Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi chục triệu đồng ép con học thêm luyện chữ đẹp, có cần thiết?

Với sự lên ngôi của máy tính và phần mềm soạn thảo văn bản, nhiều phụ huynh cho rằng việc cho trẻ luyện viết chữ đẹp đã lỗi thời.

Nhiều phụ huynh cho rằng, trong thời đại 4.0 việc trẻ luyện viết chữ đẹp đã trở nên lỗi thời. Ảnh: VTC News.

Là một trong số phụ huynh từng cho con theo học gia sư luyện viết chữ đẹp, chị Khiếu Thị Lan Anh (37 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng những câu chữ thẳng hàng, đẹp, rõ nét thể hiện sự trang trọng và tính cách cẩn thận của người viết. Ngược lại, ai viết chữ xấu thường là người cẩu thả. Chính vì vậy, con trai chị dù mới học lớp 3 nhưng có tới gần 4 năm đi rèn chữ đẹp.

“Ngay từ mẫu giáo 5 tuổi, tôi đã đưa con đi rèn chữ đẹp. Mặc dù phải đóng mức học phí không hề thấp, trung bình từ 250.000-300.000 đồng/buổi, tuần 2 buổi, thấy con viết đẹp và chỉn chu, tôi rất vui”, chị Lan Anh nói.

Tranh cãi có nên cho trẻ luyện chữ đẹp

Chị Lan Anh cho biết trẻ cần được luyện viết chữ đẹp từ nhỏ, đến khi lên cấp hai, cấp ba viết nhanh còn đọc được. Nếu giờ không luyện, lớn lên con viết chữ xấu như gà bới, lúc đó hối không kịp.

Vốn là người thích chữ đẹp nên chị Nguyễn Thanh Hà (34 tuổi, Thái Bình) cũng tự hào khi nhìn nét chữ tròn trịa, chắc chắn của con gái đang học lớp 5.

Nữ phụ huynh cho biết chữ con gái không xấu nhưng luôn muốn con sở hữu "vở sạch, chữ đẹp", nên chị cho bé đi học tại trung tâm ngay khi mới vào lớp 1.

Đến nay, con gái chị đã trải qua hai khoá luyện chữ cơ bản và nâng cao, tổng chi phí hết gần 10 triệu đồng.

“Mình viết không chỉ cho mình xem mà còn truyền tải nội dung cho người khác đọc. Nếu ví trang giấy là khuôn mặt, bạn thích một khuôn mặt lem nhem hay sạch đẹp?”, chị Hà nói.

Không riêng chị Lan Anh, chị Hà mà hiện nay có rất nhiều gia đình cho con rèn chữ đẹp tại các trung tâm luyện viết chữ đẹp với mức giá không rẻ. Các phụ huynh này đều cho rằng dù ở thời đại nào, điều này rất quan trọng, góp phần giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận.

Ngược lại, cũng không ít người đặt câu hỏi, bắt học sinh viết chữ đẹp để làm gì? Theo chị Bùi Thị Nhàn (40 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội), luyện viết chữ đẹp không có nhiều giá trị, thậm chí không quyết định đến thành công tương lai con trẻ.

“Thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, các con học tập và sử dụng máy tính, điện thoại là chủ yếu, vậy luyện chữ đẹp để làm gì? Thay vì tốn thời gian để dạy những đứa trẻ vốn dĩ không có năng khiếu viết chữ đẹp, nên dạy chúng cách đọc, viết đúng chính tả, thậm chí gõ bàn phím nhanh chẳng phải tốt hơn sao”, nữ phụ huynh bày tỏ.

Tán thành với quan điểm trên, phụ huynh Dương Thu Phương (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng quan niệm "nét chữ nết người" trong xã hội hiện nay đã có phần lạc hậu. Làm Toán, viết Văn, học đàn thậm chí đá bóng, nhảy dây đều giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và tập trung chứ không riêng gì luyện viết chữ đẹp.

