Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi hàng chục triệu đồng sắm đồ hiệu vintage

Ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích mua sắm hàng hiệu vintage nhằm tiết kiệm, theo đuổi xu hướng thời trang bền vững.

Phạm Thái Khang (ngụ TP.HCM) vừa nhận được chiếc vòng cổ vintage của thương hiệu Jil Sander. Đây là món phụ kiện có họa tiết xếp giấy origami độc đáo mà anh đã phải đặt hàng từ Nhật Bản và chờ đợi hơn một năm, có giá 104 USD (tương đương 2,4 triệu đồng) chưa bao gồm phí vận chuyển.

“Đối với tôi, đây là mức giá khá rẻ cho sản phẩm này. Tôi đã sở hữu 4 món đồ hiệu vintage mua từ những cửa hàng khác nhau. Mỗi món đồ đều mang ý nghĩa đặc biệt với tôi”, Khang chia sẻ cùng Zing.

Bền vững

Đối với Khang, việc tìm mua đồ hiệu vintage mang lại cho anh nhiều hứng thú. Anh rất yêu thích chiếc túi xách hiệu Chanel, áo sơ mi Jil Sander và đôi giày loafer thuộc nhà mốt Maison Margiela của mình.

Không những thế, việc mua đồ hiệu vintage còn là cách để anh theo đuổi xu hướng thời trang bền vững, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

do hieu vintage anh 1

Thái Khang và chiếc túi vintage hiệu Chanel của mình. Ảnh: NVCC.

“Trong bối cảnh đại dịch, tôi càng muốn ưu tiên những món đồ thời trang bền vững. Đó là xu hướng văn minh, hiện đại mà hiện nay rất nhiều bạn trẻ theo đuổi. Không phải bởi ít tiền, người ta mới mua đồ vintage. Có nhiều món đồ vintage hiếm giá còn cao hơn cả hàng mới”, Khang nói.

Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1993, ngụ Hà Nội) cũng chung quan điểm.

Theo cô, có rất nhiều món hàng vintage quý hiếm, là sản phẩm của những giám đốc sáng tạo thời trang hàng đầu. Những món đồ này có giá trị cao và thường được mang ra đấu giá, không dễ dàng mua được.

“Tôi thấy được có nhiều tín đồ thời trang yêu thích hàng vintage. Họ săn tìm nhiều món đồ hiếm, ứng dụng cùng trang phục hàng ngày và luôn đề cao tính thân thiện môi trường. Xu hướng này đã có từ khá lâu và ngày càng thịnh hành”, Ngọc Anh chia sẻ.

Khoảng 3 năm qua, Ngọc Anh thường tìm mua đồ vintage để sử dụng, thay vì mua hàng mới từ store. Đến hiện tại, cô sở hữu 3 chiếc túi hiệu Louis Vuitton, Salvatore Ferragamo và Celine, một đồng hồ Omega cùng một chiếc ví từ nhà mốt Louis Vuitton. Mỗi món đồ có giá dao động từ 3,5 triệu đến 20 triệu đồng.

Người trẻ ngày càng thích đồ vintage

Theo báo cáo của nền tảng Lyst (công cụ tìm kiếm thời trang toàn cầu), năm 2021 đánh dấu sự yêu thích vượt trội của giới trẻ đối với thời trang vintage.

Theo đó, lượt truy cập vào Bode, một thương hiệu tái sử dụng nguyên liệu thời trang, đã tăng đến 278% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng tìm kiếm từ khóa “quần jean tái chế” trên Lyst cũng đã gia tăng 321%; lượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm tái chế tại Lyst cũng tăng 117%.

Ngoài ra, hashtag #deadstock (tạm dịch: hàng tồn kho) đã đạt 9,5 triệu lượt xem trên TikTok và vẫn là xu hướng được chú ý.

Còn theo Nguyễn Thị Lệ Dung (Cô Hai Vintage), một seller chuyên bán hàng vintage, lượng khách hàng trẻ Việt Nam quan tâm đến sản phẩm hàng hiệu qua sử dụng đã gia tăng trong những năm gần đây.

“Theo thống kê từ lượng khách hàng của tôi, 41% là bạn trẻ từ 18 đến 24 tuổi, 51% từ 25 đến 34 tuổi, còn lại là khách hàng từ 35 đến 44 tuổi hoặc dưới 18 tuổi. Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu thích đến hàng hiệu vintage, coi đó là món đồ thể hiện phong cách cùng gu thời trang bền vững”, Lệ Dung chia sẻ với Zing.

