Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỉ 17,5% người Nhật Bản sở hữu hộ chiếu

Tỷ lệ sở hữu hộ chiếu tại Nhật Bản chỉ còn 17,5%, mức thấp đáng báo động so với nhiều quốc gia phát triển. Nguyên nhân đến từ đồng yen giảm, giá vé máy bay tăng và lo ngại về an toàn.

Đám đông du khách đi dọc con phố gần chùa Kiyomizu-dera ở Kyoto, miền Tây Nhật Bản, năm 2023. Ảnh: Reuters.

Chỉ 17,5% người Nhật hiện sở hữu hộ chiếu, mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua, theo SCMP. Các chuyên gia cho biết xu hướng này phản ánh sự ưa chuộng du lịch nội địa của người Nhật, trong bối cảnh đồng yen suy yếu, giá vé máy bay tăng và bất ổn toàn cầu gia tăng.

Theo khảo sát mới công bố qua ứng dụng du lịch Newt, tỷ lệ người Nhật sở hữu hộ chiếu hiện thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển khác. Khoảng 40% người Hàn Quốc, 50% công dân Mỹ và 60% người Đài Loan (Trung Quốc) có hộ chiếu còn hiệu lực. Kết quả này trùng khớp với nghiên cứu của bộ phận xúc tiến du lịch nước ngoài thuộc Hiệp hội Các đại lý lữ hành Nhật Bản (JATA).

Trong bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực nhất thế giới Henley Passport Index quý III công bố ngày 22/7, Nhật Bản và Hàn Quốc đứng thứ hai. Trong lịch sử 20 năm Henley Passport làm bảng xếp hạng, Nhật Bản là "ngôi sao sáng" trong bảng xếp hạng, theo đánh giá của nhiều du khách, khi 7 lần giữ top 1 và thứ tự thấp nhất là thứ 6 (năm 2010).

ho chieu Nhat Ban anh 1

Núi Phú Sĩ xuất hiện phía sau một cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản, năm 2024. Ảnh: Reuters.

Ông Hiroshi Tanimura, giám đốc điều hành JATA, nhận định nghiên cứu cho thấy người trẻ Nhật Bản không còn hứng thú với du lịch nước ngoài và ngày càng ưu tiên đi lại trong nước. Đồng yen suy yếu là một trong những nguyên nhân khiến lượng du lịch nước ngoài chỉ đạt 70% so với thời kỳ trước đại dịch.

Tanimura cho biết du lịch công vụ (loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm) đã phục hồi hơn 80% so với trước Covid-19, nhưng thị trường du lịch nghỉ dưỡng chỉ đạt 53%.

"Bên cạnh đồng yen, giá vé máy bay tăng khiến nhiều người chần chừ khi nghĩ tới kỳ nghỉ ở nước ngoài", ông nói thêm.

Ngoài yếu tố chi phí, những điểm nóng xung đột như Trung Đông và Đông Âu cũng khiến người Nhật e ngại. Theo Tanimur, hiện còn "quá sớm" để đánh giá liệu những thông tin tiêu cực về tình hình tại Mỹ có ảnh hưởng đến quyết định du lịch tới quốc gia này hay không.

Ông Ashley Harvey, chuyên gia phân tích thị trường du lịch từng làm việc hơn 15 năm tại Nhật Bản, cho biết tỷ lệ người Nhật có hộ chiếu đã giảm dần từ sau thập niên 1990.

"10 năm trước, khoảng 23% người Nhật sở hữu hộ chiếu. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người thấy rằng Nhật Bản an toàn, tiện nghi và không gia hạn hộ chiếu sau khi hết hạn", ông nói.

ho chieu Nhat Ban anh 2

Du khách chụp ảnh selfie tại làng cổ Bukchon Hanok ở Seoul, Hàn Quốc, năm 2024. Các chuyên gia nhận định những điểm đến gần như Hàn Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục được du khách Nhật ưa chuộng. Ảnh: Reuters.

Theo Harvey, sự sụt giảm 35% giá trị đồng yen so với các đồng tiền mạnh khiến nhiều người Nhật không đủ khả năng tài chính để du lịch nước ngoài, đặc biệt là những điểm đến xa. "Điều này không có gì bất ngờ", vị chuyên gia khẳng định.

Dù vậy, các điểm đến gần như Hàn Quốc và Đài Loan nơi có nhiều hãng bay giá rẻ hoạt động vẫn được người Nhật ưa chuộng vì chi phí thấp và thời gian di chuyển ngắn.

Harvey nhận định sẽ "khó khăn" để giành lại sức hút cho các điểm đến từng được ưa thích như châu Âu hay Bắc Mỹ.

Hiệp hội JATA đang đẩy mạnh quảng bá du lịch quốc tế. Theo ông Tanimura, Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ đang là lựa chọn được người Nhật ưu tiên trong mùa hè năm nay.

Riêng ông Tanimura cho biết sẽ không ra nước ngoài vì công việc bận rộn và chi phí cao. Thay vào đó, ông dự định du lịch nội địa đến Hiroshima trong kỳ nghỉ gia đình sắp tới.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'

Khách 'rùng mình' đến khách sạn robot ở Nhật Bản

Trải nghiệm tại khách sạn robot không chỉ thu hút hàng chục nghìn lượt xem, mà còn gây tranh luận về ranh giới giữa công nghệ và cảm xúc trong ngành du lịch hiện đại.

Tỉnh ở Nhật Bản mất 'át chủ bài' du lịch khi gấu trúc rời đi

Ngày 27/6, hàng nghìn người đổ về Shirahama (Nhật Bản) để chia tay 4 chú gấu trúc cuối cùng. Thị trấn ven biển nay đối mặt tương lai bấp bênh khi mất đi biểu tượng du lịch suốt 3 thập kỷ.

Nhật Bản kêu gọi du khách tỉnh táo trước tin đồn động đất

Cơ quan khí tượng Nhật Bản kêu gọi người dân và du khách nên tin vào dữ liệu khoa học thay vì lo sợ trước những đồn đoán không có cơ sở về thảm họa quy mô lớn.

Đan Châu

Bạn có thể quan tâm