Gluten có liên quan đến cân nặng của chúng ta và chế độ ăn không chứa gluten có thật sự tốt cho sức khỏe?
- Chế độ dinh dưỡng không gluten chỉ dành cho người mắc bệnh celiac, nhạy cảm với gluten không phải celiac, dị ứng lúa mì...
- Gluten-free không đảm bảo cũng cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Loại bỏ gluten khỏi chế độ dinh dưỡng hàng ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường loại 2...
- Gluten có thể lây nhiễm trong quá trình chế biến giữa thực phẩm có chứa gluten sang thực phẩm không chứa gluten.
Bên cạnh các phương pháp cắt giảm tinh bột, ăn chay, nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting), keto... được mọi người truyền tai nhau về độ hiệu quả của chúng trong việc giảm cân, chế độ ăn không chứa gluten (gluten-free diet) cũng thường được nhắc tới.
Tuy nhiên, những chế độ ăn uống này chỉ phục vụ cho những nhóm người nhất định. Nếu áp dụng sai cách sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe.
Gluten là gì?
Gluten là một loại protein được tìm thấy chủ yếu trong lúa mì, lúa mạch và nhiều loại ngũ cốc khác nhau. Gluten được sử dụng như một chất kết dính và hương liệu, do đó chúng còn được dùng làm chất phụ gia trong công nghiệp chế biến. Ngoài các loại thực phẩm như pizza, mì Ý, ngũ cốc, bánh, gluten còn xuất hiện trong các loại gia vị, kem, một số loại thuốc, sản phẩm làm đẹp và thực phẩm chức năng.
Trái với những gì chúng ta thường được nghe trên mạng xã hội về gluten, việc loại bỏ thực phẩm chứa gluten ở những người khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Theo nghiên cứu năm 2017 trên 100.000 người khỏe mạnh được công bố trên PubMed (Thư viện Y học Quốc gia Mỹ), không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc tiêu thụ gluten trong một thời gian dài và các nguy cơ về bệnh tim mạch. Do đó, gluten hoàn toàn an toàn đối với sức khỏe.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy việc loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn uống ở những người khỏe mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, phát triển tiểu đường type 2, đột quỵ...
Theo nghiên cứu của ĐH Catholique de Louvain (Bỉ), gluten hoạt động như một prebiotic, có khả năng kích thích các lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa ở những người khỏe mạnh. Từ đó, khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng được cải thiện đáng kể. Khái niệm prebiotic được Glenn Gibson (GS vi sinh vật thực phẩm, ICMR, Anh) và Marcel Roberfroid (GS danh dự tại ĐH Catholique de Louvain, Bỉ) nhắc đến từ năm 1995.
Mục đích của việc ăn gluten-free là gì?
Gluten-free diet hay còn gọi là chế độ ăn không chứa gluten là phương pháp điều trị y tế cho những người mắc bệnh celiac (không dung nạp được gluten), nhạy cảm với gluten mà không phải celiac, dị ứng lúa mì...
Ở những người mắc bệnh celiac, việc tiêu thụ thực phẩm chứa gluten sẽ gây các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, kém phát triển, khó tăng cân ở trẻ em. Người lớn mắc bệnh celiac thường có sức khỏe kém, đau xương hoặc khớp... Ngoài ra căn bệnh này còn gây ra tình trạng kém hấp thụ chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Về lâu dài, bệnh celiac có thể tăng nguy cơ ung thư hạch và ung thư biểu mô của ruột non, dẫn đến các biến chứng như viêm loét và co hẹp ruột non.
Bên cạnh đó, có những trường hợp nhạy cảm với gluten mà không phải celiac, không gây ra tổn thương ở các mô của ruột non nhưng vẫn có triệu chứng tương tự bệnh celiac như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón...
"Chế độ ăn gluten-free chỉ dành cho người mắc bệnh celiac, nhạy cảm với gluten, viêm da do rối loạn, người mắc hội chứng ruột kích thích...", Gaynor Bussel (chuyên gia dinh dưỡng của Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh) chia sẻ với Medical News Today.
Gluten-free diet cũng giống như phần lớn các chế độ dinh dưỡng đặc biệt khác, chỉ dành cho những nhóm người nhất định. Tuy nhiên, do các thực phẩm đã qua chế biến như bánh mì, ngũ cốc, snack... có chứa gluten và nhiều năng lượng (calories). Từ đó, chế độ gluten-free phần nào hạn chế nguồn năng lượng nạp vào, giúp cơ thể giảm cân và vô tình khiến chúng ta lầm tưởng gluten chính là thủ phạm của việc tăng cân.
Những hạn chế của gluten-free
Theo một nghiên cứu trên PubMed, chế độ ăn gluten-free có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng như chất xơ, sắt, canxi, vitamin B12, A, D, E và một số vitamin khác. Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, việc theo chế độ ăn không gluten sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Thực tế, các sản phẩm ngũ cốc nguyên cám rất tốt cho tim mạch, chúng chứa rất nhiều chất xơ, nguyên tố vi lượng giúp ổn định đường huyết và giảm cholesterol. Do đó, ở những người không mắc bệnh celiac, việc loại bỏ gluten khỏi chế độ dinh dưỡng hàng ngày không phải là một lựa chọn sáng suốt.
Mặt khác, phần lớn các sản phẩm không chứa gluten đã qua chế biến công nghiệp, chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khỏe như đường và chất béo. Việc tiêu thụ những thực phẩm này sẽ khiến bạn tăng cân, ảnh hưởng lượng đường trong máu, huyết áp và nhiều vấn đề khác. Do đó, thực phẩm gluten-free không có nghĩa là thực phẩm an toàn cho sức khỏe.
Hơn nữa, các sản phẩm không chứa gluten thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Vì vậy việc theo đuổi chế độ gluten-free khá là tốn kém. Do chế độ gluten-free khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, bạn phải đầu tư thêm một số thực phẩm bổ sung nhằm đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Những lưu ý khi lựa chọn thực phẩm
Nếu bạn mắc bệnh celiac hoặc nhạy cảm với gluten, các thực phẩm cần lưu ý bao gồm bánh mì, pizza, mì Ý, ngũ cốc, bánh ngọt, bánh quy, các sản phẩm làm từ ngũ cốc nguyên cám. Bên cạnh đó, gluten còn có trong một số sản phẩm khác như mỹ phẩm và thuốc.
Những loại thực phẩm an toàn, không chứa gluten bao gồm các chế phẩm từ sữa (phô mai, bơ...), trái cây, rau, thịt, cá, khoai tây, gạo, bún và yến mạch. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi sử dụng yến mạch vì đôi lúc chúng vẫn nhiễm gluten từ một số loại ngũ cốc khác.
Hãy tạo cho bản thân thói quen kiểm tra thành phần dinh dưỡng của thực phẩm trước khi mua, lựa chọn sản phẩm có nhãn gluten-free nếu thật sự cần thiết. Ngoài ra, trong quá trình nấu nướng, lây nhiễm chéo chất này có thể xảy ra giữa thực phẩm chứa gluten và thực phẩm không chứa gluten khi được chế biến cùng nhau, sử dụng chung dụng cụ làm bếp.