Du học sinh khó tìm việc trong nước dù bằng cấp tốt. Ảnh: Phương Lâm. |
“Trường hợp của cậu người ta khó tuyển lắm, trả lương thấp thì không được, trả lương cao quá thì thà người ta tuyển người có bằng đại học trong nước cho tiết kiệm”.
Đây là điều mà N.H. (26 tuổi), du học sinh Australia, nghe bạn thân (đang làm HR) nói vài ngày trước. Dù đã về nước một thời gian, H. vẫn chưa thể tìm được việc, thậm chí không nhận được phản hồi từ các công ty.
Đầu tư du học để làm đẹp hồ sơ tìm việc
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, H. cho biết sau khi tốt nghiệp ngành Truyền thông tại một trường đại học ở Hà Nội vào năm 2021, cô tiếp tục đến Australia du học thạc sĩ truyền thông.
Để lấy được tấm bằng thạc sĩ tại đại học ở Sydney, H. phải chi một khoản tiền không hề nhỏ dù đã có học bổng 50%. Ngoài mức học phí khoảng 13.000 USD/năm (đã cấn trừ học bổng), nữ sinh cần thanh toán nhiều khoản khác như tiền ở ký túc xá, chi phí sinh hoạt, đi lại, tiền mua sách vở, tài liệu học tập…
Trong thời gian học thạc sĩ tại trường, H. từng đi làm phụ bếp, dọn nhà nên cũng kiếm thêm một khoản để bù đắp cho chi phí khổng lồ khi học tại Australia. Tại Australia, du học sinh được cho phép làm thêm khoảng 20 giờ mỗi tuần, trung bình mức lương khoảng 13 USD/giờ nên việc H. sống và học tập ở Australia cũng dễ thở hơn một chút.
“Du học để lấy bằng cấp tốt là điều đáng khuyến khích, nhưng các bạn cũng cần xác định tinh thần là du học sẽ rất đắt đỏ. Dù có học bổng, các bạn vẫn còn nhiều khoản khác cần phải tính đến như ăn ở, sinh hoạt, đi lại….”, H. chia sẻ về việc du học.
Lê Lan chọn du học Hàn Quốc với hy vọng có nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, vào năm 2018, Lê Lan (hiện 26 tuổi, quê Bắc Ninh) chọn du học Hàn Quốc, một phần vì tính cách thích khám phá, đi đây đi đó, mong có nhiều trải nghiệm hơn so với việc học trong nước.
“Quan trọng hơn, mình cảm thấy du học sẽ mở ra cho mình nhiều cơ hội việc làm", cô gái trẻ chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Lê Lan cho biết cô học hệ cử nhân ngành Thương mại quốc tế, theo diện tự túc. Chi phí du học ban đầu khoảng 400 triệu đồng, bao gồm tiền chuẩn bị hồ sơ, học phí học tiếng Hàn, phí nhập học, học phí ban đầu và tiền sinh hoạt phí trong một năm đầu du học.
Bốn năm tiếp theo ở Hàn Quốc, các kỳ học, Lan may mắn nhận học bổng, chỉ phải chi thêm 270-300 triệu đồng.
“Tổng cộng, quá trình 5 năm du học của mình hết khoảng 700 triệu đồng", Lan chia sẻ.
Cú sốc sau khi tốt nghiệp
Tháng 9/2023, Lê Lan quyết định về nước sau khi tốt nghiệp vì muốn gần gia đình, cùng với đó, với bằng đại học nước ngoài trong tay, cô nghĩ cơ hội việc làm sẽ cao hơn.
Thế nhưng, thời gian ngắn trước khi về nước, Lan “sốc" khi tìm hiểu về thị trường việc làm ở Việt Nam. Lan có hai lựa chọn làm việc tại Bắc Ninh hoặc Hà Nội. Cô cho biết nếu không thực sự xuất sắc, các công ty ở Hà Nội thậm chí không nhìn đến việc cô có du học hay không.
Lan cũng sốc khi nghe mức lương mà các công ty đề nghị. Cô kỳ vọng mức lương khởi điểm sẽ khoảng 25 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, một số công ty chỉ đưa ra mức 13 triệu đồng/tháng, còn chưa bằng mức lương mà Lan đi làm phục vụ 20 giờ/tuần ở Hàn Quốc.
Điều Lan bất ngờ nhất là ở trong nước, các bạn cùng trang lứa hoặc nhỏ tuổi hơn đều đã đi thực tập từ năm 2, năm 3. Đến khi ra trường, các bạn đã có kinh nghiệm 1-2 năm.
“Trong lần đầu tiên phỏng vấn công ty tại Việt Nam, mình cùng phỏng vấn với một ứng viên kém tuổi. Dù mới ra trường, bạn này đã có một năm kinh nghiệm làm việc, chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 5. Bạn ấy phỏng vấn với phong thái rất tự tin, lưu loát, khiến mình thấy nhụt chí", Lan chia sẻ.
