Suốt một khoảng thời gian dài, Archana, quản lý phòng marketing, đã chịu nhiều ấm ức vì môi trường làm việc độc hại.
Chia sẻ với VICE, cô nói mình không được trả lương xứng đáng, phải làm việc cả cuối tuần và bị hạn chế sức sáng tạo. Thậm chí, cấp trên còn tỏ ra khinh thường nhân viên, khó chịu nếu cấp dưới xin nghỉ phép.
Những điều này khiến sức khỏe tinh thần của cô bị ảnh hưởng trầm trọng.
“Như mọi mối quan hệ độc hại khác, từ bỏ công việc o bế không phải điều dễ dàng. Song, thay vì nghỉ hẳn, tôi đã xin làm freelance cho công ty. Nhờ đó, tôi vừa được tự do, vừa có kinh tế", cô nói.
Nhiều Gen Z ở Mỹ đang hướng đến xu hướng làm freelance cho một, hoặc vài công ty trong khoảng thời gian dài để vừa không bị giới hạn bởi quy định công sở, vừa có thu nhập. Ảnh: Wall Street Journal. |
Theo Từ điển Cambridge, hình thức làm việc của Archana được gọi là "permalancer" - làm freelance cho một công ty, hạng mục cụ thể trong một thời gian dài.
Nhiều Gen Z ở Mỹ đang hướng đến xu hướng này để có nguồn thu nhập tiềm năng và không bị ràng buộc bởi các quy tắc nơi công sở.
Báo cáo của website Upwork chỉ ra gần một nửa dân số thuộc Gen Z tại Mỹ hiện lựa chọn các công việc freelance, đặc biệt là sau làn sóng nghỉ việc vì đại dịch. Họ coi trọng sự tự chủ, độc lập trong công việc thay vì sự ổn định.
Nghiên cứu năm 2018 của Upwork kết hợp với Edelman cũng cho thấy 76% số người được hỏi cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm công việc tự do.
Phần đông khẳng định sẽ "không chọn công việc ổn định" dù mức lương có hấp dẫn thế nào chăng nữa.
Tuy nhiên, những công việc "permalancer" lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do hợp đồng không đi kèm các quyền lợi như bảo hiểm y tế và kỳ nghỉ có lương.
Thậm chí, nhiều công ty còn lợi dụng xu hướng này để cắt giảm chi phí nhân sự.
Năm 2018, tờ Bloomberg đưa tin gần một nửa lực lượng lao động tại Google là các cộng tác viên, không được hưởng lợi ích tương tự nhân viên chính thức.
Gần đây, tờ Medium và Epicurious đã đăng tin tuyển dụng cho các vị trí freelance cố định, bao gồm 40 giờ làm việc mỗi tuần mà không có lợi ích cơ bản.
Dù có thể bị lạm dụng sức lao động và không ổn định về thời gian làm việc, nhiều người vẫn lựa chọn công việc freelance. Ảnh: iStock. |
Sau 5 năm làm việc tại một văn phòng luật, Nishant Saini đã quyết định nghỉ việc và bắt đầu tìm kiếm các dự án freelance. Anh khẳng định rằng cả lao động toàn thời gian và tự do đều có nguy cơ bị bóc lột sức lao động.
"Nếu dự án bạn chọn trở nên độc hại, công việc freelance ấy sẽ mất đi ý nghĩa cốt lõi của nó - sự tự do, lành mạnh. Tôi từng bị đùn đẩy công việc và buộc làm thêm giờ khi cộng tác cho một công ty. Ngay sau đó, tôi đã kết thúc hợp đồng với họ", Saini nói.
Ngoài nguy cơ bị bào mòn sức lao động, các lao động tự do cũng sẽ gặp khó khăn vì thời gian làm việc không cố định.
Arzoo Dina, một nhà báo đã từ bỏ vị trí toàn thời gian vào 5 năm trước, thừa nhận các mối quan hệ của mình cũng bị ảnh hưởng vì cô thường phải làm việc vào cuối tuần và các ngày lễ.
Tuy nhiên, Dina cho rằng sự đánh đổi ấy là đáng giá.
"Tôi từng gặp khó khăn khi kết nối với người thân, bạn bè sau khi chuyển sang làm freelance. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng mình có thể đặt giới hạn cụ thể trong công việc, tự cho bản thân nghỉ ngơi khi bị quá tải. Tôi nghĩ rời bỏ đời sống văn phòng ổn định là một sự đánh đổi đáng giá để có thể tập trung cho nhu cầu của chính mình", cô nói.