Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỉ trích fanpage chế giễu gỏi cuốn, dân mạng sai khi chửi bới tục tĩu

Lên án cái sai bằng một cái sai khác, dân mạng Việt Nam nhiều lần lặp lại sai lầm của mình vì tâm lý a dua, bầy đàn trên mạng xã hội.

Ngày 8/7, diễn đàn Memes_puaka ở Malaysia với hơn 6.000 lượt theo dõi đăng tải loạt ảnh món gỏi cuốn Việt Nam và so sánh phần vỏ bánh tráng với da chết ở bàn chân.

“Xin lỗi nếu làm bạn không còn thích ăn món gỏi cuốn Việt Nam nữa", trang này viết.

Rạng sáng 10/7, thông tin này nhanh chóng đến tai nhiều dân mạng Việt Nam và dấy lên sự bức xúc.

Nhiều người không chỉ tức giận vì món ăn nổi tiếng đất nước bị đem ra đùa cợt, chế giễu, hành động của diễn đàn Malaysia còn bị cho không tôn trọng ẩm thực Việt Nam cũng như có thể khiến người chưa biết tới gỏi cuốn có cái nhìn sai lệch, mất thiện cảm.

Đem theo sự bức xúc đó, hàng nghìn người dùng Internet Việt Nam nhanh chóng tràn vào diễn đàn Memes_puaka phân bua và kêu gọi báo cáo trang này.

Bên cạnh những bình luận chủ yếu giải thích tình hình và yêu cầu lời xin lỗi nhận được nhiều sự đồng tình, như mọi khi, có không ít người lấy cớ “đòi lại công bằng” để tấn công trang này bằng các bình luận thô tục, chửi bới và có mục đích “chửi cho sướng” và hùa theo hơn là mang tính xây dựng.

“Đừng đùa với dân mạng Việt Nam” hay “Động vào ai chứ đừng động vào dân mạng Việt” là những cụm từ được nhiều người tự hào thốt lên khi thành công đánh sập trang Facebook Memes_puaka. Xong xuôi, tài khoản Instagram của trang này là mục tiêu tấn công tiếp theo của các “anh hùng bàn phím”.

Đến khi phát hiện thêm một diễn đàn của Đài Loan chia sẻ lại loạt ảnh của Memes_puaka, “cơn bão” bình luận bằng tiếng Việt, tiếng Anh và kêu gọi báo cáo lại kéo qua trang này với tâm thế hả hê, đắc thắng. Ít giờ sau, trang này cũng chịu chung số phận với diễn đàn Malaysia.

Chửi bới, quá khích

Thói quen "làm loạn", chửi bới và bình luận quá khích của một bộ phận người dùng Internet thời gian gần đây thường xuyên khiến nhiều người ngán ngẩm, làm hình ảnh dân mạng Việt trở nên xấu xí.

che goi cuon Viet Nam anh 3

Những bình luận thô tục của dân mạng Việt.

Ở trận đụng độ giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan vào tháng 6 năm ngoái, cầu thủ Chanathip Songkrasin viết trên trang cá nhân một dòng trạng thái bằng tiếng Thái, tạm dịch: "Tát trúng đầu. Haha".

Dòng chữ này trùng với lúc Đoàn Văn Hậu bị chân sút Thái Lan Thitipan Puangchan tát vào mặt. Ngay lập tức, nhiều dân mạng không ngại tấn công trang cá nhân của Chanathip, lẫn fanpage của đội bóng Nhật nơi anh thi đấu.

3 tháng sau đó, cũng ở trận gặp Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022, Thitipan Puangchan có pha vào bóng thô bạo với đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải. Sau trận đấu, trang cá nhân cầu thủ này tràn ngập bình luận chửi bới, chỉ trích.

Tương tự, trợ lý tuyển Thái Lan Sasa Todic cũng từng phải chuyển trang cá nhân sang chế độ riêng tư sau khi hứng loạt bình luận quá khích, tấn công cá nhân bằng những ngôn từ hằn học do ông có hành động khiếm nhã với HLV Park Hang-seo.

Tháng 6 vừa qua, tài khoản Facebook Quynh ****, người được cho là nhân viên của Shopee, để shipper đợi 30 phút mới lấy hàng sau đó có phát ngôn không đúng mực tại trang cá nhân. Như thường lệ, dân mạng lại kéo vào miệt thị, chửi bới cô và tấn công cả fanpage Shopee.

che goi cuon Viet Nam anh 4

Nhiều người không quan tâm sự việc đang diễn ra mà chỉ chửi bới để thỏa mãn bản thân. Ảnh: Unicef.

Chưa bàn đến chuyện đúng sai trong hành vi của các nạn nhân nêu trên, việc dùng những từ ngữ thô tục, xúc phạm và đánh đồng để tấn công những chủ thể sự việc này chẳng khác nào lên án một cái sai bằng một cái sai khác.

TS Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV - từng nói với Zing các cá nhân có xu hướng tìm đến những quan điểm giống mình và tập hợp thành đám đông, để củng cố cho sự tự tin và thỏa mãn về "sức mạnh" mà họ đang sở hữu, và chỉ trích, chửi bới trên mạng hiện vẫn là hành vi mà người thực hiện chưa phải chịu trách nhiệm một cách thỏa đáng.

Có lẽ bởi vậy, thay vì chọn con đường ôn hòa, giải thích thấu đáo, nhiều người lại thích dùng những câu từ mạnh bạo, gây hấn nhiều hơn để thỏa mãn bản thân trên mạng xã hội.

Dân mạng đánh sập diễn đàn Malaysia chế giễu món gỏi cuốn Việt Nam

Đăng ảnh so sánh bánh tráng ở món gỏi cuốn của Việt Nam với phần da bàn chân, một diễn đàn tại Malaysia vấp phải nhiều chỉ trích của dân mạng Việt.

Mai An

Bạn có thể quan tâm