Chia sẻ cùng thầy cô là chương trình thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức, bắt đầu từ năm 2015. Trải qua 7 năm thực hiện, chương trình đã tuyên dương 390 thầy cô giáo đến từ mọi miền Tổ quốc.
Đặc biệt, Chia sẻ cùng thầy cô năm thứ 8 được tổ chức với dấu mốc ấn tượng khi đây cũng là dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Dấu ấn của 7 năm đồng hành cùng thầy cô theo đuổi sứ mệnh
Năm 2015, trong lần đầu tiên Chia sẻ cùng thầy cô được phát động, chương trình đã tuyên dương 64 thầy cô giáo "cắm bản" đang công tác tại 64 huyện nghèo trên cả nước.
Với mong muốn không chỉ tri ân những đóng góp của thầy cô giáo, chương trình còn đặt mục tiêu tạo sự quan tâm và kêu gọi xã hội tiếp tục giúp đỡ, ủng hộ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Những cô giáo ‘cắm’ bản miệt mài mang con chữ trao cho học sinh. |
Năm đầu tiên tổ chức, chương trình đã kể lại hành trình khó nhọc, nhiều hy sinh của các thầy cô giáo từng ngày miệt mài “cõng” con chữ đến từng bản làng xa xôi để truyền dạy cho các em. Điều khiến nhiều người xúc động không chỉ là sự hy sinh của các thầy cô, mà còn ở tình cảm được những người lái đò dành cho lũ trẻ.
Không nói nhiều về bản thân, khi chia sẻ về hành trình dạy học, nhiều thầy cô chỉ ao ước: "Chúng tôi mong muốn các em học sinh vùng cao được quan tâm hơn. Nhiều vùng mùa đông đến các em không có áo mặc. Dù chúng tôi vất vả chút ít, chỉ cần thấy các em đến lớp đông là đều cảm thấy vui và hạnh phúc. Thương học trò lắm”.
Tiếp nối thành công của năm đầu tiên, Chia sẻ cùng thầy cô tiếp tục được tổ chức thường niên. Suốt 7 năm, chương trình đã vinh danh nhiều chân dung thầy cô giáo từ những người đang công tác ở nơi biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện - kinh tế xã hội khó khăn đến những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường, các giáo viên dạy các em học sinh khuyết tật, học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số và cả những thầy cô công tác tại vùng dịch ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 vừa qua...
Với mỗi năm thực hiện, chương trình lại có những chuyến hành trình đến tận nơi các thầy cô đang gắn bó, lao động miệt mài mỗi ngày. Chính những chuyến đi này đã giúp chân dung người thầy “bám” bản, người cô “cõng” chữ cho học sinh hiện rõ hơn bao giờ hết.
Là một trong những nhà giáo được tuyên dương năm 2020, câu chuyện của cô giáo Lò Thị Lan (trường Tiểu học Dìn Chin, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã khiến không ít người phải bất ngờ bởi sự hy sinh, nỗi vất vả của giáo viên công tác tại điểm trường của các em học sinh dân tộc thiểu số.
Cô Lan dạy chữ cho học trò lớp 1. |
Nói về thiếu thốn, cô Lan chia sẻ ở vùng cao thì vật chất không nhiều, nhưng cái thiếu hụt nhất là nước. Mỗi sáng sớm và chiều muộn sau khi tan làm, cô Lan cùng đồng nghiệp lại chuẩn bị can nhựa, đòn gánh để đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Cả thôn cũng chỉ có một nguồn nước bé tí ti, nước chảy ít và chậm. Có hôm phải chờ đến 2 giờ mới đến lượt mình lấy được 2 can nước về.
Nhiều năm gắn bó với trường Tiểu học Dìn Chin, cô Lan và đồng nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm để tiết kiệm “đặc sản” quý này: “Thầy và trò nhà trường thường dùng nước vo gạo để rửa rau, dùng nước rửa rau để rửa bát... Mỗi ngày, chỉ vệ sinh cá nhân thật sự cần thiết, cuối tuần về nhà mới tắm một lần, quần áo bẩn cũng được gói mang về nhà giặt”.
Khó khăn bủa vây, song động lực giữ cô Lan vẫn tiếp tục hành trình tại Dìn Chin là gương mặt thơ ngây của các em. Cô giáo người Bố Y luôn tâm niệm khó khăn chẳng là gì miễn học trò được học chữ, vùng đất này đã “khát” nước rồi, không thể để các em “khát” cả con chữ.
Nói về tình cảm dành cho học trò, không thể thiếu hình ảnh những thầy giáo áo xanh miền biên viễn. Năm 2017, các thầy giáo “mang quân hàm” đã được Chia sẻ cùng thầy cô vinh danh trong hành trình nâng bước các em đến trường.
Hình ảnh tận tụy của những người thầy “áo xanh”. |
Chia sẻ về câu chuyện của mình, thượng úy Giàng A Trú (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, đồn biên phòng Tả Gia Khâu, Lào Cai) xúc động nói: “Tôi làm công tác dạy chữ cho 3 xã biên giới thuộc địa bàn quản lý. Tại đây, tôi nhận đỡ đầu chăm sóc 2 em dân tộc Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi đưa các em vào đồn, tôi đã nhận làm cậu để hướng dẫn, dạy chữ dễ hơn”.
Là người dân tộc Mông, nên thượng úy Trú giao tiếp với các em học sinh dễ dàng hơn. Mỗi ngày, bên cạnh nhiệm vụ chính trị được đơn vị giao, anh còn tham gia trực tiếp giúp đỡ, chăm sóc 2 học sinh, đưa các em đến trường.
Bày tỏ về Chia sẻ cùng thầy cô năm nay, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết: “Có thể các thầy, cô giáo được chia sẻ từ chương trình chưa được nhiều, bởi hiện tại có hàng chục nghìn giáo viên bằng lương tâm, trách nhiệm của một người thầy, bằng tâm huyết đối với sự nghiệp ‘trồng người’, ngày đêm truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, chắp cánh ước mơ cho con trẻ, nhưng đây chính là tấm lòng, sự biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay đối với các thầy cô”.
Nguồn năng lượng mới sau 8 năm thực hiện
Năm thứ 8 của Chia sẻ cùng thầy cô mang năng lượng mới, đặc biệt hơn khi chương trình năm nay cũng đồng thời đánh dấu 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hoạt động tri ân thầy cô sẽ được mở rộng và sáng tạo với nhiều cách thức.
Nếu như những năm trước, thầy cô tuyên dương chỉ tập trung vào một đối tượng cụ thể như giáo viên người dân tộc thiểu số, giáo viên khu vực hải đảo... thì năm nay, tiêu chí lựa chọn mở rộng đa dạng hơn.
Cụ thể, những nhà giáo được tuyên dương có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; giáo viên có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế, đạt kết quả cao; giáo viên đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giáo viên từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.
Với việc mở rộng đối tượng tri ân, số lượng giáo viên được tuyên dương cũng tăng lên 68 thầy cô đã và đang giảng dạy tại các cấp trong hệ thống giáo dục phổ thông. Đây cũng là lời khẳng định rằng nỗ lực của thầy cô không chỉ mang con chữ đến cho học sinh, mà còn giúp các em cải thiện chất lượng, thành tích học tập.
Dành tình thương cho học trò, nhiều thầy cô không ngần ngại “cắm” hàng chục năm để mang con chữ cho các em. |
Là nhà giáo được tuyên dương trong Chia sẻ cùng thầy cô 2022, cô giáo Nguyễn Thị Bá (trường THCS Lê Quốc Việt, Tiền Giang) đã có 32 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Cô Bá thường được xem là “người đi khai hoang” khi trong suốt sự nghiệp giảng dạy, cô là người thường được điều động đi giảng dạy ở ngôi trường mới thành lập, nhiều khó khăn thiếu thốn.
Song điều khiến cô Bá trăn trở nhất khi đến điểm trường mới chính là học lực của học sinh không tốt. Cũng từ xuất phát điểm này, bằng nhiệt huyết và tấm lòng luôn hướng về học sinh, cô Bá đã tổ chức lớp bồi dưỡng và các năm sau đó, học sinh của cô liên tiếp giành được nhiều giải thưởng cao (Nhất, Nhì) trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trường THCS Lê Quốc Việt từ ngôi trường mới thành lập, còn non trẻ, không ai biết đến, nhờ sự tận tâm và phương pháp dạy sáng tạo của cô Bá đã giúp khóa tốt nghiệp đầu tiên của trường đứng đầu toàn tỉnh môn tiếng Anh trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10.
Kể về những ngày ôn luyện cho học trò, cô Bá chỉ cười: “Các em biết mình chỉ học lực trung bình nên dễ tự ti, nhưng mình phải biết khai thác những điểm mạnh. Dù trung bình, các em vẫn có những cái hay riêng. Mình phải động viên các em trước, phải khen nhiều hơn, biết phát hiện ra những cái hay của học sinh để khuyến khích các em phát triển”.
Giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế được tuyên dương. |
Ngày 15-16/11, cô Nguyễn Thị Bá cùng 67 thầy cô được tuyên dương trong Chia sẻ cùng thầy cô 2022 đã có 2 buổi gặp mặt Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Bên cạnh việc chia sẻ niềm vui kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tại buổi gặp mặt lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo bộ ngành, các thầy cô cũng có dịp bày tỏ tâm tư về những khó khăn mà học sinh và cả giáo viên gặp phải trên hành trình khám phá tri thức.
Đặc biệt, tối 16/11, lễ tuyên dương 68 chân dung giáo viên tiêu biểu của Chia sẻ cùng thầy cô 2022 đã diễn ra tại Hà Nội. Hình ảnh giản dị cùng lời chia sẻ chân thành của những người hàng ngày tận tụy trên bục giảng, vun đắp tri thức cho thế hệ tương lai đã gây xúc động mạnh cho người tham dự.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022. |
Ngoài việc thể hiện sự tri ân thầy cô với những sự kiện trực tiếp, Chia sẻ cùng thầy cô 2022 còn đặt mục tiêu lan tỏa mạnh mẽ vẻ đẹp của tình thầy trò, lòng biết ơn dành cho những người đang đào tạo nên thế hệ tương lai của đất nước. Năm nay, chương trình có sự đồng hành của TikTok Việt Nam, tổ chức hoạt động tri ân thầy cô bằng nhiều cách thức sáng tạo, gửi triệu lời yêu thương thông qua TikTok.
Theo đó, từ 14/11 đến 22/11, chiến dịch #TriAnThayCo khởi động nhằm gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Đây là hoạt động mới nằm trong chương trình thường niên Chia sẻ cùng thầy cô với hình thức và góc nhìn mới.
Để tham gia chương trình, người sáng tạo nội dung có thể bày tỏ lời cảm ơn đến những nhà giáo đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người bằng các cách như hát, nhảy, múa, làm thiệp hay thử thách make-up, sau đó đăng tải video lên nền tảng TikTok kèm hashtag #TriAnThayCo hoặc #ChiaSeCungThayCo.
Cuộc thi là cơ hội để các thế hệ học trò thể hiện tình cảm với thầy cô giáo theo cách riêng của mình. Tính đến ngày 18/11, #TriAnThayCo đã đạt 448,2 triệu view.
Tập đoàn Thiên Long đồng hành và khẳng định gắn bó với chương trình
Ngay từ những ngày đầu khởi điểm, Tập đoàn Thiên Long đã gắn bó với Chia sẻ cùng thầy cô. Đến nay, thương hiệu đã có 8 năm hỗ trợ, đồng hành cùng chương trình.
Không chỉ là sự ủng hộ về mặt vật chất khi Thiên Long là nhà tài trợ chính cho chương trình qua các năm, doanh nghiệp còn đồng hành tham gia từng chuyến hành trình đến thăm thầy cô ở nhiều điểm trường trên toàn quốc.
“Có thể ví von rằng Tập đoàn Thiên Long và các thầy cô giáo là ‘những người đồng nghiệp’ của nhau. Nói như vậy vì chúng tôi đều cùng có niềm tin vào sức mạnh tri thức và mong muốn lan tỏa tri thức đến học sinh, trao cho em cơ hội dựa vào tri thức để vươn lên thành người có ích cho xã hội. Vì điểm chung đó, Tập đoàn Thiên Long trân trọng và thấu hiểu các thầy cô, mong muốn làm được nhiều điều hơn cho những người theo đuổi nghề giáo để họ nhận được sự tôn vinh và sẻ chia xứng đáng”, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Tập đoàn Thiên Long, nhấn mạnh.
Với mỗi mùa Chia sẻ cùng thầy cô chuẩn bị khởi động, đội ngũ của Thiên Long còn đồng hành tham gia lên kế hoạch ý tưởng, nỗ lực mang năng lượng mới để góp phần gửi lời cảm ơn, tri ân đến những người đang mỗi ngày dẫn dắt, kiến tạo thế hệ tương lai.
Ông Trịnh Văn Hào nhấn mạnh sau 7 năm tổ chức, bức tranh Chia sẻ cùng thầy cô rộng về không gian địa lý khi có mặt ở tất cả vùng núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng thiên tai - lũ lụt... Bức tranh còn mang chiều sâu khi khắc họa đa dạng câu chuyện giản dị mà cao quý, bình thường mà vĩ đại của những người thầy trong hành trình trồng người.