Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Chiang Mai ô nhiễm nhất thế giới, Thái Lan vẫn nói không với đảng Xanh

Bất chấp tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Thái Lan, các chính trị gia có quan điểm chống biến đổi khí hậu đang chật vật để thu hút sự ủng hộ tại quốc gia này.

Di chuyển giữa những con phố bụi bặm và nóng bức của thủ đô Bangkok, các ứng viên thuộc phong trào xanh chật vật để kêu gọi sự ủng hộ trước cuộc bầu cử tại Thái Lan, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm kỷ lục không gây được nhiều sự chú ý tại quốc gia Đông Nam Á.

Theo AFP, trong 3 tháng qua, phần lớn Thái Lan phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Những yếu tố như khói bụi, các vụ cháy rừng và hoạt động nông nghiệp đã tạo ra những luồng không khí độc hại bao phủ thành phố Chiang Mai và thủ đô Bangkok.

Bangkok Post dẫn lời Bộ Y tế Công cộng cho biết hơn 1,4 triệu người đã đổ bệnh ở Thái Lan kể từ đầu năm do ô nhiễm không khí. Chính quyền Bangkok đã thành lập “phòng theo dõi ô nhiễm” - với màn hình hiển thị các kiểu thời tiết và mức độ ô nhiễm - vào năm 2022.

Bất chấp các đợt nắng nóng kỷ lục và các đợt lũ lụt nghiêm trọng do tình trạng nước biển dâng, phong trào xanh và chống biến đổi khí hậu vẫn không thể thu hút cử tri Thái Lan.

"Mọi người biết về tình trạng trên nhưng không hy vọng rằng các chính trị gia có thể giải quyết vấn đề này", nhà sáng lập và lãnh đạo đảng Xanh Phongsa Choonaem trả lời AFP khi đang vận động trước cuộc bầu cử ngày 14/5.

Khi phát những chiếc lá thay vì tờ rơi cho những người qua đường, ông cho biết nhận thức và hiểu biết của công chúng về các vấn đề môi trường đang dần cải thiện.

Nhưng đảng này chỉ có một vài ứng viên tham gia cuộc bầu cử cho Quốc hội có 500 thành viên của Thái Lan.

"Chúng tôi không nhằm đến vị trí thủ tướng, chúng tôi muốn giải quyết vấn đề môi trường", ông Phongsa cho hay.

"Cuộc khủng hoảng sức khỏe công cộng"

Cuộc bầu cử sắp tới của Thái Lan sẽ là sự cạnh tranh giữa phong trào cải cách của những đảng như Pheu Thai hay Move Forward (Tiến bước) và những đảng có đường lối truyền thống - như đảng Palang Pracharath (PPRP) và đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

Nhưng giữa làn sóng cam kết về cải thiện an sinh xã hội của các đảng, các vấn đề về môi trường đã bị bỏ lại phía sau.

Đảng Tiến bước đã công bố đề xuất thúc đẩy tăng trưởng và giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc trợ cấp cho các ngành nông nghiệp và khuyến khích phát triển công nghệ xe điện. Trong khi đó, đảng Pheu Thai cam kết giảm tình trạng đốt nương rẫy trong vòng một năm.

Đảng này, cùng với PPRP và đảng Dân chủ, đều ủng hộ đạo luật Không khí Sạch - được soạn thảo và đề xuất bởi tổ chức nghiên cứu Mạng lưới Không khí Sạch (CAN).

"Đây thực sự là khủng hoảng sức khỏe công cộng", Weenarin Lulitanonda, một thành viên của CAN cho biết, bổ sung thêm rằng khoảng 2 triệu người cần đến sự chăm sóc y tế kể từ đầu năm nay do tình trạng ô nhiễm không khí.

o nhiem khong khi anh 1

Bất chấp tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, vấn đề môi trường không phải là mối quan tâm lớn của các đảng chính trị tại Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử ngày 14/5. Ảnh: Reuters.

Bà Weenarin cảm thấy vui mừng khi giới chính trị gia Thái Lan bắt đầu nói về vấn đề môi trường, nhưng lưu ý rằng những cam kết được các đảng chính trị đưa ra không có tính chi tiết. Theo bà, việc thông qua những đạo luật về vấn đề này mới là điều cần thiết nhất.

