Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX), thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1.
Lực lượng cảnh sát giao thông công an huyện Tam Đảo nhắc nhở người dân không phơi thóc, rơm trên đường vi phạm luật giao thông đường bộ. Ảnh: Cổng thông tin huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). |
Cụ thể, Điều 12 Nghị định 168 quy định việc xử phạt, trừ điểm GPLX các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác sẽ bị phạt tiền.
Trong đó, phạt tiền từ 200-250 nghìn đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi: Tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông; Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng; Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ...
Đối với hành vi chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi bày, bán hàng hóa, để vật liệu xây dựng, để xe trông giữ xe bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với cá nhân và 1-2 triệu đồng đối với tập thể.
Nghị định 168 quy định việc phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường, vỉa hè.
Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi đặt, để chướng ngại vật, vật cản khác trái phép trên đường bộ; đổ chất gây trơn trượt trên đường bộ; đổ, xả thải, làm rơi vãi hóa chất, chất thải gây mất an toàn giao thông đường bộ...
Đặc biệt, đối với hành vi sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác (theo quy định phải có giấy phép) mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép sẽ bị xử phạt 10-15 triệu đồng đối với cá nhân và 20-30 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong trường hợp thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
"Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 tới 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm".
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.