Tôi có một con trai hiện 4 tuổi cao 100 cm, nặng 23 kg. Dù chưa đưa cháu đi khám dinh dưỡng, tôi lo ngại cháu đang bị thừa cân, béo phì. Thời gian trước, tôi cắt giảm khẩu phần ăn trong 3 bữa chính, mục đích để con ăn ít lại và kiểm soát cân nặng; bữa khuya và bữa phụ cũng hạn chế, đồng thời ngưng uống sữa.
Gần đây cháu mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh. Vì lo con không đủ sức hồi phục, giảm đề kháng nên tôi không cắt giảm khẩu phần ăn như trước. Tuy nhiên về lâu dài, tôi lo ngại cháu lại được đà kịch cân và càng khó giảm. Tôi phải làm sao thưa bác sĩ?
GS.TS.TTND Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Theo chuẩn tăng trưởng của WHO năm 2006, trẻ có chiều cao 100 cm thì cân nặng trung bình là 15,5 kg, trên 20 kg là thừa cân. Như vậy, con của bạn đang bị thừa cân.
Với trẻ nhỏ thừa cân, béo phì, nguyên tắc là không giảm cân mà kiểm soát để không tăng cân. Khi tăng trưởng chiều cao và giữ nguyên cân nặng, trẻ sẽ dần cân đối hơn. Những em bé dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì thường do ăn quá nhiều, vượt quá nhu cầu năng lượng và chất đạm theo lứa tuổi.
Vì vậy, không phải cắt giảm 3 bữa chính mà phụ huynh cần tham khảo tháp dinh dưỡng của trẻ 3-5 tuổi theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để ăn đúng lượng và chất theo khuyến nghị. Bạn nên cho con ăn nhiều hơn vào bữa sáng, bữa trưa và giảm lượng thực phẩm trong bữa tối. Đặc biệt, chúng ta không cho trẻ ăn vào buổi tối muộn. Cũng cần hạn chế cho con ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, bánh kẹo, nước ngọt có gas lẫn không có gas…
Bạn có nói đã cho con ngưng uống sữa để kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, cần lưu ý trẻ béo phì có thể uống sữa vì tuổi này cần canxi để hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, chúng ta nên cho trẻ sử dụng sữa tách béo, không đường; không uống sữa ngay trước khi đi ngủ.
Vấn đề khác mà bạn thắc mắc là chế độ dinh dưỡng cho trẻ thừa cân, béo phì sau khi mắc Covid-19. Bạn lưu ý chế độ ăn của con cần đáp ứng nhu cầu cơ thể, đủ các nhóm và lượng thực phẩm theo tháp dinh dưỡng, đảm bảo hợp lý theo lứa tuổi.
Nguyên tắc đầu tiên khi thiết kế khẩu phần ăn cho trẻ béo phì hậu Covid-19 là phong phú loại thực phẩm, ăn đủ định lượng rau củ quả để cung cấp đa dạng dinh dưỡng tốt cho hệ miễn dịch như chất đạm, vitamin A, D, K, E, sắt, kẽm, selen, flavonoid, omega và probiotic.
Số lượng và trọng lượng thực phẩm hàng ngày cho trẻ 3-5 tuổi dựa theo tháp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. |
Nếu trẻ mệt mỏi, ăn kém thì nên chia nhỏ bữa, chế biến các món mềm, dễ nuốt và hấp thu nhanh nhằm cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng.
Khi ở nhà, các phụ huynh có thể cho con nhảy dây, giúp việc nhà, đi bộ… Bởi các hoạt động thể lực giúp trẻ tăng trưởng chiều cao và kiểm soát cân nặng. Theo khuyến cáo của WHO, trẻ em nên hoạt động thể lực 60 phút/ngày.
Sau một thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em càng gia tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình “Phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam” với nhiều hoạt động cung cấp kiến thức, thông tin khoa học để nhằm giúp cộng đồng có cách hiểu đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam. Nằm trong chuỗi hoạt động chương trình, tọa đàm “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ trong mùa dịch Covid-19” được phát sóng trên Zing News.
Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.