Theo gia đình cháu Mạnh, ngày 8/4 cháu đang chơi cùng anh trai ở nhà, thì nhặt được một gói bột hóa chất màu trắng. Cháu ăn do tưởng là đường.
Sau khi ăn, cháu Mạnh liên tục quấy khóc. Người nhà kiểm tra phát hiện miệng cháu bị phồng rộp nên đưa đến bệnh viện huyện, sau đó là bệnh viện tỉnh cấp cứu. Do vết thương quá nặng và sâu vào tận thực quản, dạ dày, cháu được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị.
Sau 1 tuần điều trị, hiện bé đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Điều trị tại đây được gần một ngày, cháu Mạnh tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi tiếp nhận, bệnh nhi ở trong tình trạng sưng môi, loét miệng, xuất tiết nhiều đờm dãi. Chất bột màu trắng rơi ra tay làm loét vùng trước khuỷu tay trái khiến bệnh nhi liên tục quấy khóc.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cháu bị bỏng thực quản, dạ dày do ăn nhầm hóa chất (nghi là chất xút Natri hiđroxit NaOH) và tiến hành nội soi thực quản dạ dày cấp cứu.
Hàng ngày, các cán bộ điều dưỡng chuyên khoa tiêm kháng sinh, truyền dịch, vệ sinh miệng, da cho bé. Sau 6 ngày nhập viện, các vết thương vùng miệng bé đã bắt đầu khô, vùng loét da trước khuỷu tay trái bắt đầu bong vảy. Bé ngủ tốt, không còn quấy khóc.
Theo các bác sĩ, đối với bệnh nhân bỏng thực quản dạ dày, sau giai đoạn bỏng, niêm mạc nơi thực quản bị tổn thương sẽ hình thành sẹo co rút, làm lòng thực quản teo nhỏ dần, khiến trẻ không thể ăn uống được, dẫn đến tình trạng suy kiệt dần, phải ăn qua ống hoặc mở dạ dày qua da và có thể dẫn đến tử vong.
Với các vết bỏng ở ngoài da, sau giai đoạn lành vết thương sẽ đến giai đoạn sẹo co rút da. Nếu bị bỏng ở vùng cổ - cằm, sẹo sẽ kéo cằm và môi xuống, làm bệnh nhân ngậm miệng lại không được, ăn uống khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), khuyến cáo nếu trẻ uống nhầm phải những loại hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như axit, bazơ hoặc xăng dầu, người lớn tuyệt đối không được gây nôn cho trẻ.
Khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa, làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Trong trường hợp trẻ uống nhầm phải thuốc diệt cỏ, phụ huynh cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt. Trong vòng 1 giờ đầu, cần cho trẻ uống nước và gây nôn bằng cách móc họng. Nếu có thể, nên cho uống siro ipeca 10-15 ml ở trẻ em, 30 ml ở người lớn để gây nôn.
Bác sĩ Thường khuyến cáo, để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc ở trẻ, nên để xa những loại hóa chất, thuốc diệt muỗi, mối, chuột… xa tầm tay trẻ em, không để ở những nơi trẻ dễ nhìn thấy, chung với các loại vật dụng hàng ngày hoặc chung với các loại thuốc uống thông thường khác.
Ngoài ra, tuyệt đối không để những loại hóa chất, thuốc độc này trong các loại chai nước mọi người hay sử dụng như chai nước khoáng, trà xanh… vì trẻ rất dễ nhầm lẫn đó là loại nước uống được và lấy để uống.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.