Là một nhà vận động lâu năm về giảm ô nhiễm không khí, Weenarin cho biết nhận thức ngày càng cao của cử tri về vấn đề này là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo người dân không nên coi vấn đề này tách biệt với tăng trưởng kinh tế, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo tính dân chủ.

"Những mục tiêu này có thể được thực hiện một cách đồng thời, vì đảm bảo sức khỏe cố gắng sống sót là điều kiện rất quan trọng trước khi chúng ta có thể nghĩ về những vấn đề khác", bà nhận định. "Chống ô nhiễm không khí phải là vấn đề được đặt trước những lợi ích về kinh tế và chính trị".

Theo Danny Marks, trợ lý giáo sư về chính sách môi trường tại Đại học thành phố Dublin, việc cản trở thay đổi mang tính thực chất là một phần của hệ thống chính trị tại Thái Lan, nơi những người giàu có sử dụng các mối quan hệ để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Ông nói hoạt động đốt ruộng của người nông dân thường bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng những người hưởng lợi nhiều nhất lại là các tập đoàn đa quốc gia tại Thái Lan.

"Tôi nghĩ những đảng chính trị luôn là đồng minh của các công ty lớn", Marks cho hay, nói thêm rằng ngay cả những đảng đối lập như Pheu Thai chưa bao giờ ưu tiên vấn đề về môi trường hay chống ô nhiễm không khí.

Lắng nghe người dân

Thành phố Chiang Mai, địa điểm yêu thích của khách du lịch, trong năm nay đã cả thế giới biết đến bởi một vấn đề khác. Thành phố miền Bắc của Thái Lan thường xuyên vượt qua những điểm nóng như Bắc Kinh và Delhi để trở thành đô thị ô nhiễm nhất trên thế giới.

Verapol Charasirilert là một sinh viên tại Chiang Mai nhưng đã buộc phải trở về thủ đô Bangkok do tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

"Tôi không nghĩ các đảng chính trị ở Thái Lan đã đề xuất đủ các chính sách về môi trường", cậu sinh viên 19 tuổi trả lời AFP, bổ sung thêm rằng bản thân có ý định bỏ phiếu cho đảng Tiến bước.

o nhiem khong khi anh 2

Một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy cử tri Thái Lan muốn các chính trị gia của nước này chú ý nhiều hơn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.

Trong nhiều tháng qua, một số thành phố ở Thái Lan đã không ít lần phải đưa ra khuyến cáo cư dân ở trong nhà để tránh ô nhiễm.

Hồi đầu tháng 3 quan chức của Y tế Công cộng ở thủ đô Bangkok kêu gọi trẻ em và phụ nữ mang thai ở trong nhà, đồng thời khuyến cáo bất cứ ai ra ngoài nên đeo khẩu trang N95 chất lượng cao, theo AFP.

Trong một đợt ô nhiễm cao điểm khác vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, chính quyền thành phố kêu gọi mọi người làm việc tại nhà.

Một báo cáo về khí hậu của ISEAS và Viện nghiên cứu Yusof Ishak vào năm 2022 cho biết khoảng 66% cử tri Thái Lan cảm thấy các đảng chính trị không dành đủ sự ưu tiên cho vấn đề bảo vệ môi trường.

Là người đứng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí, Rungsrit Kanjanavanit - một bác sĩ tim mạch ở Chiang Mai - đồng tình với nhận định trên.

"Các nhà lập pháp cần phải nắm rõ những thông tin khoa học về tình trạng này và nhận ra tầm quan trọng của việc đấu tranh chống ô nhiễm môi trường", vị bác sĩ cho biết. "Người dân đã nhiều lần lên tiếng và họ bắt đầu lắng nghe chúng tôi".

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chiang Mai ô nhiễm nặng, người dân được khuyên làm việc từ xa

Nhà chức trách hôm 7/4 kêu gọi người dân ở thành phố Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan ở trong nhà và làm việc tại nhà khi ô nhiễm không khí tăng vọt đến mức nguy hiểm.

Ô nhiễm giáng đòn mạnh vào du lịch Chiang Mai

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Thái Lan, đặc biệt là thành phố Chiang Mai, ngày càng tồi tệ. Đến nay, Thái Lan và các quốc gia láng giềng vẫn chưa thể thống nhất cách giải quyết.

An Bình

Bạn có thể quan tâm