Chat với nữ sinh có điểm Sử cao nhất nước
Tôn Nữ Thùy Linh không chỉ đỗ thủ khoa khối C ở Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM mà còn có điểm thi môn Lịch sử cao nhất cả nước: 9,5 điểm.
>>Những chàng trai 'vàng' của các trường cấp 3
>>Gặp thủ khoa đầu tiên của mùa tuyển sinh ĐH 2011
Trong khi dư luận đang sốt sắng vì điểm Lịch sử thấp một cách "đau lòng" thì cô nữ sinh lớp 12 C2 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) đã để lại dấu ấn đặc biệt cho mùa tuyển sinh 2011 bằng điểm thi 9,5 ở môn Sử. Cùng với 2 thí sinh khác, Tôn Nữ Thùy Linh đã đỗ thủ khoa vào trường Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM với 22,5 điểm.
Tìm hiểu về Thùy Linh, mới hiểu được rằng bên trong nụ cười bẽn lẽn, giọng nói nhỏ nhẹ của em là một nghị lực phi thường. Gia đình em rất khó khăn, ba em đã hơn 70 tuổi, bị mất một chân do chiến tranh, mẹ làm ruộng gồng gánh nuôi chồng và 7 người con.
Thùy Linh (thứ 2 hàng nữ, từ trái qua) trong sắc màu áo dài của trường THPT Lê Quý Đôn - Đà Nẵng. |
Hàng ngày, ngoài việc đạp xe suốt 15-16 km để đến trường, Thùy Linh còn phụ giúp ba mẹ việc nhà. Thế nhưng cô bé vẫn có thành tích học tập tốt, với 3 năm liền đạt giải nhất học sinh giỏi môn Lịch sử thành phố Đà Nẵng, năm lớp 11 em lọt vào đội tuyển thi Quốc gia nhưng do bị ốm nên không theo được. Dù vậy, kỳ thi đại học năm nay em đã làm nên thành tích "đúp" với vị trí thủ khoa đồng thời đạt điểm Sử cao nhất trong cả nước.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với nữ thủ khoa đặc biệt này:
Học Sử phải có tư duy
- Thùy Linh có thể cho biết từ lúc nào em đam mê môn Lịch sử?
- Từ nhỏ em đã yêu thích những sự kiện lịch sử, những nền văn minh trên thế giới, em thích xem tranh ảnh, xem các bộ phim tài liệu về quá khứ. Cho đến khi lên lớp 9, em vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Sử của thành phố thì em thực sự đam mê. Và lớp 10 thì em thi vào trường chuyên Lê Quý Đôn với môn chuyên là Sử.
- Yêu thích là thế, nhưng một cô bé 15 tuổi phải đạp xe đến trường cách nhà tận 15-16 km thì đâu phải dễ dàng gì, em có phải suy nghĩ nhiều khi quyết định sẽ đi học ở trường chuyên?
- Quả thực em cũng rất phân vân. Vì đỗ vào trường chuyên rồi thì phải đi học xa quá, nhà cũng không có điều kiện để mà trọ học nữa, nên chắc chắn em sẽ chỉ đạp xe đi về thôi. Nhưng lúc đó thì mẹ em khuyên là có vào trường chuyên học mới tốt hơn, gặp được nhiều bạn giỏi, thầy giỏi, môi trường tốt thì mình sẽ có cơ hội được thay đổi cuộc sống. Chính vì thế em đã quyết tâm đi học ở trường chuyên.
Và quả thật là ngay trong ngày đầu đến trường, em đã tin rằng mình quyết định đúng. Đó là hôm khai giảng khóa học hè, em đến, thấy trường thật rộng, thật đẹp. Hồi học cấp 2, em không tưởng tượng được là sẽ chào cờ trong hội trường lớn và đẹp, thế mà ở đây lại như vậy. Rồi ngày xưa xem qua ti vi, nhìn các chị mặc áo dài xanh dưới sân trường, giờ thì em đã được mặc một chiếc áo dài như vậy, em cảm thấy rất tự hào và xúc động.
- Học lớp chuyên, nhưng không phải ai cũng đạt được điểm cao ở môn Lịch sử, vậy Thùy Linh có cách học Sử như thế nào cho hiệu quả?
- Theo em thì học Sử đòi hỏi bản thân phải tư duy logic rất nhiều. Trong một cuốn sách, em chia ra từng giai đoạn, giai đoạn nào là trọng tâm, rồi trong mỗi giai đoạn có sự kiện lớn nào, nguyên nhân là gì, tác động ra sao đến các sự kiện tiếp theo. Cứ như vậy, em liên kết những sự kiện với nhau, có bối cảnh, có diễn biến, có hậu quả... tạo thành một bức tranh tổng thể có sự liên hệ chặt chẽ với nhau.
- Nói thì có vẻ như đơn giản, nhưng để yêu, để nhớ và để xâu chuỗi được rất nhiều sự kiện lại là điều không dễ. Vậy chắc hẳn em cũng có những nhân vật đặc biệt trong môn học để kích thích sự khám phá của em?
- Có lẽ là như vậy, khi học Lịch sử Việt Nam, người mà em rất ngưỡng mộ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi sau này, em đọc một cuốn sách về chiến dịch Điện Biên Phủ, có nói về tài nghệ quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, em rất khâm phục và kính trọng vị tướng tài ba này. Ngoài ra em cũng thích giai đoạn lịch sử phong kiến của Việt Nam, với các vị vua như Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung Nguyễn Huệ... Chính những danh nhân đó đã khiến em thích tìm hiểu, khám phá lịch sử Việt Nam, giúp em học tốt hơn môn học này.
- Trong chương trình ôn thi đại học ở môn Sử, em lấy giai đoạn nào là trọng tâm, để kết nối với các chuỗi sự kiện khác?
- Em lấy giai đoạn 1930-1945, đó là giai đoạn thành lập Đảng và Cách mạng Tháng 8. Sau giai đoạn này thì Việt Nam có Đảng và Chính phủ lãnh đạo theo một đường lối kiên định, những sự kiện, những chiến dịch tiếp theo đều hướng tới đường lối này, vì thế chỉ cần nắm vững quá trình phát triển, diễn biến và sự tác động của các sự kiện là sẽ xâu chuỗi được cả một quá trình lịch sử lâu dài của đất nước.
- Còn những con số, ngày tháng trong vô vàn các sự kiện lịch sử thì sao?
- Em nghĩ là không cần phải nhớ các số liệu chi tiết như chiến dịch này bắn bao nhiêu xe tăng, giết được bao nhiêu mà chỉ cần nhớ ngày tháng, các mốc quan trọng, quy mô và tác động của mỗi sự kiện.
- Với kiến thức Lịch sử thế giới thì sao, đa số các bạn thi khối C đều cho rằng khối lượng thông tin ở mảng này quá lớn, không thể nắm vững được hết?
- Thực ra Lịch sử thế giới em chỉ học bao quát. Trong quá trình đó, em xem phim và đọc tư liệu để hiểu hơn tình hình thế giới, từ đó có những liên hệ với kiến thức đã học để nắm vững vấn đề hơn.
Thùy Linh và bạn cùng lớp - Hồng Hạnh (kỳ thi vừa rồi Hạnh đỗ thủ khoa ở trường ĐH Luật TP.HCM). Cả hai đang đứng bên bức thư pháp khắc trên đá. |
Khối nào cũng vậy, miễn là mình có mục tiêu và quyết tâm
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, chủ nhiệm lớp 12C2 của em Tôn Nữ Thùy Linh: "Trong số 20 học sinh lớp tôi thì Thùy Linh rất chăm chỉ, em không đi học thêm, chỉ học ở trường và cần mẫn lên thư viện đọc sách. Em thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất lớp, 3 năm liền, em đạp từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà". |
- Quả thực là học khối D thì có nhiều trường để chọn, lại toàn trường giỏi, trong khi khối C thì lại rất khó khăn trong việc chọn trường.
Em cũng phải suy nghĩ rất nhiều để quyết định mình sẽ đi theo ngành nào, cuối cùng thì em đăng ký vào ngành quản lý nhân lực.
Đây là một ngành mà em nghĩ doanh nghiệp nào cũng cần, hơn nữa trong thời điểm đất nước đổi mới, rất cần nhân lực lao động chuyên nghiệp ở lĩnh vực này nên sẽ không khó trong vấn đề xin việc. Hơn nữa, em nghĩ là học khối nào cũng vậy, nếu mình có mục tiêu, có quyết tâm thì khi ra trường sẽ có một công việc tốt.
Đỗ thủ khoa là niềm vui, niềm tự hào, nhưng liền đó là nỗi lo của Thùy Linh và ba mẹ. (Ảnh báo Đà Nẵng). |
- Trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học, em có mong muốn gì?
- Nhà em hoàn cảnh khó khăn, mẹ biết tin em đỗ đại học mà vừa mừng vừa lo, vì đỗ rồi thì lấy đâu ra tiền cho em vào TP.HCM nhập học. Nhưng ba mẹ vẫn quyết tâm cho em đi học, đó là động lực nhưng cũng là thách thức lớn ở trước mắt em. Em nghĩ mình sẽ cố gắng hết sức để học tốt, đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống. Ra trường em quyết tâm có một công việc tốt và thoát được khỏi cuộc sống khó khăn, giúp đỡ được ba mẹ.
Tôn Nữ Thùy Linh hiện sống với ba mẹ ở tổ 26, phường Hòa Quý, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Gia đình em nghèo, ba mẹ đang phải vay mượn để có tiền cho Thùy Linh sắp tới vào TP.HCM nhập học. Độc giả muốn giúp đỡ em Thùy Linh, vui lòng liên hệ qua điện thoại của gia đình em: 0511 396 0001. |
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam