Có thu nhập ổn định, chưa có gia đình, nhưng Thúy Thảo thường phải vay tiền bạn bè trước khi đến kỳ lương do tiêu hết tiền vào ăn uống, mua sắm không tính toán.
“Trước khi đi làm, mình thường ăn sáng hết khoảng 30.000 đồng, thêm ly trà 30.000 đồng nữa. Đến trưa, mình tốn thêm 50.000-100.000 đồng ăn ngoài, chiều ‘vui miệng’ gọi trà sữa với đồng nghiệp, đôi lúc đi làm về lại mua gì đó ăn vặt, chưa kể mua sắm linh tinh. Có những ngày mình tiêu ít hơn, có ngày còn vượt cả con số này”, Thúy Thảo (nhân viên bán hàng, TP.HCM) kể với Zing.
Không có kế hoạch hay nguyên tắc chi tiêu cụ thể, cô mua đồ phần lớn dựa theo cảm hứng dù sớm biết khoản chi này có thể không cần thiết.
Tương tự Thảo, không ít bạn trẻ thường xuyên gặp các vấn đề tài chính do quản lý tiền bạc sai cách. Dù nhận định được cách chi tiêu của mình có vấn đề, phần lớn vẫn loay hoay để khắc phục.
Tiêu tiền không kiểm soát
Thảo cho rằng vấn đề lớn nhất của bản thân là không biết kiềm chế, “kiếm đồng nào xào đồng ấy”.
“Mình chưa có kế hoạch gì dài hạn, cũng chưa lập gia đình nên tiền kiếm được chỉ để dùng cho bản thân, không có nhiều áp lực. Vì vậy, cứ thấy thích gì là mình có xu hướng mua luôn, tặc lưỡi ‘thôi hết tiền thì mượn tạm bạn rồi tháng sau trả’. Vì thế, dù đã đi làm cả năm nay, mình vẫn không để ra được đồng nào”.
Thúy Thảo chưa biết cách kiểm soát chi tiêu nên |
Riêng trong tháng 3, Thảo đã tiêu khoảng 15 triệu đồng, gần gấp đôi thu nhập. Ngoài ăn uống linh tinh, đi cà phê cùng bạn bè, cô rất thích mua quần áo, thường tậu ngay các mẫu đang hot.
“Nhiều khi nghĩ lại các khoản đã chi, mình thấy hối hận lắm. Năm nay, có lẽ mình phải bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm, không thể kéo dài mãi như vậy được”.
Tương tự, Lan Anh (nhân viên chăm sóc khách hàng) cũng cắn rứt mỗi khi nhẩm tính về số tiền đã bỏ ra trong tháng.
“Nhà mình ở TP.HCM nên không tốn tiền trọ, chỗ làm cũng gần nhà nên buổi trưa có thể chạy về ăn. Chắc mình đổ nhiều tiền nhất vào mục ăn uống ngoài và mua đồ linh tinh”.
Vì thường vào ca từ sáng sớm, khoảng 5h30, Lan Anh thường mua cà phê hoặc trà để tỉnh táo, trung bình 2 ly/ngày.
Bên cạnh đó, vì thích một thương hiệu lẩu cao cấp (khoảng 300.000-400.000 đồng/người/bữa), dù đã tự dặn lòng không ăn quá 2 lần/tháng song cô thường không kìm được mỗi khi bạn bè rủ đi.
Một sở thích khác của Lan Anh là mua sắm online. Vào giữa tháng, khi các sàn thương mại điện tử tung khuyến mại, cô thường đặt nhiều đồ dùng cá nhân và cho gia đình.
Cứ như vậy, Lan Anh thường xuyên tiêu khoảng 5 triệu đồng/tháng trên tổng mức thu nhập 8 triệu đồng.
“Có tháng, mình để dành ra được một ít thì bạn rủ đi du lịch, thế là tiền tiết kiệm lại trở về con số 0. Nhiều khi nghĩ lại, mình thấy rõ ràng mục này, mục kia không đáng bỏ tiền ra nhưng không hiểu sao vẫn hành động ngược lại”.
Thời gian gần đây, Lan Anh quyết định tự pha cà phê đem đi làm. Bên cạnh đó, cô giới hạn số tiền được phép bỏ ra trong một tháng và tự nhủ chỉ được tiêu trong khoảng đó để không lặp lại những sai lầm cũ.
Tiêu tiền để chiều chuộng bản thân
Với nhiều người thường xuyên gặp áp lực công việc, “tiêu tiền” là một trong những cách họ giải tỏa, lấy lại cân bằng.
Tuần trước, Ngọc Anh (sinh năm 1998, làm việc trong ngành truyền thông) đã chi 615.000 đồng cho bữa tối tại một thương hiệu lẩu có tiếng. Sau bữa ăn, cô chỉ còn hơn 2 triệu đồng để cầm cự đến ngày nhận lương vào cuối tháng.
“Phải 4 tháng rồi mình không ăn lẩu, hôm đó lại rủ mãi không có ai đi nên ăn một mình luôn. Không biết lúc đó mình nghĩ gì nữa”.
