Với du học sinh nói riêng và các bạn trẻ nói chung, đặt câu hỏi tưởng đơn giản nhưng rất quan trọng. Hỏi để học, để biết, để rèn luyện kỹ năng, để trưởng thành. Các cụ cũng từng nói: Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.
Đặt câu hỏi có khó không?
Từ trước đến giờ, có lẽ chưa bao giờ mình vật lộn với câu hỏi này. Thế nhưng, càng du học ở nhiều nước, làm diễn giả tại nhiều chương trình, mình càng thấy đặt câu hỏi, nhất là câu hỏi hay, quả rất khó.
Nếu không khó tại sao nhiều khi cả hội trường vài trăm người không có nổi cánh tay giơ lên đặt câu hỏi cho khách mời?
Có lẽ là mình khó tính và cũng không gặp may, nhưng từ ngày "tập toẹ" tham dự các chương trình, sự kiện ở Việt Nam đến giờ, mình vẫn chưa gặp được bạn nào khiến phải gật gù thán phục khi "giật mic" đặt câu hỏi cho diễn giả.
Tại sao?
Ngô Di Lân hùng biện tại một sự kiện ở Việt Nam. |
Không ít bạn trẻ cho rằng, chẳng việc gì phải đau đầu ngồi lo đặt câu hỏi hay, chỉ cần nghe người ta nói là đủ. Mình không đồng ý vì càng nghe nhiều sẽ càng có nhiều thứ không rõ, càng có nhiều điều thắc mắc muốn hỏi. Chỉ có cách đặt câu hỏi chính xác mới mong có được câu trả lời thoả mãn.
Thế nên, chúng ta cần phải biết cách đặt câu hỏi mà muốn như vậy thì phải luyện tập thôi.
Thời mình chưa du học, các bạn cùng lớp rất "kiệm hỏi". Thầy cô khuyến khích học sinh không được giấu dốt, không hiểu bài phải hỏi. Nhưng, nhiều người sợ bị thầy cô, bạn bè chê "hỏi ngu, hỏi thừa" nên im lặng.
Mình nhớ một lần ra Tết, bạn cùng lớp bị cô mắng "ăn nhiều bánh chưng quá dính não à?" sau khi bạn ấy hỏi. Nghe xong, ai cũng lạnh toát sống lưng, chẳng còn động lực mà hỏi nữa.
Vì thế, với tâm lý "ngậm miệng ăn tiền" cho an toàn, lâu ngày kỹ năng hỏi bị mai một rồi mất hẳn. Khi dự các chương trình, hội thảo, nhiều bạn trẻ lúng túng. Ra trường, không ít bạn thiếu kỹ năng "hỏi xin việc". Vào đời, lúc vấp ngã, chúng ta lúng túng "hỏi để đứng lên"...
Ở nước ngoài, các bạn trẻ mình gặp chẳng bao giờ ngại hỏi. Thậm chí, họ còn rất sẵn lòng đặt những câu hỏi mang tính "thách thức" cho giáo viên hay các diễn giả. Một phần bởi họ không sợ sai, còn giáo viên sẵn sàng trả lời, kể cả những câu rất "trên trời". Đây là những điều tất cả chúng ta cần học tập.
Khi học tại Hà Lan và Mỹ, mình thấy sinh viên thường đứng lên giới thiệu tên ngắn gọn rồi đặt ngay câu hỏi rõ ràng, có trọng tâm. Thậm chí, họ còn bình luận một chút để dẫn vào câu hỏi cho "nuột".
Cá nhân mình chưa bao giờ nghĩ việc đặt câu hỏi lại khó đến thế. Các bạn có thể thi được giải quốc gia, đạt được các huy chương Olympic Toán quốc tế thì hoàn toàn có thể làm được điều đơn giản này.
Không hiểu, không rõ thì phải hỏi, chẳng việc gì phải sợ. Mà muốn nghe được câu trả lời thích đáng thì chỉ có đường đặt một câu hỏi hay. Mà muốn hay thì chỉ có luyện tập nhiều mới được!
Ngô Di Lân sinh năm 1994, hơn 10 năm du học ở nước ngoài. Cậu vừa hoàn tất chương trình đào tạo cử nhân tại Đại học Maastricht (Hà Lan) và nhận học bổng tiến sĩ của Đại học Brandeis, bang Massachussetts (Mỹ)
Chàng du học sinh có sở thích thuyết trình và hùng biện trước đám đông. Mỗi dịp về Việt Nam cậu đều tích cực tham gia các hội thảo dành cho sinh viên với tư cách khách mời.
Ngô Di Lân là người sáng lập Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO) và dự án VYMUN - Chương trình Mô phỏng họp Liên Hợp Quốc dành cho thanh niên Việt Nam - với sự ủng hộ của nhiều nhân vật tiêu biểu trong ngành ngoại giao, như bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Pratibha Mehta - đại diện cấp cao của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Du học sinh có thể chia sẻ thông tin về du học qua địa chỉ email toasoan@news.zing.vn. Những bài viết hay sẽ được lựa chọn đăng tải trên Zing.vn.