Thời gian gần đây, Công an Hà Nội tiếp nhận phản ánh của người dân về việc người đàn ông có hành vi khiêu dâm trước cổng Đại học Thương mại ở đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy. Qua xác minh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội xác định người này là N.D.T. (42 tuổi, quê Quảng Bình).
Người đàn ông này khai là nhân viên garage ôtô ở quận Bắc Từ Liêm, từng 2 lần đi xe máy che biển kiểm soát tới khu vực cổng phụ Đại học Thương mại rồi có hành vi khiêu dâm, kéo tay nữ sinh.
Với hành vi trên, người đàn ông có bị xử lý?
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, thống nhất về khái niệm "quấy rối tình dục", chỉ có định nghĩa về hành vi "quấy rối tình dục tại nơi làm việc". Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là nơi mà người lao động làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc năm 2015 quy định những hành vi có tính chất tình dục là khoe bộ phận sinh dục, quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất (tiếp xúc, cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, ôm hôn...), bằng lời nói (nhận xét về trang phục, cơ thể mang tính gạ gẫm, ngụ ý về tình dục, đề xuất yêu cầu người khác không mong muốn...) hoặc bằng cử chỉ (cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục hay ngôn ngữ cơ thể mang tính khiêu dâm...).
Ngoài những nội dung này, các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về khái niệm quấy rối tình dục ngoài nơi làm việc. Do đó, trên thực tế, việc xử lý về các hành vi có tính chất tình dục ngoài công sở còn gặp khó khăn do cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, các quy định của pháp luật về quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể mang tính chất tham khảo để áp dụng xử lý.
Theo lời khai của T., người này đã khoe bộ phận sinh dục, kéo tay nữ sinh và có những hành động khiêu dâm khác. Đây là các hành động có thể xếp vào nhóm hành vi quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng và bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt 5-8 triệu đồng.
Trường hợp cơ quan chức năng nhận định chưa đủ cơ sở pháp lý, T. vẫn có thể bị xử lý về hành vi khiêu khích, trêu ghẹo người khác theo khoản 3, Điều 7 Nghị định này. Mức phạt áp dụng là phạt tiền 2-3 triệu đồng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…