Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chị ruột mất không để lại di chúc, em gái cần làm gì để nhận 3 tỷ?

Trường hợp người mất không để lại di chúc, việc chia thừa kế sẽ được thực hiện theo pháp luật và xác định hàng thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự hàng thừa kế.

Chi em thua ke anh 1

Nếu người mất không để lại di chúc thì sổ tiết kiệm chia theo thứ tự hàng thừa kế. Ảnh minh họa.

Ông Đoàn Nguyên Cường (40 tuổi, Hà Nội) hỏi: Bác ruột tôi sinh năm 1949, mất năm 2024, để lại hai sổ tiết kiệm trị giá 3 tỷ đồng tại hai ngân hàng. Chồng bác mất năm 2016, hai bác không có con.

Bác có hai chị gái đã mất (trong đó, một người có chồng và ba con; người còn lại không chồng, không con) và mẹ tôi - là em gái ruột của bác. Hiện bác tôi không có giấy khai sinh. Vậy mẹ tôi có được hưởng di sản hay không?

Luật sư Nguyễn Viết Hoàng Sơn (Công ty luật Trương Anh Tú - Hà Nội) trả lời: Trường hợp người mất không để lại di chúc, theo điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, việc chia thừa kế sẽ được thực hiện theo pháp luật và xác định hàng thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự hàng thừa kế. Người ở hàng sau chỉ được hưởng di sản nếu không còn ai ở hàng trước (do đã mất hoặc từ chối nhận di sản).

Cụ thể: Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Hàng thừa kế thứ hai: ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cháu ruột (khi người mất là ông bà). Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột; cháu ruột (khi người mất là bác, chú, cô...); chắt ruột.

Chi em thua ke anh 2

Luật sư Nguyễn Viết Hoàng Sơn.

Áp dụng vào trường hợp cụ thể: Chồng bác đã mất từ năm 2016, hai bác không có con, nên hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn cha mẹ của bác.

Tuy nhiên, do bác mất ở tuổi 75, nhiều khả năng cha mẹ bác cũng đã qua đời (nếu vẫn còn sống thì di sản thuộc về họ). Nếu cha mẹ bác đã mất, di sản sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ hai, là các anh chị em ruột, trong đó có mẹ ông Cường.

Theo thông tin cung cấp, hai chị của mẹ ông đã mất. Như vậy, mẹ ông là người duy nhất còn sống thuộc hàng thừa kế thứ hai, nên bà được quyền hưởng toàn bộ di sản (3 tỷ đồng), trừ khi trong gia đình có thỏa thuận chia khác.

Xác định rõ quyền sở hữu tài sản: Cần làm rõ số tiền trong sổ tiết kiệm có phải là tài sản riêng của bác không, hay là tài sản chung với chồng. Nếu là tài sản chung thì chỉ một nửa (1,5 tỷ đồng) là phần di sản của bác; phần còn lại thuộc chồng bác và được chia theo pháp luật cho người thừa kế của ông.

Các bước cần thực hiện để nhận di sản: Do bác không có giấy khai sinh, nên việc chứng minh quan hệ huyết thống sẽ khó khăn hơn. Mẹ ông cần chuẩn bị: Giấy chứng tử của bác (bản chính hoặc bản sao công chứng).

Giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống: giấy khai sinh của mẹ ông (nếu có), sổ hộ khẩu (nếu ghi tên bác và mẹ ông), hoặc giấy xác nhận quan hệ chị em do UBND xã cấp. CMND/CCCD của mẹ ông. Giấy tờ về di sản: sổ tiết kiệm, hợp đồng mở sổ, giấy xác nhận số dư tài khoản.

Khai nhận di sản thừa kế: Nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng hoặc UBND cấp xã nơi bác cư trú cuối cùng hoặc nơi có trụ sở ngân hàng. Hồ sơ gồm: Giấy chứng tử của bác. Giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống. Giấy tờ về di sản (sổ tiết kiệm, xác nhận số dư). Giấy khai nhận di sản thừa kế (theo mẫu). Văn phòng công chứng sẽ kiểm tra, nếu hợp lệ sẽ công chứng văn bản khai nhận di sản.

Làm việc với ngân hàng: Mẹ ông cần liên hệ hai ngân hàng nơi bác gửi tiết kiệm để xác minh số dư và yêu cầu rút tiền. Ngân hàng thường yêu cầu: Giấy chứng tử của người gửi.

Văn bản phân chia di sản đã công chứng. Giấy tờ nhân thân của người nhận di sản. Sau đó, mẹ ông có thể yêu cầu chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm, rút hoặc chuyển khoản số tiền tương ứng.

Hai chị em ruột tử vong bất thường tại nhà ông bà ngoại

Cơ quan pháp y Công an tỉnh Thanh Hóa đang vào cuộc khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân hai chị em ruột tử vong bất thường tại nhà ông bà ngoại.

Vụ 2 thiếu nữ tử vong dưới sông: Tin nhắn cuối cùng gửi người mẹ

Hai thiếu nữ được phát hiện tử vong dưới sông ở tỉnh Ninh Thuận là chị em họ. Trước khi sự việc xảy ra, cô bé 16 tuổi đã nhắn tin báo cho mẹ biết.

Khám xét trụ sở Công ty Chị Em Rọt của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs

Bộ Công an khám xét trụ sở Công ty cổ phần tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group) và Công ty cổ phần ASIA LIFE tại Đắk Lắk liên quan đến hành vi của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.

https://vietnamnet.vn/chi-ruot-mat-khong-de-lai-di-chuc-em-gai-can-lam-gi-de-nhan-3-ty-o-2-ngan-hang-2399397.html

Tiến Dũng/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm