Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cháy hàng nghìn bóng đèn huỳnh quang nguy hiểm thế nào?

Hàng nghìn chiếc bóng đèn huỳnh quang bị cháy có thể giải phóng lượng lớn thuỷ ngân vào không khí, đất và nước.

Vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi 2.000 m2 nhà xưởng của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), khiến hàng nghìn bóng đèn huỳnh quang bị cháy. Các chuyên gia đều nhận định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng vì lượng lớn chất độc, đặc biệt là thủy ngân, đã được giải phóng vào không khí, đất, nước.

Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân

Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope, California, Mỹ, cơ chế thắp sáng của đèn huỳnh quang là cần thủy ngân (Hg). Lượng thủy ngân có trong bóng đèn dao động từ 3 đến 46 mg (mili gram). Bóng đèn dài 1,2 m, trắng thường sử dụng có khoảng 5 mg thủy ngân trong đó.

Đây là kim loại nặng, trạng thái lỏng ở nhiệt độ bình thường và dễ bay hơi. Vì vậy, với nhiệt độ cao của đám cháy, kim loại thủy ngân trữ trong nhà máy để sản xuất bóng đèn và lượng kim loại thủy ngân có trong bóng đèn hoàn chỉnh vỡ ra rất dễ dàng bốc hơi vào không khí.

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho hay thủy ngân rất dễ bay hơi vì nhiệt độ bay hơi của nó rất thấp. Ở 20 độ C, nồng độ bão hòa của hơi thủy ngân tới 20 mg/l.

Kim loại thủy ngân ở dạng hơi trong không khí rất dễ dàng được hấp thụ (tỷ lệ hấp thu xấp xỉ 80%) vào phổi và nhanh chóng khuếch tán vào máu và phân phối vào các cơ quan của cơ thể.

Ở dạng nguyên tố kim loại thủy ngân không tích điện, có khả năng khuếch tán cao và tan trong lipid, vượt qua hàng rào máu não và hàng rào máu nhau thai, cũng như hai lớp lipid của màng tế bào và các cơ quan nội bào. Hai cơ quan chính trong cơ thể tích tụ thủy ngân sau khi bị hấp thụ là não và thận. Sự bài tiết của thủy ngân ra khỏi cơ thể khá chậm, cần khoảng 30-60 ngày để bài tiết phân nửa lượng thủy ngân trong các cơ quan trong cơ thể ngoại trừ não. Theo một số nghiên cứu não cần khoảng 20 năm. Nhiễm độc thủy ngân còn là nguyên nhân gây nên sẩy thai và thai dị dạng.

chay bong den huynh quang Rang Dong anh 1
Hàng nghìn bóng đèn huỳnh quang bị vỡ, cháy rụi sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: NPV.

Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cũng cho hay khi cháy nổ bóng đèn ở kho nhà máy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, thủy ngân lỏng có thể phân tách thành những hạt nhỏ và có thể lăn ra xa. Thủy ngân cũng có thể bốc hơi bay vào không khí. Tùy vào sức đốt cháy của ngọn lửa, càng phát tán ra xa. Sau vụ cháy, hàng nghìn chiếc bóng đèn cùng với lượng lớn thuỷ ngân đã bị đốt cháy bốc hơi vào không khí, đất và nước.

"Vì vậy, khi số lượng lớn bóng đèn bị vỡ, cơ quan chức năng phải tính toán xem lượng thủy ngân này có thoát được không, lượng tồn dư bao nhiêu, vượt thế nào so với chuẩn cho phép trong không khí, từ đó đưa ra khuyến cáo cho người dân", ông Côn phân tích.

Theo khuyến cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), tiếp xúc thủy ngân ở lượng thấp (dưới 5 mg) có thể gây ra các hiện tượng run, thay đổi tính tình, bị mất ngủ, mệt mỏi cơ bắp và chứng nhức đầu.

Người tiếp xúc ở liều lượng cao hoặc tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến chứng đần độn, thay đổi nhân cách, điếc, mất trí nhớ, thậm chí là hủy hoại nhiễm sắc thể; các tế bào thần kinh, não, và thận cũng sẽ bị hủy hoại nặng. Thủy ngân còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của bào thai và trẻ em...

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, phân tích thêm: "Nhà máy sản xuất bóng đèn và phích nước này có chứa nhiều hóa chất khác nhau để là chất liệu sản xuất. Người ta chỉ chú trọng tới thủy ngân, nhưng thực chất còn nhiều hóa chất khác chẳng hạn như chì, huỳnh quang và nhiều chất khác mà chúng ta không thể biết. Chưa kể những chất sinh ra do quá trình cháy nổ tỏa ra môi trường, không khí".

Vì sao không ăn thực phẩm trong bán kính 1 km xung quanh vụ cháy?

Theo khuyến cáo UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, người dân không sử dụng rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá lợn được nuôi trồng, sử dụng nước từ các bể hở trong bán kính 1 km từ tâm đám cháy trong 21 ngày, PGS Thịnh cho hay đây chỉ là con số tương đối. Bởi bán kính 1 km thuộc phạm vi của phường, còn 21 ngày là thời gian ước tính để lượng bụi và không khí ô nhiễm được hòa tan, vô hiệu hóa.

"Có hai loại nhiễm độc là bụi và khói. Trong đó, bụi có chứa chất độc có thể rơi vào các luống rau ngoài trời, cá dưới hồ, thịt ngoài chợ lộ thiên,... Người dân không nên ăn những thực phẩm này", PGS Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, người dân trong khu vực này có những trạng thái bất bình thường có thể cân nhắc đi khám sức khỏe và lưu ý tình trạng ngộ độc nhiều hóa chất khác, không chỉ riêng thủy ngân.

Vì vậy, người dân cần nhận biết các triệu chứng cảnh báo tình trạng nhiễm độc thủy ngân như sau:

- Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến các triệu chứng thần kinh như: Hồi hộp hoặc lo lắng, phiền muộn, cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng, tê bì, vấn đề về trí nhớ, run tay chân và cơ thể

- Khi mức độ thủy ngân trong cơ thể tăng lên, nhiều triệu chứng sẽ xuất hiện, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ phơi nhiễm của mỗi người. Người lớn bị ngộ độc thủy ngân có thể gặp các triệu chứng như yếu cơ, có vị kim loại trong miệng, buồn nôn và ói mửa, thiếu kỹ năng vận động hoặc phối hợp, khó đi lại hoặc đứng thẳng, không có cảm giác ở tay, mặt hoặc các khu vực khác, thay đổi về thị giác, thính giác hoặc lời nói, khó thở.

- Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sớm ở trẻ em. Trẻ bị ngộ độc thủy ngân dễ xuất hiện các triệu chứng bao gồm kỹ năng vận động suy giảm, gặp vấn đề về suy nghĩ, nói năng hoặc nhận thức, khó khăn khi phối hợp tay và mắt.

Thông thường, tình trạng ngộ độc thuỷ ngân sẽ tích tụ dần theo thời gian. Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của bất cứ triệu chứng nào trên đây có thể là dấu hiệu của tình trạng ngộ độc cấp tính. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân bị ngộ độc thuỷ ngân, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm