Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỉ một thay đổi giúp ngành dược Mỹ 'cứu mạng' 11 triệu cây xanh/năm

Theo một tổ chức phi lợi nhuận, nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số có thể giúp các nhà sản xuất dược phẩm ở Mỹ tiết kiệm khoảng 90 tỷ tờ giấy mỗi năm.

Một chồng giấy hướng dẫn về đơn thuốc. Ảnh: Civica Rx.

Những tờ gấp về các loại thuốc theo toa mà nhiều bác sĩ, dược sĩ từng nhận được có thể dài bằng một chiếc bàn trong phòng ăn.

Trong bối cảnh đó, nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số mang đến cho ngành công nghiệp dược phẩm cơ hội vừa cung cấp thông tin mới, vừa tiết kiệm tiền, hạn chế khai thác cây xanh và khí thải nhà kính.

Theo Wall Street Journal, một dự luật đang được Quốc hội Mỹ thông qua có thể đảo ngược quy tắc làm ra tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Một số người ủng hộ lập luận rằng những thông tin về thuốc như vậy nên được chuyển sang dạng kỹ thuật số hoàn toàn.

Nếu Mỹ theo chân Nhật Bản và các quốc gia khác trong việc chuyển đổi thông tin kỹ thuật số, điều đó đồng nghĩa khoảng 90 tỷ tờ giấy sẽ được tiết kiệm mỗi năm, theo ước tính của tổ chức phi lợi nhuận Environmental Paper Network.

Con số này tương đương với khoảng 10,9 triệu cây xanh, hay hơn 3,8 triệu tấn khí thải từ việc sản xuất và xử lý giấy.

Số hóa trong lĩnh vực dược

“(Tôi cảm giác) như giấc mơ trở thành sự thật khi nhìn vào cơ sở và thấy các gói thuốc được đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất mà không có tờ rơi giấy”, Pam Cheng, giám đốc điều hành và phát triển bền vững của công ty dược phẩm AstraZeneca cho biết.

AstraZeneca chi 30 triệu USD mỗi năm cho các giấy tờ như vậy trên toàn cầu. Tuy nhiên, công ty đang thúc đẩy số hóa thông tin kê đơn như một phần của mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải trong chuỗi giá trị vào năm 2030, bà Cheng cho biết.

duoc pham anh 1

Pam Cheng, giám đốc điều hành và phát triển bền vững tại AstraZeneca. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhiều công ty dược phẩm khác cũng muốn chuyển sang kỹ thuật số.

Người phát ngôn Joshina Kapoor cho hay Johnson & Johnson đã giới thiệu các công cụ thông tin điện tử về sản phẩm thuốc của mình tại một số thị trường. Họ cũng đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý để đưa công cụ này đến với bệnh nhân và chuyên gia y tế.

Vào năm 2014, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng từng đề xuất thay thế thông tin trên giấy bằng thông tin kỹ thuật số. Cơ quan này cho rằng điều đó sẽ đảm bảo thông tin được cập nhật và mang lại lợi ích về môi trường cùng chi phí.

“Là một dược sĩ, tôi hiểu tầm quan trọng của việc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhận được thông tin đơn thuốc chính xác, một cách nhanh chóng và hiệu quả”, Hạ nghị sĩ Diana Harshbarger chia sẻ.

“Chúng ta phải hiện đại hóa các chính sách chia sẻ thông tin đã lỗi thời để đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ luôn tiên tiến, đồng thời cải thiện kết quả cũng như sự an toàn của bệnh nhân”, bà nhấn mạnh.

Một điều khoản mơ hồ trong dự luật chi tiêu quốc hội của FDA vào thời điểm đó đã chặn động thái này.

Tuy nhiên, tình thế hiện tại đã thay đổi. Dự luật chi tiêu của FDA hiện được Quốc hội Mỹ thông qua mà không có điều khoản nào ngăn chặn việc chuyển đổi thông tin thuốc trên giấy sang dạng kỹ thuật số.

Thượng viện và Hạ viện Mỹ dự kiến đàm phán về một dự luật cuối cùng vào mùa thu, theo một số nguồn tin.

Cơ hội quan trọng

Nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Richard Scholz, cố vấn chiến lược của The Pharmaceutical Printed Literature Association, tin rằng điều khoản này sẽ một lần nữa gặp khó khăn.

Ông nói rằng việc chỉ có thông tin điện tử sẽ gây ra hậu quả, đặc biệt là đối với các chuyên gia y tế và bệnh nhân ở vùng nông thôn, hay trong khoảng thời gian mất điện do thời tiết khắc nghiệt.

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã số hóa thông tin thuốc, trong đó Nhật Bản đang dẫn đầu. Vào năm 2021, nước này yêu cầu các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc phải chuyển sang kỹ thuật số trước tháng 8/2023, đối với cả bệnh nhân và chuyên gia y tế.

duoc pham anh 2

Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong việc số hóa thông tin thuốc. Ảnh: Reuters.

Các đơn thuốc theo toa của quốc gia này hiện không có giấy cung cấp thông tin, mà thay vào đó là liên kết có thể được quét bằng điện thoại thông minh theo cách tương tự mã QR.

“Nhật Bản là quốc gia tiên phong và cho chúng ta thấy tương lai - nơi tờ rơi điện tử của tất cả loại thuốc có thể trở thành hiện thực trên toàn thế giới”, bà Cheng của AstraZeneca cho biết.

Tại một trong những nhà máy của công ty ở Maihara, Nhật Bản, nhà sản xuất thuốc này cho biết họ đã tiết kiệm được 1,4 triệu USD và 30 triệu tờ giấy trong một năm.

Từ năm 2009, Australia cũng yêu cầu số hóa hướng dẫn sử dụng thuốc cho các chuyên gia y tế và bệnh nhân, mặc dù một số loại như thuốc tiêm có thể vẫn kèm theo bản giấy.

“Trước khi có Internet, những yêu cầu đã dẫn đến việc tiêu thụ hàng tỷ tờ giấy một cách không cần thiết, đồng thời sử dụng lượng lớn năng lượng, nước, hóa chất và gỗ”, Joshua Martin, giám đốc tổ chức Environmental Paper Network, Bắc Mỹ cho biết.

“Hiện đại hóa các chính sách này là cơ hội bảo tồn quan trọng”, ông nhấn mạnh.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vì sao thuốc Zolgensma đắt nhất thế giới, giá mỗi liều 2,1 triệu USD

Với chi phí 2,1 triệu USD cho mỗi liều điều trị, Zolgensma - được phát triển bởi AveXis, thuộc hãng dược Novartis - hiện là loại thuốc đắt nhất ở Mỹ. 


Du khách lại 'đổ bộ' hiệu thuốc Nhật Bản

Các nhà bán lẻ tại Nhật Bản đang ăn mừng sự trở lại của khách du lịch khi một số mặt hàng đạt doanh số gần mức kỷ lục.

Minh An

Bạn có thể quan tâm