Du học: Giấc mơ thời thượng
Du học ngày càng trở thành kênh đầu tư nóng bỏng trong cộng đồng bố mẹ Việt. Người người nhà nhà muốn sử dụng du học như một tên lửa đẩy bắn “của để dành – hạt giống tương lai” của mình bay vào quỹ đạo của những nền giáo dục tiên tiến – những quốc gia văn minh. Tuy nhiên, câu chuyện hậu du học:‘nên ở hay về’ luôn là một câu hỏi không dễ trả lời, nhất là với những trong cuộc: những du học sinh.
Nhiều năm trước, chính bản thân tôi từng có thời hồ đồ mà nghĩ rằng: “Chúng ta chỉ sống một lần, và chúng ta được quyền chọn nơi nào tốt nhất, tuyệt nhất để sống cuộc đời này”.
Nhưng rồi đến một ngày, sau khi đã đi đủ xa, học đủ thấm, tôi thấy mình sẽ có phần “bất hiếu” nếu như tiếp tục giữ suy nghĩ đó trong đầu. Đơn giản vì tôi chưa bao giờ dám “mặc cả” với bố mẹ mình rằng: “Bố mẹ sinh con ra là phải cho con được sống trong đầy đủ vật chất đấy nhé, khốn khó quá con sẽ không làm con của bố mẹ nữa, sẽ làm con nhà khác….”.
Vậy đấy, chúng ta ta mãi mãi không có quyền lựa chọn hai điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống này: Gia đình và Tổ quốc.
Bao nhiêu năm du học ở nước ngoài, tôi vẫn cứng nhắc và bảo thủ yêu cầu bạn bè và thầy cô gọi tôi đúng bằng cái tên thuần Việt mà cha mẹ đã đặt cho tôi. Nhiều bạn bè tôi có vẻ rất hào hứng thích thú với những cái tên Tây lạ hoắc, nào Amy, nào Annie, nào Johny…
“Nope, I am Huy, not Harry, not Hugh, not Tony…, just Huy” (Không, tôi là Huy nhé, không phải Harry, không phải Hugh, không phải Tony..., chỉ là Huy thôi).
Tôi nhiều lần phải đính chính như thế trước khi người ta kịp đặt cho mình một cái tên Tây lạ hoắc mà chính tôi cũng không quen. Sâu thẳm sau đó là sự kiên định quyết không chịu quên nguồn gốc Việt Nam của mình.
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ. |
Giấc mộng Việt: Sau giàu có là... siêu giàu
Có một tâm lý cực kỳ mâu thuẫn đang lan tràn trong rộng khắp xã hội Việt Nam bây giờ: Nhiều người ngưỡng mộ Singapore, ngưỡng mộ Hàn Quốc, Nhật Bản vì sự phát triển thần kỳ của họ, ai cũng ước mơ một ngày nào đó chúng ta theo kịp họ.
Nhiều người tỏ ra tiếc thương Lý Quang Diệu – một trong những du học sinh xuất sắc nhất của thế kỉ 20, khi ông ra đi. Tuy nhiên, xu hướng tâm lý “du học, đi đi đừng về!” hay “đã sang được đến Mỹ rồi, sao lại về?” đã bao giờ ngủ quên một phút trong phần đông tâm thức người Việt? Phải chăng chúng ta chỉ thích uống rượu vang ngon nhưng không bao giờ muốn trồng nho?
Tôi tự hỏi mình: Singapore bây giờ sẽ như thế nào nếu như không có một Lý Quang Diệu dám dũng cảm trở về từ Anh quốc? Rất có thể sẽ có một ông luật sư Lý Quang Diệu nổi tiếng với văn phòng luật ngay trên phố Baker, London…, nhưng chắc gì đã có một đảo quốc sư tử xinh đẹp – niềm tự hào của Đông Nam Á.
Hàn Quốc bây giờ sẽ như thế nào nếu như không có hàng vạn du học sinh tình nguyện trở về, đồng sức đồng lòng cùng vực dậy một đất nước đói kém và lạc hậu sau chiến tranh? Rất có thể sẽ có những cộng đồng người Hàn Quốc đông đúc và sầm uất hơn ở New York, ở San Francisco, ở Paris… nhưng chắc gì người ta đã biết đến Hàn Quốc như con rồng kinh tế Đông Á như ngày nay.
Nhìn những người bạn quốc tế của tôi học xong từ xứ người, họ hồ hởi cầm tấm bằng về đóng góp cho quê hương, trong khi nhiều bạn bè tôi mang CV chạy ngược chạy xuôi mong kiếm tìm được một công việc ở lại, tôi cảm thấy chạnh lòng.
Phải chăng Việt Nam đông đúc và tắc đường hơn Ấn Độ, Pakistan?
Phải chăng Việt Nam nghèo – đói và nóng hơn Phi Châu?
Hay phải chăng Việt Nam chưa phát triển xứng tầm, không phải vì thiếu tài nguyên, thiếu tiềm năng, thiếu cơ hội… mà là do thiếu những con người dũng cảm và dám dấn thân?
Không có ai dám khẳng định, với du học sinh, ở lại hay trở về là chắc chắn sẽ thành công.
Tôi tin rằng ở nước ngoài, có nhiều triển vọng để thành công, có nhiều cơ hội để hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu là người Việt, mảnh đất duy nhất trên thế giới này mà bạn có thể hạnh phúc trọn vẹn chỉ có thể là Việt Nam.
Mỗi đất nước đều có những vấn đề - những khó khăn, hạn chế riêng của mình. Tại sao lực lượng du học sinh, những tinh hoa của tuổi trẻ đất nước được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đã được đi được thấy được trải nghiệm những điều mới lạ và tốt đẹp lại không về đóng góp xây dựng đất nước?
Có những vấn đề chung, thế hệ 6x - 7x chưa giải được, những mong 8x - 9x sẽ tiếp tục giải quyết, nhưng chúng ta thoái thác, đùn đẩy lại, cứ thế, cứ thế, chúng ta già đi trong sự vun vén cá nhân giữa một dân số tưởng chừng như đông đúc.
Có một sự khác biệt rất rõ nét trong tư duy của người Việt và xã hội Âu - Mỹ. Người Việt nghĩ, đằng sau sự giàu có là gì? Là siêu giàu!!!! Còn họ? Đằng sau sự giàu có là Tổ quốc, là sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người.
Chúng tôi không muốn chỉ quan tâm đến đất nước, đến gia đình mình bằng những đồng ngoại tệ gửi về đính kèm những ánh mắt nhớ thương chưa bao giờ dám rơi nước mắt. Chúng tôi muốn dấn thân, muốn một lần được sống hết mình vì Tổ quốc nơi đã nuôi chúng tôi lớn khôn từ củ sắn củ khoai, từ mặn mòi muối biển.
Để kết lại bài viết này, có lẽ xin mượn lời của cha tôi, một cựu du học sinh thế hệ 4x, người đã dũng cảm trở về và chưa bao giờ hối tiếc, đã nói với tôi- một du học sinh 8x: “Tuổi trẻ không dùng để thở than, để lo lắng, quan ngại… từ xa. Nếu có tài năng, hãy trở về để cùng đẩy đất nước mình đi lên!”
Một số bài viết chia sẻ của du học sinh trên Zing.vn
Du học sinh có thể chia sẻ thông tin về du học qua địa chỉ email toasoan@news.zing.vn. Những bài viết hay sẽ được lựa chọn đăng tải trên Zing.vn.