Lệ Dung cũng cho biết người mua hàng của cô thường yêu thích túi xách hoặc giày dép vintage từ các thương hiệu như Chanel, Dior, Louis Vuitton, Saint Laurent, Celine, Gucci, Prada và Salvatore Ferragamo.

Khách hàng hầu hết đều khá am hiểu và có kiến thức về đồ vintage, thường yêu cầu được xem chất liệu, tình trạng sản phẩm một cách kỹ lưỡng.

do hieu vintage anh 4

Lệ Dung hiện định cư tại Úc, đã có nhiều năm bán đồ hiệu vintage về thị trường Việt Nam. Ảnh: NVCC.

“Tôi luôn tư vấn cho khách rất kỹ vì hiểu rằng họ cần cân nhắc khi mua sắm một món đồ có giá trị không nhỏ cả về tài chính lẫn tinh thần như đồ vintage. Tôi cũng từng là khách nên hiểu tâm lý của họ.

Thông thường, một sản phẩm vintage sẽ về đến tay khách hàng sau khoảng 2-3 tuần kể từ thời điểm đặt hàng, tùy thuộc vào tiến độ vận chuyển. Với những món đồ được khách đặt tìm kiếm giúp, thời gian có thể tính bằng tháng”, Dung cho hay.

Dung chia sẻ thêm, đồ hiệu vintage đã mang ý nghĩa là thời trang bền vững. Vì vậy, khi gửi sản phẩm cho khách, cô cũng luôn chú ý cách thức đóng hàng để đảm bảo tính thân thiện với môi trường.

“Tôi thích sự độc lạ và những câu chuyện phía sau từng món đồ vintage. Sau nhiều năm bán hàng, tôi càng yêu thích và thấy rất vui khi mình có thể đóng góp một phần nhỏ cho ngành thời trang bền vững”, Dung nói.

Hiểu biết

Quay trở lại với Thái Khang, theo anh, khi mua đồ mới hay vintage, người trẻ đều cần tìm hiểu và có kiến thức nhất định.

Đặc biệt đối với đồ vintage - những hàng hiệu đã qua sử dụng - người mua càng cần xem xét kỹ lưỡng nhằm tránh bị lừa đảo hoặc gặp bất lợi.

“Sản phẩm vintage thường có những lỗi nhỏ và bạn phải là người mua sắm thông minh, kỹ lưỡng mới có thể tìm kiếm những sản phẩm ưng ý. Ví dụ, bạn muốn mua món đồ của Chanel, bạn phải hiểu chất liệu làm nên sản phẩm là gì, có đúng với chất liệu người bán giới thiệu hay không. Đáng chú ý nhất là bạn cần kiểm tra kỹ đường may, phom dáng và độ tinh xảo của logo in trên sản phẩm”, Khang nói.

Còn với Ngọc Anh, một cách an toàn để mua đồ vintage chính là tìm được seller (người bán) uy tín.

“Trên thị trường, đồ vintage cũng bị làm giả rất nhiều, người mua không tìm hiểu kỹ rất dễ bị nhầm lẫn. Theo tôi, khi mua sắm, mọi người cần yêu cầu seller quay video, chụp ảnh sản phẩm ở mọi góc. Đa phần seller chỉ bán online, chúng ta càng nên thận trọng”, Ngọc Anh nói.

Ngoài ra, cũng theo cô, việc sử dụng, bảo quản sản phẩm vintage cũng cần có những chu trình kỹ lưỡng, thậm chí còn phải cẩn thận hơn các món đồ mới bởi các thiết kế đã qua thời gian dài sử dụng.

“Cùng với đồ mới, tôi thường mang đồ vintage đi spa mỗi năm một lần. Tôi không phân biệt hàng hiệu mua mới hay đã qua sử dụng. Có điều kiện tài chính, tôi vẫn sẽ mua cả hai, miễn sao sản phẩm phù hợp với phong cách của mình”, Ngọc Anh nói.

Tháng cuối cùng của năm: Nghỉ xả hơi hay tăng tốc chạy deadline?

Những ngày gần đây, Lan Chi (21 tuổi, quận 6), nhân viên thiết kế đồ họa, luôn trong tình trạng “cày xuyên đêm” để kịp hoàn thành những đơn đặt hàng dồn dập của đối tác.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm