Nỗi lo lớn nhất mùa Tết của nhiều sinh viên là tìm nơi thực tập. Ảnh: Pexels. |
"Hơn một tháng nay, gửi CV đi nhiều nơi, tham gia phỏng vấn vài chỗ, mình vẫn chưa được đơn vị nào nhận vào thực tập. Trong khi đó ra Tết, mình phải đi thực tập luôn theo yêu cầu của trường".
Đó là chia sẻ của Thân Viên (22 tuổi, sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại một trường đại học ở Hà Nội).
Cận Tết cũng là thời điểm các trường đại học kết thúc học kỳ 1. Một số trường ra thông báo sinh viên năm 3, năm 4 sẽ bắt đầu quá trình thực tập ra trường ngay học kỳ 2 hoặc sau kỳ nghỉ Tết.
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, nhiều sinh viên cho biết để tìm được nơi thực tập ưng ý là rất khó.
Chật vật tìm nơi thực tập
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Viên cho biết gần cuối tháng 12/2023, trường cậu ra thông báo sinh viên sẽ thực tập tốt nghiệp ngay sau kỳ nghỉ Tết, thời gian 3 tháng. Dù trường có hỗ trợ giới thiệu đơn vị thực tập, tuy nhiên, do không phù hợp với định hướng cá nhân, Viên quyết định tự tìm kiếm cơ hội.
Thế nhưng, mọi việc không thuận lợi như Viên nghĩ. Càng đến thời điểm cuối năm, số lượng công việc dành cho vị trí thực tập sinh càng thu hẹp. Chưa kể, do không có kinh nghiệm gì trước đó, Viên gặp khó khăn trong quá trình ứng tuyển.
"Mình gửi CV tới 5-6 công ty, đã qua vòng phỏng vấn nhưng đến vòng làm bài kiểm tra đánh giá trình độ, mình lại không vượt qua được. Lúc này, mình mới nhận ra kiến thức mình học trên trường là chưa đủ", Viên cho hay.
Sau vài tuần tìm kiếm, không đơn vị nào nhận, Viên tỏ ra lo lắng khi thời gian gấp rút, lại gần sát đến ngày nghỉ Tết.
"Ban ngày, mình đi làm thêm nên tạm thời gác lại. Nhưng cứ hết ca, mình lại bắt đầu lo lắng nhiều hơn. Lướt hết hội nhóm này đến hội nhóm khác, mình chỉ tìm được rất ít công việc ưng ý. Chủ yếu, các công ty đều tuyển người có kinh nghiệm 2-3 năm", Viên chia sẻ.
Kim Chi (sinh viên năm 4, ngành Marketing tại một trường đại học ở Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự. Nữ sinh sẽ đi thực tập từ ngày 15/1-10/3 và nhận được thông báo của trường từ đầu tháng 12/2023.
Có 1,5 tháng để tìm đơn vị thực tập nhưng thực tế, Chi chỉ có khoảng 3 tuần bởi trùng với lịch thi hết học phần kỳ 1.
"Tuần cuối của kỳ thi, mình mới bắt đầu có thời gian rảnh để cập nhật lại CV và tìm kiếm đơn vị thực tập. Thời gian gấp gáp, mình rất lo, sợ không tìm được đơn vị nào phù hợp", Chi nói.
Nữ sinh cho hay cô tìm việc trên mọi nền tảng, từ các trang tuyển dụng trực tuyến đến diễn đàn, hội nhóm, nhờ người quen giới thiệu. Nhưng gửi CV đi rất nhiều nơi, chỉ khoảng 1/5 đơn vị liên hệ lại. Trong khi đó, Chi cũng là người có kinh nghiệm làm part-time cùng lĩnh vực.
Mãi gần 2 tuần sau, Chi trúng tuyển vào vị trí nhân viên content của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ marketing. Thế nhưng, trong vòng một tuần đầu, nữ sinh nhận ra nhà tuyển dụng đã "vẽ màu hồng" cho ứng viên, trong khi thực tế làm việc khác xa.
Nhận thấy môi trường và định hướng công ty không mấy khả quan, Chi quyết định xin nghỉ dù đã sát thời hạn phải nộp đề cương và báo cáo đơn vị thực tập với trường.
"Vài ngày sau đó, mình đã trúng tuyển vào một công ty khác. Nhưng thật không may, chỉ ít ngày, trưởng nhóm nghỉ việc, công ty thông báo đổi định hướng marketing và cho tất cả đội thực tập sinh nghỉ, ngay khi kỳ thực tập của mình vừa bắt đầu", Chi cho hay.
Chi gửi CV đi rất nhiều nơi nhưng chỉ khoảng 1/5 đơn vị liên hệ lại. Ảnh: NVCC. |
Tính phương án khác
Hoang mang, lo lắng, sợ ra trường muộn vì không hoàn thành kỳ thực tập là những gì Kim Chi và nhóm thực tập sinh cùng trải qua.
Nữ sinh cho biết dù cho đội thực tập sinh nghỉ, công ty thông báo vẫn hỗ trợ dấu để sinh viên nộp về trường. Tuy nhiên, với Chi, dấu xác nhận chỉ là một phần. Thứ nữ sinh cần nhất là trải nghiệm quá trình thực tập, được công ty định hướng, học hỏi các kỹ năng và tiến xa hơn là trở thành nhân viên chính thức nếu có cơ hội.
Chính vì vậy, Chi quyết định quay trở về công ty từng làm part-time để xin làm thực tập sinh dù chưa thực sự ưng ý với đơn vị này. Cô cũng phải báo cáo lại với nhà trường và xin phép giáo viên chuyển qua đơn vị mới. May mắn, việc này được nhà trường chấp nhận.
"Mình mất khá nhiều thời gian và công sức. May là mình vẫn có nơi để tiếp tục thực tập. Những bạn còn lại, mình không rõ có kịp hoàn thành để ra trường không", Chi cho hay.
Trong khi đó, Thân Viên cho biết cậu vẫn tiếp tục tìm kiếm các đơn vị phù hợp và gửi CV, hy vọng có thể hoàn thành phỏng vấn trước Tết. Cùng lúc đó, Viên tranh thủ học thêm kiến thức và kỹ năng để làm "dày" bản thân.
"Sau những lần làm bài kiểm tra đầu vào, mình nhận thấy bản thân còn thiếu rất nhiều kiến thức. Hiện sau khi tan ca làm thêm, mình tự học thêm các kiến thức sâu hơn về chuyên ngành để phục vụ cho kỳ thực tập sắp tới", Viên nói và cho biết ra Tết, nếu vẫn chưa tìm được việc, cậu sẽ xin thực tập tại công ty do người nhà giới thiệu để hoàn thành đúng thời hạn mà trường yêu cầu.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.