2-3 buổi mỗi tuần, sau khi tan học, Thanh Huyền (22 tuổi, du học sinh tại Đức) lại vội vàng lên tàu, di chuyển đến nhà chung để tham gia tập văn nghệ cho chương trình Tết của cộng đồng điều dưỡng tại Berlin (Đức), diễn ra ngày 10/2.
"Mình đã duy trì lịch tập luyện này từ đầu tháng 11. Dù bận với lịch học, lịch thi, đi thực tập, đi làm, mình cũng sắp xếp tham gia vì háo hức lắm!", Thanh Huyền nói với Tri thức - Znews.
Thanh Huyền (thứ 3, từ phải sang) tham gia tập văn nghệ cho chương trình Tết tại Đức. Ảnh: NVCC. |
Bận rộn
Huyền cho biết tuần vừa rồi, cô mới trở về trường sau kỳ thực tập. Bắt đầu vào kỳ học lý thuyết và tiếng Đức chuyên ngành, cộng thêm chuẩn bị có bài kiểm tra cho kỳ thực tập tiếp theo, Huyền không tránh khỏi bận rộn với lịch học dày đặc.
Mọi ngày trong tuần, cô đều có lịch học ở trường. Kiến thức ngày một nặng và nhiều, Huyền phải dành thêm thời gian tự học ở nhà, trung bình mỗi ngày 2-3 giờ, có hôm phải thức đến đêm muộn để hoàn thành bài vở.
Thế nhưng, dù bận, lịch tập văn nghệ của nữ sinh vẫn được duy trì đều đặn. Do đông thành viên, mỗi người lại có một lịch làm việc khác nhau, đội múa của Huyền thường tập luyện vào các buổi tối trong tuần, mỗi buổi 3-4 giờ.
"Thông thường, mình sẽ đến chỗ tập luôn sau khi đi học hoặc đi làm, đi thực tập về. Địa điểm ở khá xa, mất hơn 1 giờ di chuyển. Nhiều lúc cũng mệt và bí thời gian, nhưng mình vui vì được tận hưởng không khí Tết với đồng hương", Huyền chia sẻ.
Cũng "ngập tràn" trong deadline, Lê Vy (22 tuổi) vẫn dành thời gian cho chương trình Tết của Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, diễn ra ngày 28/1.
Là sinh viên năm cuối, thời điểm này, Vy đang phải chạy đua với bài kiểm tra và luận án. Chưa kể năm nay, nữ sinh cũng dự tính về Việt Nam ăn Tết. Vậy nên, cô cũng phải hoàn thành các kế hoạch trước ngày lên máy bay.
Lịch học trải dài trong tuần, song song với đó, việc tự học, ôn thi cũng có phần căng thẳng hơn. Vy phải cân bằng và sắp xếp lại thời gian mới có thể hoàn thành đúng hạn deadline bài vở và các đầu mục của sự kiện.
"Tháng 1, khối lượng bài vởi của mình bắt đầu nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm chương trình Tết diễn ra. Vừa đi học ở trường, ôn thi, làm bài luận, vừa chạy sự kiện, nhiều khi, mình bị quá tải", Vy cho biết ngay sau chương trình Tết, cô phải hoàn thành 2 bài kiểm tra môn chuyên ngành.
Lê Vy (tóc ngắn, áo trắng, đeo kính) nhận nhiệm vụ hướng dẫn du học sinh gói bánh chưng. Ảnh: NVCC. |
Rộn ràng với Tết
Đây là năm thứ 2 Thanh Huyền đón Tết Nguyên đán tại Đức nhưng lại là năm đầu tiên cô trực tiếp biểu diễn văn nghệ trong chương trình Tết. Năm ngoái, do mới sang, còn ngại ngùng nên Huyền chỉ làm công tác hậu cần.
Nữ sinh cho biết sự kiện năm nay sẽ tổ chức gói bánh chưng, biểu diễn Táo quân, tiết mục văn nghệ, nhảy sạp, giới thiệu tranh Đông Hồ và các trang phục truyền thống dân tộc.
"Ngoài ra, chúng mình còn tự làm đồ trang trí Tết. Mỗi người một nhiệm vụ. Ai cũng háo hức, rộn ràng không khí Tết", nữ sinh vui vẻ.
Gần 2 năm tới Đức, Huyền chưa thể sắp xếp thời gian để về Việt Nam thăm gia đình do không có lịch nghỉ dài. Nữ sinh cho hay được tham gia trực tiếp vào công đoạn chuẩn bị sự kiện Tết cũng giúp cô phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà. Bên cạnh đó, bố mẹ Huyền ở quê cũng yên tâm hơn khi con gái có đồng hương bên cạnh.
Tương tự, năm nay, dù về Việt Nam, Lê Vy vẫn quyết tham gia vào ban tổ chức sự kiện Tết tại Singapore. Nữ sinh nói rằng cô hiểu cảm giác của du học sinh khi không được đón Tết cùng người thân, nhất là những bạn mới đi du học.
"Sự kiện này sẽ là cơ hội để các bạn gặp gỡ, giao lưu. Đối với mình, điều này rất đặc biệt bởi ở xứ người, chúng mình vẫn có thể đón Tết như ở quê nhà", Vy nói.
Năm nay, Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore tổ chức sự kiện mang tên Tết tâm tình 2024. Hơn 100 học sinh, sinh viên được học cách gói bánh chưng, làm mứt dừa, rút lì xì, tham gia các trò chơi đố vui với những câu hỏi liên quan đến các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý của Việt Nam và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong dịp Tết cổ truyền ở quê nhà.
Nhiệm vụ của Vy trong sự kiện là hỗ trợ tìm kiếm, làm backdrops sự kiện và hỗ trợ du học sinh trong trải nghiệm gói bánh chưng. Vy nói rất háo hức bởi đây cũng là lần đầu tiên cô được tự tay gói bánh, lại được giao nhiệm vụ hướng dẫn các bạn khác.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười, rạng rỡ của các du học sinh khác khi khoe chiếc bánh chưng do tự tay mình gói, Vy cũng cảm thấy vui lây.
"Sau sự kiện, mình khá mệt. Nhưng hơn cả, mình vui và tự hào khi có thể cùng hội sinh viên tổ chức một sự kiện truyền thông như vậy. Đó cũng là cách để chúng mình quảng bá văn hóa Việt Nam tới các bạn nước ngoài", Vy chia sẻ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.