Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Keto Diet: Lối sống lành mạnh hay hướng đi nhất thời

Keto là một trong những chế độ ăn kiêng phổ biến trên thế giới. Bên cạnh kết quả giảm cân ấn tượng, chế độ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Keto là một trong những chế độ ăn kiêng phổ biến trên thế giới. Bên cạnh kết quả giảm cân ấn tượng, chế độ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

che do Keto anh 1

Điểm chính:

  • Người theo Keto Diet cần hạn chế carb, ăn chủ yếu chất béo
  • Chế độ ăn kiêng hấp dẫn người cần giảm cân trong thời gian ngắn
  • Ăn Keto lâu dài có thể tiềm ẩn những nguy hiểm cho sức khỏe



Keto Diet là gì?

Keto hay Ketogenic Diet là chế độ ăn giàu chất béo, đủ protein và rất ít carb (carbohydrate, nhóm chất bột đường).

Ban đầu, nó được thiết kế bởi giáo sư Russel Wilder (tổ chức Mayo Clinic, Mỹ), dùng để điều trị chứng động kinh cho trẻ em vào những năm 1920. Theo NCBI, chế độ này được y tế áp dụng rộng rãi gần một thập kỷ cho đến khi thuốc chống động kinh ra đời thay thế.

Ngày nay, Keto còn là phương pháp ăn kiêng giảm cân được nhiều người ưa chuộng. Một số ngôi sao trên thế giới như Jenna Jameson, Mama June và Halle Berry từng giới thiệu về hiệu quả của cách ăn kiêng này.


Các kiểu ăn Keto

Có nhiều phương pháp ăn kiêng Keto như Keto tiêu chuẩn, Keto mục tiêu, Keto theo chu kỳ, Keto giàu đạm và Keto hạn chế.

Người tập gym thường ăn Keto mục tiêu. Keto theo chu kỳ dành cho vận động viên chuyên nghiệp cần nhiều carbohydrate để đảm bảo năng lượng cho quá trình luyện tập. Keto hạn chế có lượng calo ở mức thấp so với Keto tiêu chuẩn, đang được thử nghiệm trên động vật để nghiên cứu điều trị ung thư. Keto giàu đạm phù hợp với người muốn tăng cơ, giảm mỡ.

Keto tiêu chuẩn là phương pháp được áp dụng nhiều nhất. Hàm lượng dinh dưỡng gồm khoảng 75% chất béo, 20% protein và 5% carb. Tuy nhiên, theo hướng dẫn chế độ ăn cho người Mỹ 2015-2020, lượng carb được khuyến cáo trung bình rơi vào 45-65% mỗi ngày.

Tại Việt Nam, chế độ Keto 28 ngày hay Keto bài 19 thu hút sự chú ý trên các hội nhóm giảm cân. Giáo viên Viễn Trọng (Học viện Quân y Hà Nội) hay HLV thể dục Hanna Giang Anh được xem là những người tiên phong cho việc áp dụng Keto Diet hiệu quả.


Cơ chế hoạt động

Cùng với protein, chất béo, vitamin, khoáng chất, carbohydrate là thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể sử dụng để tạo năng lượng. Carbohydrate được tìm thấy trong các thực phẩm chứa tinh bột như đậu, khoai, bánh mì, ngũ cốc, trái cây.

Ở chế độ ăn thường, carbohydrate là nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể, được chuyển hóa thành glucose đi vào máu làm tăng đường huyết. Hormone insulin được tiết ra để hạ đường huyết trong máu và vận chuyển glucose tới các tế bào, cung cấp năng lượng cho hoạt động cơ thể.

Khi ăn Keto, lượng carb giảm mạnh, glucose dần cạn kiệt, chất béo trong cơ thể buộc phải chuyển thành ketone để cung cấp năng lượng thay thế. Tuy nhiên, nếu lượng ketone dư thừa quá mức, có thể dẫn đến nhiễm toan ceton do tiểu đường, có thể gây mất ý thức.

Toàn bộ quá trình đốt chất béo thay cho glucose gọi là Ketosis. Keto Diet chỉ thành công khi cơ thể đạt trạng thái này. Hơi thở có mùi lạ, mất ngủ, ít đói... là những dấu hiệu phổ biển của Ketosis.


Lợi ích Keto mang lại

Nghiên cứu của khoa Khoa học Tâm thần và Hành vi (Trung tâm Y tế Đại học Duke, Mỹ) chứng minh Keto Diet có thể kiểm soát sự thèm ăn khi cơ thể đang đốt chất béo liên tục. Điều này giúp bạn ăn ít hơn, từ đó đạt mục đích giảm cân.

Nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Anh quốc cho thấy tín đồ Keto sẽ đạt hiệu quả giảm cân gấp 3 lần so với những ai thực hiện chế độ ăn thường.

Nhiều người trẻ đã giảm cân thành công nhờ áp dụng Keto Diet. Thu Uyên, (22 tuổi) chia sẻ với Zing: "Ăn Keto ngắt quãng chỉ trong vòng một tháng, mình đã giảm được 5 kg".

