nhân, bạn cần chủ động thu xếp”, Lưu Ly nói.
Chung tâm sự với Lưu Ly, Sơn Tùng (27 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - quản lý một công ty khởi nghiệp lĩnh vực kiến trúc - cũng loay hoay khi chứng kiến tinh thần uể oải của nhân viên trước Tết Âm lịch.
Khoảng 2 tuần qua, văn phòng anh xôn xao chuyện biếu quà Tết, lì xì người già, trẻ nhỏ và chuẩn bị mâm cỗ cúng.
Bàn vẽ, phác họa bản thiết kế chung bị ngó lơ.
Tùng biết toàn ngành xây dựng - kiến trúc không quá bận rộn dịp cuối năm. Số lượng hợp đồng ít khiến deadline của nhân sự được giãn ra, tạo tâm lý trì hoãn, lơ là nhiệm vụ.
Quy mô công ty của Sơn Tùng tương đối nhỏ nên mối quan hệ giữa sếp và nhân viên khá thân thiết. Sự gần gũi này khiến anh ngại nhắc nhở nặng nề hay xử phạt nghiêm khắc.
“Thú thật, tôi không có nhiều kinh nghiệm quản trị và vận hành nên khá bối rối. Tính tôi vốn ‘dĩ hòa vi quý’, ít khi quát mắng hay khiển trách cá nhân trước tập thể”, Tùng tâm sự.
Trưởng phòng marketing Minh Phương (32 tuổi, quận 5, TP.HCM) cũng vừa bị giám đốc nhắc nhở vì không quản lý tốt nhân sự. Gần một nửa nhân viên phòng ban của cô làm việc tại nhà 3/6 ngày tuần vừa qua.
Cô liên tục nhận tin nhắn xin nghỉ phép dịp sát Tết Nguyên đán. Khoảng 7-8h hàng ngày, Phương sẽ nhận được 5-7 tin nhắn xin nghỉ hoặc làm việc tại nhà.
“Lý do phổ biến nhất mà các bạn đưa ra là ốm đau. Tôi không thể chất vấn khi nhân sự trình bày nguyên nhân này”, Minh Phương nói.
Một số cộng tác viên của cô là sinh viên và được nhà trường cho nghỉ Tết sớm, đang lên kế hoạch về quê trước kỳ nghỉ chính thức dành cho người lao động. Trong khi đó, nhiều nhân sự chính thức cũng muốn về quê sớm nhằm tránh đông đúc, kẹt xe.
Đau đầu tìm giải pháp
Nhận thấy tâm lý chểnh mảng của nhân viên khối hành chính đang tạo tiền lệ xấu trong văn phòng những ngày cuối năm, Lưu Ly lập tức tổ chức cuộc họp nội bộ với quản lý các đội, nhóm.
Cô yêu cầu nhắc nhở, chấn chỉnh tinh thần chung. Để cải thiện hiệu suất làm việc trong dịp này, cô đưa ra chính sách xét tăng lương, thưởng Tết mới.
“Công ty tôi có thang điểm chuyên cần để đánh giá cán bộ nhân viên. Tôi dự định sử dụng hệ số này nhằm xét duyệt yêu cầu tăng lương trong năm sau”, quản lý này chia sẻ.
Thậm chí, Lưu Ly sẽ thẳng tay cắt giảm thưởng Tết của những nhân viên thường xuyên đi muộn, nghỉ việc không phép, chậm deadline nhiều lần. Cô biết quy định mới này sẽ làm mất lòng nhiều người, nhưng buộc phải thực hiện để duy trì kỷ luật tại công sở.
“Tôi không muốn nhân viên ở văn phòng nhưng tâm trí toàn bánh tét, thịt kho hột vịt”, cô kiên quyết nói.
Đối mặt với vấn đề tinh thần nhân sự xuống dốc, Sơn Tùng chọn cách giải quyết khác với Lưu Ly. Anh tiến hành tổ chức tiệc tất niên, tụ tập ăn uống sau giờ hành chính.
Sơn Tùng ưu tiên tổ chức tiệc tùng, trao giải thưởng để khích lệ tinh thần nhân viên. |
Anh sẵn sàng chi trả cho các hoạt động ăn, uống, hát hò của tập thể nhân sự công ty.
Hơn nữa, Sơn Tùng cũng đề xuất ý tưởng thực hiện buổi trao giải cho các cá nhân OT (làm việc quá giờ) nhiều nhất, hoàn thành đúng deadline, được tag (nhắc tên) trong nhóm chat liên tục.
Theo Tùng, các giải thưởng này cho thấy sự công nhận đối với cống hiến của nhân viên suốt một năm qua.
Khi nhận về phần thưởng, nhân sự sẽ cảm thấy gắn bó với doanh nghiệp, có trách nhiệm lớn hơn trong công việc.
“Sau buổi trao giải, tôi thấy tiến độ hoàn thành dự án nhanh hơn ngày thường 1,5 lần. Các nhóm chat cũng hiện thông báo tin nhắn suốt khung giờ hành chính”, Sơn Tùng phấn khởi chia sẻ.
Đồng tình với Sơn Tùng, nhân viên hành chính nhân sự (HR) Phan Anh (30 tuổi, quận 4, TP.HCM) cho rằng quản lý tại các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhân viên một cách hợp lý trong tuần làm việc cuối cùng của năm Âm lịch.
Theo anh, nếu đặc thù ngành nghề không cần chạy nước rút dịp cuối năm, lãnh đạo các cấp có thể tạo môi trường làm việc thoải mái, tránh gây áp lực không cần thiết cho nhân viên.
Ngược lại, nếu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp yêu cầu sự tập trung cao độ trong mùa lễ hội, cấp quản lý có thể cân nhắc tổ chức tiệc liên hoan tổng kết, các hoạt động thi đua để nâng cao tinh thần làm việc.
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất một quản lý cần làm trong thời điểm này là hạ thấp mức độ kỳ vọng của bản thân”, Phan Anh chia sẻ với Zing.
Lối ra
Theo khảo sát từ Resourcing Edge, tổ chức cung cấp nguồn nhân sự tại Mỹ, người lao động thường chịu nhiều áp lực trước kỳ nghỉ lễ. Work-life balance (cân bằng công việc và cuộc sống riêng tư) là thách thức đối với nhiều nhân viên trong mùa lễ hội.
Theo đó, sự căng thẳng khi phải chuẩn bị cho bản thân và gia đình dịp cuối năm khiến cho số lượng lớn nhân viên văn phòng chểnh mảng, hiệu suất công việc giảm sút đáng kể. Thậm chí, không ít người gặp vấn đề tâm lý, căng thẳng nghiêm trọng.
Điều này cũng trở thành thách thức không nhỏ đối với cấp quản lý khi cùng lúc phải hỗ trợ nhân viên và đảm bảo công việc chung, chịu trách nhiệm với lãnh đạo.
Theo ông Gary Royal, Giám đốc nhân sự của MIG, cấp quản lý cần điều chỉnh kỳ vọng của mình vào nhân sự và công việc chung trong giai đoạn cuối năm. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Chia sẻ về vấn đề này trên mạng xã hội tuyển dụng LinkedIn vào tháng 11/2021, ông Gary Royal, Giám đốc nhân sự của MIG (Tập đoàn đầu tư thế chấp Mỹ), cho biết các quản lý gặp nhiều khó khăn khi phải đảm bảo hiệu suất công việc, thúc đẩy tinh thần lao động của nhân viên trong mùa lễ hội.
Ông đưa ra 3 lời khuyên hữu ích để đối phó với vấn đề nan giải này.
Thứ nhất, người quản lý nên điều chỉnh kỳ vọng khi mùa lễ hội bắt đầu. Nếu đây là thời điểm bận rộn của doanh nghiệp, bạn cần “lên dây cót tinh thần” cho nhân sự từ sớm. Tuy nhiên, bạn không nên hy vọng vào hiệu quả công việc xuất sắc trong thời điểm này.
Thứ hai, lãnh đạo nên giảm bớt áp lực cho nhân viên bằng nhiều cách. Ví dụ, bạn có thể kéo dài thời gian nghỉ trưa thêm 30-45 phút để nhân sự cảm thấy thoải mái trong việc mua sắm, chuẩn bị cho dịp lễ hội.
Quản lý cũng nên nói lời cảm ơn và thể hiện sự trân trọng đối với sự cống hiến, nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân sự trong một năm qua. Tiệc tất niên hay các món quà chính là phần thưởng xứng đáng cho họ.
Thứ ba, lãnh đạo các cấp cần biết cách đặt mục tiêu thực tế và hợp lý. Đây không phải khoảng thời gian lý tưởng để bắt đầu một dự án lớn, triển khai kế hoạch mới.
Thiết lập mục tiêu nhỏ và xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết chính là giải pháp được Gary Royal gợi ý.
Các hội sách lớn, sau nhiều lần trì hoãn hoặc tổ chức với hình thức trực tuyến, nay đã trở lại trực tiếp. Nhiều hội sách, chương trình dành cho người làm xuất bản sẽ được thực hiện trong thời gian tới như Lễ hội Truyện tranh Quốc tế Angoulême (Pháp), Hội sách Thiếu nhi Bologna và BolognaBookPlus (Italy), Hội sách London (Anh), Hội sách Madrid (Tây Ban Nha), Hội sách Quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội sách Quốc tế Sharjah (UAE)...