Thay vì tổ chức nghi lễ xa hoa, đôi vợ chồng trẻ Tiantian quyết định chiêu đãi khách mời bữa tiệc Happy Meal ấm cúng tại cửa hàng McDonald's (Vũ Hán, Trung Quốc). Khoảnh khắc trao nhẫn cưới được giấu kín trong hộp khoai tây chiên bởi nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh, mang đến bất ngờ thú vị cho quan khách.
"Vẫn còn lâng lâng trong niềm vui của ngày hôm qua. Chúng tôi đã làm được điều mà mình chưa bao giờ dám tưởng tượng", Tiantian chia sẻ trên Xiaohongshu, kèm theo những hình ảnh về lễ cưới. Bài đăng nhanh chóng thu hút hơn 1.000 lượt thích và nhiều bình luận chúc phúc từ cộng đồng mạng.
Không riêng Tiantian, nhiều Gen Z tại xứ tỷ dân dường như không còn mặn mà với những nghi lễ cưới hỏi truyền thống, vốn bị xem là tẻ nhạt, hình thức và tốn kém. Một số cặp đôi lựa chọn kết hôn ở những địa điểm phá cách như phòng karaoke, nhà hàng lẩu hay thậm chí là cửa hàng đồ ăn nhanh, theo Sixth Tone.
Gen Z tại Trung Quốc dường như không mấy mặn mà với những nghi lễ cưới hỏi truyền thống. |
Nói 'I do' ở quán ăn nhanh
Xu hướng tổ chức đám cưới theo phong cách minimalist (tối giản) đang ngày càng phổ biến ở xứ tỷ dân. Một khảo sát vào tháng 3 cho thấy 80% trong số 1.251 người trẻ tham gia (độ tuổi 15-24) ủng hộ phong cách này.
Yếu tố tài chính là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy xu hướng đám cưới giản dị, ít tốn kém.
Theo một báo cáo năm 2020, chi phí đám cưới trung bình ở Trung Quốc là 174.000 NDT (khoảng 24.600 USD), gấp 8,8 lần thu nhập trung bình hàng tháng của một cặp vợ chồng. Đến năm 2023, con số này được cho là đã tăng vọt lên 330.000 NDT (khoảng 46.600 USD).
Trong bối cảnh đó, nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống nổi tiếng như McDonald's, Haidilao và Heytea đã nắm bắt cơ hội, tung ra các gói dịch vụ đám cưới đặc biệt để thu hút các cặp đôi trẻ. Tháng 9, chuỗi cửa hàng hamburger Wallace đã giới thiệu "gói tiệc cưới 79 nhân dân tệ" (khoảng 11 USD) dành cho 5-7 người.
Tại Hong Kong, McDonald's cung cấp gói đám cưới trị giá 385 USD, thậm chí còn bao gồm cả bó hoa cưới làm từ McNuggets.
Các chuỗi cửa hàng ăn uống nổi tiếng như McDonald's, Haidilao và Heytea đã tung ra các gói dịch vụ đám cưới đặc biệt để thu hút các cặp đôi. |
Đám cưới 3 'không'
Xiaoyezi, một cô dâu ngoài 30 tuổi đến từ Quảng Đông (Trung Quốc), chia sẻ cô và bạn đời đã chọn McDonald's làm nơi "nên duyên" vì giá cả phải chăng và gợi nhớ về thời sinh viên.
Trong ngày trọng đại, khách mời đã cùng nhau thưởng thức Coca-Cola và bữa tiệc burger, khoai tây chiên "thả ga". Toàn bộ sự kiện có chi phí chưa đến 10.000 NDT (khoảng 1.400 USD) nhưng "thực sự khó quên", Xiaoyezi nói. Hơn nữa, việc tiết kiệm chi phí đám cưới đã giúp cặp đôi có một tuần trăng mật lãng mạn ở Hy Lạp.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người ủng hộ "Đám cưới ba không" - không xe đưa dâu, không phù dâu phù rể và không có nghi thức đón dâu. Nhiều bình luận cho rằng các nghi lễ cưới hỏi truyền thống không chỉ quá tốn kém mà còn mất thời gian và khiến cô dâu chú rể kiệt sức.
Một lý do khác khiến nhiều người trẻ Trung Quốc quay lưng với đám cưới truyền thống là vấn nạn sử dụng đồ uống có cồn quá mức. Các địa điểm như cửa hàng đồ ăn nhanh, không phục vụ rượu mạnh, được xem là lựa chọn an toàn hơn, tránh được những tình huống mất kiểm soát do say xỉn.
Sử dụng trà sữa hoặc cà phê tránh được những tình huống mất kiểm soát do say xỉn. |
Trước đây, đám cưới truyền thống Trung Quốc thường xảy ra những trò đùa quá trớn, thậm chí quấy rối tình dục, sau khi khách mời uống quá nhiều rượu. Ngày 24/9, một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy cô dâu bị trói vào dây điện trong đám cưới đã "dấy lên" làn sóng phẫn nộ trong dư luận.
Nắm bắt được tâm lý e ngại này, chuỗi cửa hàng trà sữa lớn nhất Trung Quốc Heytea đã tung ra chương trình giảm giá cho các đơn hàng nhóm dành cho đám cưới, cùng dịch vụ cá nhân hóa cho các cặp đôi. Thậm chí, họ còn tặng trà sữa miễn phí cho các cặp vợ chồng mới cưới đăng ký kết hôn.
Theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Zhan Junhao, các hình thức đám cưới phi truyền thống sẽ tiếp tục phát triển tại Trung Quốc.
"Dù là đám cưới truyền thống hay hình thức mới, đều là cách để các cặp đôi thể hiện tình yêu và cam kết",Zhan Junhao nói.
Chuyên gia cho rằng không có đúng hay sai khi nói đến đám cưới. Mỗi cặp đôi nên lựa chọn hình thức tổ chức hôn lễ dựa trên sở thích cá nhân và hoàn cảnh, đồng thời xã hội cần có thái độ cởi mở và bao dung hơn với những sự lựa chọn này.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.