Theo The Guardian, từ tháng 8 đến tháng 12/2014, Alessandro Ford theo học ngành Ngôn ngữ Hàn tại Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
Là sinh viên phương Tây đầu tiên của trường, cậu bị giám sát chặt chẽ hơn so với các du học sinh người Nga và Trung Quốc. Alessandro dành nhiều thời gian để tìm hiểu giá trị của hệ tư tưởng Chủ thế và chỉ có 10 phút mỗi tuần để liên hệ với thế giới bên ngoài khi gọi điện cho mẹ.
Cha cậu là Glyn Ford, cựu nghị sĩ Nghị viện châu Âu. Ông từng có nhiều chuyến thăm Triều Tiên và ủng hộ việc phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao lâu dài với nước này.
"Cha tôi từng đùa rằng, nếu tôi không thể tự quyết định thì ông sẽ gửi tôi đến Triều Tiên. Thực tế, mọi chuyện khá thú vị", Alessandro nói.
Cậu từng nhận đặc quyền nhập cảnh vào đất nước bí ẩn nhất hành tinh. Năm 15 tuổi, Alessandro nghỉ hè hai tuần ở Triều Tiên. Cuối cùng, cậu phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm nhưng chuyến đi đã khơi gợi sự hứng thú đối với quốc gia này.
Alessandro Ford chỉ tay về hướng Đại học Kim Nhật Thành, nơi cậu là sinh viên châu Âu đầu tiên của trường. |
Môi trường học tập thượng lưu
Mặc dù Alessandro và bạn học người Triều Tiên trưởng thành trong nền văn hóa khác nhau, nhưng nền giáo dục họ nhận được có nhiều điểm tương đồng. Tất cả các bạn cùng lớp xuất thân từ tầng lớp giàu có ở Bình Nhưỡng.
Alessandro cho biết, phụ huynh của sinh viên trường Kim Nhật Thành là đảng viên, quan chức cao cấp hoặc đang phục vụ trong quân đội. Một người từng sống ở London khi bố anh ta làm việc tại đại sứ quán. Vài người đến từ các tỉnh khác trong khi phần lớn sinh viên đều sống ở Bình Nhưỡng.
Alessandro nói, điểm khác biệt đầu tiên giữa giáo dục phương Tây và Triều Tiên là cậu chỉ phải trả 3.000 bảng (khoảng 102,5 triệu đồng) cho 4 tháng học tại đây, bao gồm cả chi phí ăn, ở.
Nam sinh cho biết, cơ sở vật chất trong trường rất đơn giản. Phòng tắm không có vòi hoa sen. Các sinh viên tắm chung theo "phong cách La Mã". Alessandro học thói quen tắm hơi thường xuyên của người Triều Tiên.
Ký túc xá sạch sẽ và thoải mái nhưng chỉ có những thiết bị cơ bản. Vào mùa đông, họ phải sống cảnh không có nước nóng trong hai tuần dù nhiệt độ hạ xuống mức âm 20 độ.
Khi đã thân quen, Alessandro có thể nói chuyện thoải mái với sinh viên bản địa. Họ thảo luận mọi chuyện nhưng luôn từ góc độ người Triều Tiên.
Alessandro trượt patin cùng bạn bè và các em nhỏ ở Bình Nhưỡng. |
"Rào cản duy nhất giữa chúng tôi là ngôn ngữ", cậu nói.
Trường sắp xếp một vài sinh viên Triều Tiên biết tiếng Anh sống trong khu ký túc xá dành cho du học sinh để giúp họ hòa nhập.
Tình dục, ma túy và rock'n'roll
Đây là những điểm khác biệt giữa giới trẻ Triều Tiên và phương Tây, Alessandro nhận xét.
Sau khi nghe các bản rap của ca sĩ người Mỹ Eminem, một người bạn của cậu hỏi: "Tại sao anh ta lại hát về bản thân, tình dục và ma túy? Anh ta phải hát về gia đình và đất nước chứ?".
Alessandro cho biết, thanh niên Triều Tiên thường không quan hệ tình dục trước hôn nhân hay vụng trộm. Họ cũng không hôn nhau trước mặt mọi người mà thể hiện tình cảm theo cách khác.
"Theo những gì tôi biết và chứng kiến, người Triều Tiên rất trong sáng", cậu nói.
Alessandro Ford sẽ bắt đầu học ngành Triết học tại Đại học Bristol vào tháng 9 tới. Cậu cho rằng nên đẩy mạnh hoạt động trao đổi sinh viên để mở cánh cửa của đất nước bí ẩn nhất thế giới.
Du học sinh có thể chia sẻ thông tin về du học qua địa chỉ email toasoan@news.zing.vn. Những bài viết hay sẽ được lựa chọn đăng tải trên Zing.vn.