KOL Trung Quốc thành công tạo ra doanh số lớn từ những chiếc quần dài có giá cả phải chăng. Ảnh: Baidu. |
Một KOL được gọi là “chị gái hàng hiệu” ở Trung Quốc bất ngờ xác lập vị trí đầu bảng xếp hạng thời trang nam trên Douyin. Sự kiện này nhanh chóng tạo ra một cuộc thảo luận trên mạng xã hội.
“Chị gái hàng hiệu” được cho là bán thành công một triệu chiếc quần dài. Cô sở hữu hơn 800.000 lượt theo dõi và điều hành nhiều tài khoản bán quần áo cho nam giới.
Nổi bật trong số đó là thương hiệu KaLanFort High-end, có trụ sở tại Quảng Tây (Trung Quốc).
"Chị gái hàng hiệu" tiếp thị những chiếc quần dài giá rẻ là hàng cao cấp. Ảnh: Douyin. |
Chiến lược bán hàng ‘cảm xúc’
Điểm nổi bật của “chị gái hàng hiệu” so với các KOL bán hàng khác là chiến lược kinh doanh tập trung vào “giá trị cảm xúc”. Cụ thể, cô tạo ra hoạt cảnh hư cấu trong các buổi phát trực tiếp, giúp khách hàng nam cảm thấy như ông trùm thành đạt.
Trong mỗi video trên mạng xã hội, KOL này hoá trang thành nữ thư ký thanh lịch, mặc vest công sở bó sát, váy ngắn và giày cao gót.
Cô giới thiệu những mẫu quần dài là hàng thời trang cao cấp, phù hợp với những người đàn ông thành đạt. Tuy nhiên, giá thành của loạt sản phẩm này chỉ ở mức 22 USD.
“Những người đàn ông thành đạt, có địa vị phải sở hữu chiếc quần dài này trong tủ quần áo. Nếu bạn đang theo đuổi thành công ở một đô thị lớn, bạn nên mặc những chiếc quần này để nâng cao vị thế”, cô nói.
“Chị gái hàng hiệu” thường thực hiện video, buổi phát trực tiếp ở các địa điểm được cho là cao cấp như trung tâm thương mại tại Thâm Quyến (Trung Quốc), giữa các toà nhà kính chọc trời hay trước đại lý xe hơi sang trọng.
Dàn người mẫu nam trong video đeo phụ kiện đắt đỏ, củng cố hình tượng người đàn ông thành đạt. Khi “chị gái hàng hiệu” tiếp thị sản phẩm, mẫu nam có thể để lộ một chiếc đồng hồ Rolex hoặc chìa khóa ôtô Maserati.
Ngoài ra, KOL bán hàng này cũng sử dụng các tình huống rủi ro để làm nổi bật ưu điểm của sản phẩm. Ví dụ, để chứng minh khả năng thấm hút mồ hôi của quần, cô sử dụng một bình rượu Mao Đài chứa đầy nước và đổ chất lỏng lên bề mặt vải.
Cô cũng từng treo một chiếc quần lên cần câu để chứng minh khối lượng nhỏ. Trong nỗ lực thuyết phục người mua rằng những mẫu quần giá rẻ này là hàng thời trang cao cấp, “chị gái hàng hiệu” cất chúng vào két sắt, coi những mặt hàng này như xa xỉ phẩm.
Các tài khoản bán hàng của “chị gái hàng hiệu” tạo ra doanh thu lớn. Ảnh: Baidu. |
Doanh số ‘khủng’
Đến nay, chiến lược của cô phần nào chứng minh được mức độ thành công. 6 tài khoản bán quần áo nam của KOL này cùng tạo ra doanh số từ 615.000 USD đến 1,2 triệu USD vào tháng 7, theo nền tảng phân tích dữ liệu và đánh giá phương tiện truyền thông xã hội Newrank.
Số lượng sản phẩm quần dài nam mà “chị gái hàng hiệu” bán ra được cho là lên đến 1,12 triệu. Cô thu hút nhiều người hâm mộ nữ, khiến người xem bất ngờ khi liên tục tổ chức các buổi phát trực tiếp kéo dài hàng tiếng mỗi ngày, giữ lớp trang điểm hoàn hảo trên mặt và hiếm khi nghỉ ngơi trong lúc livestream.
“Cô ấy có giọng nói dịu dàng, thái độ quan tâm và sự chu đáo mà nhóm khách hàng mua những chiếc quần có giá 22 USD hiếm khi nhận được”, một người dùng mạng xã hội bình luận.
“Các tình huống trong video rất hấp dẫn. Bảo sao cô ấy kiếm được tiền”, một người khác nói.
Bên cạnh những lời khen ngợi, nhiều bình luận tiêu cực cũng xuất hiện.
“Tôi nhận thấy nội dung được thực hiện theo cái nhìn của nam giới, chiều ý nhóm người theo dõi này. Sau khi xem vài lần, tôi cảm thấy không thoải mái và chặn tài khoản của cô ấy”, một ý kiến cho biết.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.