Tự nhận là người không biết quản lý tài chính, Ngọc Anh thường xuyên lao đao dù có mức lương ổn khoảng 13 triệu đồng. Một tuần, cô thường ăn ngoài 2-3 lần với mức giá 150.000-200.000 đồng/bữa, đặc biệt mỗi khi cảm thấy buồn phiền, mệt mỏi trong công việc, cuộc sống.
Việc chi tiêu thoải mái cho ăn uống, giải trí khiến nhiều người trẻ khó để tiết kiệm. Ảnh minh họa: Tuấn Anh. |
Ngoài những bữa ăn “xả stress”, Ngọc Anh có thói quen đến quán cà phê làm việc, uống nước khoảng 40.000-55.000 đồng/ly. Có thời điểm trong một tuần, cô ôm máy tính tới quán cả 7 ngày.
“Có lẽ mình đã ỷ lại vào việc có thu nhập ổn định nên cứ chi tiêu linh tinh. Trừ 3,5 triệu đồng tiền nhà, điện nước mỗi tháng, mình chẳng để dành được gì từ số còn lại dù đi làm hơn một năm nay”.
Lan Anh đã thử nhiều phương pháp tiết kiệm, từ gửi tiền online, cài ứng dụng kiểm soát chi tiêu song đều không thành công. Mỗi khi gặp vấn đề tâm lý, cô sẽ ưu tiên chiều chuộng bản thân trước rồi tính đến tiền bạc sau.
“Ban đầu, mình nghĩ mấy đồ như cà phê thì chẳng đáng bao nhiêu, có thể dễ dàng kiểm soát. Tuy nhiên khi đã thành thói quen thì thật sự rất khó bỏ, hôm nào không có thì chẳng còn tinh thần làm việc”.
Nhiều bạn trẻ có thói quen coi ăn uống như một cách hưởng thụ và giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, công việc. |
Chung nỗi niềm, Ngọc Linh (nhân viên công ty xuất nhập khẩu, Hà Nội) chọn cách mua quần áo, đi spa hoặc làm móng mỗi khi gặp căng thẳng. Với thu nhập gần 12 triệu đồng, nhiều tháng, cô vẫn “cháy túi” trước khi nhận lương.
“Bên cạnh đó, mình cũng thích tụ tập ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp. Tăng một món chính rồi lại tăng 2 cà phê, mỗi buổi đi chơi như vậy ngốn của mình khoảng 300.000-500.000 đồng. Đi làm 3 năm nay, từ khi mức lương mới 6-7 triệu đồng đến bây giờ, bài toán chi tiêu vẫn làm khó mình”.
Điều khó nhất khi tiết kiệm tiền là dũng khí để bắt đầu nó. Theo Bettermoneyhabit và Localfirstbank, người trẻ có thể làm theo một số lưu ý dưới đây để bắt đầu kiểm soát tài chính tốt hơn:
Ghi lại chi tiêu: Từ tiền mua cà phê, trà sữa đến đồ gia dụng đắt tiền, hãy tạo thói quen ghi lại mọi thứ bạn chi tiêu để biết tiền của mình đã đi về đâu, từ đó cân nhắc nên ưu tiên hoặc cắt bỏ mục nào. Bạn có thể ghi chú vào một cuốn sổ hoặc dùng các ứng dụng trên điện thoại.
Tiết kiệm 1/3 thu nhập: Nếu không biết nên để dành bao nhiêu, U.S.News gợi ý hãy trích ra khoảng 1/3 tiền kiếm được mỗi tháng để tiết kiệm hoặc dành cho lúc khẩn cấp như y tế, sửa xe hay khoản chi bất ngờ khác.
Đặt mục tiêu: Một trong những cách tốt nhất để tiết kiệm tiền là đặt ra mục tiêu. Hãy nghĩ về những gì bạn muốn mua trong tương lai, cả ngắn hạn và dài hạn, sau đó ước tính số tiền cần thiết để tạo động lực.
Tìm cách cắt giảm chi tiêu: Xác định những chi phí không cần thiết, ví dụ như giải trí và ăn uống rồi cân nhắc cắt giảm. Ngoài ra, hãy chủ động tìm kiếm các tài nguyên, dịch vụ miễn phí; hủy tư cách thành viên những câu lạc bộ, hội nhóm không còn tham gia nếu tốn phí; tự nấu nướng nhiều hơn thay vì ăn ngoài. Khi muốn mua một món đồ, hãy cân nhắc trong vài ngày và xem bạn có thực sự cần chúng hay không.
Chọn kênh gửi tiền phù hợp: Có nhiều tài khoản tiết kiệm và tài khoản đầu tư phù hợp cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Bạn không cần dồn hết tiền vào một chỗ. Xem xét cẩn thận tất cả lựa chọn và cân nhắc số dư tối thiểu, phí, lãi suất, rủi ro và thời gian bạn sẽ cần tiền để chọn các kênh giúp bạn tiết kiệm tốt nhất.