Lệ Quyên (24 tuổi) có được thân hình thon gọn như ý sau khi giảm 10 kg nhờ ăn Keto hơn 2 tháng. "Giảm được 10 kg đồng nghĩa với việc cơ thể tôi trở nên nhẹ nhõm, nhỏ nhắn, tự tin hơn vào bản thân. Giờ đây tôi không phải nghe những lời chê bai từ người xung quanh", 9X cho biết.

Không chỉ cải thiện vóc dáng, Keto Diet còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Leiden (Hà Lan) chỉ ra Keto Diet giúp kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2. Bởi khi ăn Keto, cơ thể sẽ giảm lượng đường trong máu đáng kể.

Keto còn là liệu pháp y học hỗ trợ điều trị động kinh. Nghiên cứu từ bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ, cho thấy Keto Diet làm giảm đáng kể cơn động kinh ở những trẻ em mắc bệnh này.

Ngoài những lợi ích kể trên, một số nghiên cứu còn chỉ ra Keto có thể cải thiện tình trạng da mụn, phòng chống nhiều bệnh như ung thư, Alzheimer...


Những nguy cơ tiềm ẩn

Ăn Keto đồng nghĩa với việc cắt bỏ tối đa carbohydrate, trong khi đây được xem là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Thiếu carb dễ gây ra các triệu chứng uể oải, kém tập trung. Ngoài ra, lượng protein trong Keto cũng thấp hơn so với chế độ ăn tiêu chuẩn, khiến cơ bắp không thể phát triển bình thường, ảnh hưởng đến quá trình tập luyện.

Cúm Keto là tình trạng mệt mỏi xảy ra trong những ngày đầu theo đuổi Ketogenic Diet. Chuyên gia dinh dưỡng Kristen Kizer từ bệnh viện Houston Methodist (Texas, Mỹ) cho biết: "Một số trường hợp ăn kiêng Keto bị ốm, mệt mỏi. Số khác nôn, suy tiêu hóa, thậm chí hôn mê".

Josh Axe, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ ước tính khoảng 25% người ăn Keto có những triệu chứng này, phổ biến nhất là mệt mỏi. Cúm Keto chấm dứt sau vài ngày, khi cơ thể đạt trạng thái Ketosis.

Bên cạnh lợi ích giảm cân, Keto Diet cũng có thể khiến cơ thể tăng cân trở lại nếu quay về chế độ ăn thường. Nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ vào 2009 cho thấy người theo chế độ Keto không còn giữ được trạng thái Ketosis sau 6 tháng, dù vẫn duy trì chuẩn mực ăn uống khắt khe.

Bác sĩ Josh cho rằng, Keto Diet chỉ nên thực hiện trong 30-90 ngày, sau đó mọi người cần chuyển sang chế độ ăn bền vững hơn.

Giảm hiệu suất tập luyện cũng là một trong những tác hại từ việc ăn Keto. PGS.TS Edward Weiss (Đại học Saint Louis, Mỹ) cho rằng nhiều huấn luyện viên khẳng định Keto khiến họ đạp xe, chạy nhanh hơn mà không thấy mệt mỏi là vô lý.

Một nghiên cứu do ông và đồng nghiệp công bố trên tạp chí Sports Medicine and Physical Fitness chỉ ra những người ăn Keto trong 4 ngày giảm hiệu suất tập luyện đáng kể hơn so với nhóm bình thường.


Hiểm họa từ việc ăn Keto lâu dài

Theo tạp chí Health, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, phản đối cách ăn này bởi những rủi ro sức khỏe và tính không bền vững của nó.

Chế độ ăn Keto sẽ phản tác dụng khi cơ thể nạp quá nhiều chất béo không lành mạnh, dễ làm tăng mức cholesterol và gây bệnh tiểu đường. Nghiên cứu trên 25.000 người năm 2019 của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (European Society of Cardiology Congress) cho thấy nhóm người ăn Low Carb (ít carbohydrate) có nguy cơ tử vong do ung thư, tim mạch và nhiều bệnh lý khác cao hơn bình thường.

Theo đuổi Keto Diet thời gian dài còn khiến cơ thể nhiễm toan ceton do đái tháo đường (Diabetic ketoacidosis - DKA), biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, DKA xảy ra khi lượng đường trong máu rất cao và insulin xuống thấp. Cơ thể cần insulin để hấp thụ lượng glucose có sẵn trong máu. Keto Diet nạp ít carb khiến glucose không được chuyển hóa nhờ hormone insulin.

Khi nhiệm vụ insulin bị "lãng quên", cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo thành nhiên liệu ketone. Quá nhiều ketone tích tụ do việc ăn Keto lâu dài khiến máu trở nên giàu tính axit, dẫn đến tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Thịt mát là gì?

Một xu hướng tiêu dùng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dùng.

Yo-Yo Diet và nỗi ám ảnh cân nặng

Đừng vì những mục tiêu ngắn hạn làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Hải Nhi

Đồ họa: Sandy Hoàng

Bạn có thể quan tâm