“Hiện, trẻ có nhiều thứ cần học từ kỹ năng mềm đến các kiến thức sách vở. Do đó sẽ lãng phí thời gian nếu như chúng ta ép con trẻ gò lưng luyện chữ vài tiếng đồng hồ mỗi ngày”, chị Phương nói và cho biết chỉ yêu cầu con viết chữ sao rõ ràng, đủ nét, dễ đọc là được.

Không ai có quyền ép trẻ luyện chữ

Theo cô Nguyễn Thị Thảo Linh, giáo viên tại Hà Nội, trong cuộc tranh luận này, mỗi phụ huynh đều có ý đúng của riêng mình. Tuy nhiên, không ai có quyền ép trẻ phải luyện viết chữ, kể cả thầy cô cũng không đủ sức làm việc đó.

"Bố mẹ hãy để trẻ luyện viết chữ đẹp xuất phát từ niềm yêu thích, hứng thú của con chứ không phải vì thành tích. Tuyệt đối không nên ép buộc hay tạo áp lực lên trẻ", cô Linh nhấn mạnh.

Nữ giáo viên khuyên phụ huynh không nên bỏ bê việc luyện chữ. Không cần chữ đẹp nhưng tổng thể chữ viết dễ nhìn, rõ ràng, mạch lạc vẫn là điều cần thiết, cả trong học tập và cuộc sống.

Cùng bàn luận về vấn đề này, ThS Nguyễn Thị Mai Anh, Phó viện trưởng Viện Tâm lý học Nhân văn, cho rằng xuyên suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam cũng như các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nga, Pháp vẫn coi trọng việc viết chữ, xem đây là cơ sở giữ gìn nền văn hóa của dân tộc.

Câu nói "nét chữ, nết người" rất đúng với tiến trình dạy chữ cho trẻ. Tập viết chữ đẹp mang lại nhiều lợi ích mà bất cứ ai cũng biết như rèn đức tính kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài ra, tập trung chăm chút từng nét chữ không chỉ thể hiện sự coi trọng người đọc, mà còn làm nên nét đẹp văn hóa trong giao tiếp bằng ý văn.

"Chúng ta không nên lấy các lý do để bao biện cho việc rèn luyện chữ cho trẻ và tiếp tay cho sự lười biếng. Khoa học công nghệ ra đời là để giúp công việc trở nên thuận tiện hơn. Không nên vì sự thuận tiện của nó mà biến con người thành những cá thể lười nhác, ỷ lại", ThS Mai Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Thị Mai Anh, phụ huynh không nên bắt ép trẻ luyện chữ quá đẹp, theo kiểu "rồng bay phượng múa", cũng đừng vì thành tích mà sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn để con đến trung tâm luyện sớm tối, gây ra những bất cập về sức khỏe, kinh tế của cá nhân trẻ và gia đình.

Cha mẹ có thể đồng hành cùng con trong việc rèn luyện từng nét chữ, bằng việc tham khảo các cơ sở khoa học, tiêu chuẩn chữ viết theo độ tuổi đã được Bộ GD&ĐT công bố.

Bên cạnh sự nỗ lực của học sinh trong hành trình rèn luyện nét chữ, nết người, các bậc phụ huynh, thầy cô cũng nên có cái nhìn khách quan, nhân văn, cởi mở về con chữ, không nên quá khắt khe, rập khuôn, yêu cầu học sinh phải viết đúng từng nét, từng ly.

“Sau khi rèn luyện, chỉ cần thấy chữ của các con đẹp hơn ban đầu đã được xem như thành công. Không nên đem ra so sánh chữ với người khác. Hãy để những nét chữ của trẻ được viết ra bởi sự hứng khởi, thích thú chứ không chỉ là những dòng đều tăm tắp không cảm xúc", nữ chuyên gia bày tỏ.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Trẻ mới học mẫu giáo đã đi học thêm để 'luyện thi' vào lớp 1

Để chuẩn bị cho con vào lớp 1 trường chất lượng cao, trường tư, nhiều phụ huynh đã cho con đi học thêm để ôn luyện, dù con mới chỉ 4-5 tuổi.

https://vtcnews.vn/chi-chuc-trieu-dong-ep-con-di-luyen-chu-dep-co-can-thiet-ar911343.html

Kim Nhung / VTC News

Bạn có thể quan tâm