Khác với trường hợp của Lan, chuyện học thạc sĩ của H. vẫn rất ổn cho đến cuối năm 2023, khi cô đang chuẩn bị tốt nghiệp. Do việc học căng thẳng, cộng với một số vấn đề khác, H. rơi vào trầm cảm và phải đi tham vấn tâm lý định kỳ.
Trầy trật trải qua thời gian học thạc sĩ và tốt nghiệp đúng hạn, H. vẫn mông lung với việc đi làm vì không biết nên ở lại Australia làm việc hay về Việt Nam.
Nếu ở lại Australia, cơ hội tìm việc của H. khá tốt khi cô đã có tấm bằng thạc sĩ, nhưng vấn đề tâm lý sẽ rất khó để cải thiện. Còn nếu trở về Việt Nam, có thể H. sẽ được gia đình hỗ trợ tốt hơn về mặt tinh thần, nhưng chuyện tìm việc sẽ là một vấn đề khá khó.
Không nằm ngoài dự đoán, sau khi về Việt Nam và bắt đầu rải hồ sơ tìm việc, H. nhận ra tấm bằng thạc sĩ của nước ngoài lại không thể giúp bản thân có được công việc như mong muốn. Cô gái trẻ nhận thấy các công ty có xu hướng tuyển nhân viên truyền thông trẻ, mới ra trường hoặc những người đang là sinh viên năm cuối.
Du học sinh gặp một số hạn chế khi tìm việc trong nước như thiếu kinh nghiệm, doanh nghiệp khó trả lương cao, cạnh tranh với cử nhân trong nước... Ảnh: Pexels. |
Du học sinh thua sinh viên trong nước ở điểm nào?
Dù có hai tấm bằng và sử dụng tiếng Anh tốt, hạn chế của H. lại nằm ở chuyện kinh nghiệm. Do đi học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, H. gần như chưa có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, ngoại trừ 3 tháng thực tập khi còn là sinh viên.
Khi nói chuyện với bạn thân là nhà tuyển dụng của doanh nghiệp, H. càng hiểu rõ vấn đề của bản thân khi tìm việc ở Việt Nam. Tìm việc lương cao thì khó, việc lương thấp lại không đủ để bù cho số chi phí đã bỏ ra để du học.
Hiện, H. vẫn đang loay hoay tìm công việc phù hợp tại Việt Nam. Nếu thời gian tới vẫn chưa tìm được việc, có thể cô sẽ giảm tiêu chí tìm việc, không kén chọn để đi làm tạm lấy kinh nghiệm, sau đó sẽ tiếp tục ứng tuyển vào những vị trí cao hơn.
Trong khi đó, đánh giá lại bản thân, Lê Lan nhận thấy lợi thế lớn nhất là ngoại ngữ và đã tiếp xúc văn hóa nước bạn, nhưng các ứng viên trong nước giỏi tiếng Hàn cũng không ít. Kinh nghiệm của Lan cũng chỉ nằm ở con số 0 do về nước ngay sau khi tốt nghiệp.
Trước đó, trong quá tình học, do vấn đề visa, cơ hội vừa học, vừa thực tập tại Hàn bị hạn chế. Về kiến thức chuyên môn, Lan cũng không quá tự tin do không rõ chương trình học ở Việt Nam gồm những gì, yêu cầu của các doanh nghiệp ra sao.
“Lúc mình thông báo về nước, ai cũng ngập tràn hy vọng, cho rằng có tiếng Hàn lương cao lắm, không lo thất nghiệp. Ai ngờ đến lúc về, mình thấy đúng là một trời một vực so với tưởng tượng", Lan cho hay.
Dần dần, chấp nhận với thực tế, trước khi về nước một tuần, Lan gửi CV đến khoảng 15 doanh nghiệp và nhận 5 lời mời phỏng vấn. May mắn khi chỉ sau 10 ngày về nước, cô được nhận vào công ty thực phẩm lớn của Hàn Quốc, trụ sở tại Bắc Ninh.
Mức lương chưa đạt được như kỳ vọng, Lan cũng gần như phải học tập từ những cái nhỏ nhất và tốn khá nhiều thời gian để thích nghi, hòa nhập với văn hóa công sở trong nước.
Ngoài các vấn đề việc làm, cô cũng bị áp lực bởi những lời bàn tán xung quanh, khiến cô dần nghĩ mình kém cỏi vì “mang tiếng đi nước ngoài học mà lương cũng không được bao nhiêu".
“Mình nhận ra không phải cứ du học là lương sẽ cao, sẽ được nhiều công ty săn đón. Họ sẽ nhìn vào kinh nghiệm, thực lực chứ không nhìn xem bạn có du học hay không. Tất nhiên, du học là một điểm cộng, nhưng du học mà bạn không đủ giỏi thì so với các ứng viên trong nước, bạn cũng chỉ là hạt cát nhỏ", Lan nhìn nhận.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.