![]() |
Người nhà bệnh nhân dùng lưỡi lam cắt sâu vào 5 đầu ngón tay. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân 115. |
Gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ rầm rộ một phương pháp được cho là "chữa đột quỵ tại chỗ" bằng cách chích máu từ đầu ngón tay, dái tai của nạn nhân, chỉ với một cây kim. Phương pháp này khiến không ít người hoang mang, thậm chí lầm tưởng đây là cách sơ cứu hiệu quả.
Theo nội dung lan truyền, khi thấy ai đó có dấu hiệu đột quỵ, người xung quanh không nên di chuyển bệnh nhân mà phải giữ nguyên tại chỗ, sau đó dùng kim tiêm hoặc kim may chích vào 10 đầu ngón tay, rồi dái tai, nhằm "giúp máu lưu thông" và khiến bệnh nhân "tỉnh lại sau vài phút".
Đáng chú ý, bài viết còn khuyên nên trì hoãn đưa bệnh nhân đến bệnh viện vì "di chuyển khiến mạch máu não vỡ tung".
Phản khoa học
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, khẳng định đây là thông tin vô căn cứ, hoàn toàn không có giá trị y khoa và đặc biệt nguy hiểm nếu được tin theo.
"Đột quỵ là tình trạng khẩn cấp tối cao. Việc cấp cứu phải được tiến hành càng sớm càng tốt, bởi mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào não có thể chết đi. Chậm trễ chỉ vài phút vì tin vào mẹo lan truyền trên mạng có thể khiến bệnh nhân mất cơ hội sống", bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.
![]() |
Bài viết được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội. |
Ông cho biết khi gặp người có dấu hiệu đột quỵ (méo miệng, nói khó, liệt nửa người...), việc cần làm nhất là gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu bệnh nhân ngưng tim thì phải ép tim, nếu bị nghẹt đường thở do dị vật thì xử lý đúng cách, tất cả đều phải theo hướng dẫn sơ cứu chuẩn y khoa.
Người dân tuyệt đối không châm chích, nặn máu hay trì hoãn cấp cứu, vì những hành động này không giúp ích gì trong điều trị đột quỵ, thậm chí còn làm mất "giờ vàng" cứu sống người bệnh.
Đừng để "mẹo" trên mạng lấy đi mạng người
Theo bác sĩ Mạnh, trong thời đại mạng xã hội phát triển, thông tin giả mạo, thiếu kiểm chứng rất dễ lan rộng và gieo rắc hiểu lầm. Với các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, mọi sự can thiệp phải dựa trên cơ sở y học.
"Cứu người không thể theo cảm tính hay kinh nghiệm truyền miệng", ông nói.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo các phương pháp "thần kỳ" kiểu truyền miệng không những vô dụng mà còn đánh lừa cảm giác an toàn, khiến người thân không đưa bệnh nhân đi viện kịp thời. Hậu quả là tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
"Nếu bỏ lỡ 'giờ vàng' điều trị, khả năng cứu sống và hồi phục sẽ giảm sút nghiêm trọng", bác sĩ Mạnh nói.
![]() |
Bác sĩ Cúc can thiệp mở khí quản cho bệnh nhân đột quỵ não mức độ nặng, liệt chân tay, khả năng hô hấp yếu, không thể tự thở. Ảnh: Việt Linh. |
Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Thị Cúc, khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay nhiều bệnh nhân nhập viện quá muộn, khi tình trạng đã nghiêm trọng, hôn mê sâu, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa tính mạng.
"Những người may mắn vượt qua cơn đột quỵ cũng có nguy cơ cao để lại di chứng tàn phế nặng nề. Vì vậy, bác sĩ nhấn mạnh việc tầm soát đột quỵ sớm là rất quan trọng, không nên chờ đến khi có bệnh mới chữa", bác sĩ Cúc nói với Tri Thức - Znews.
Đột quỵ có thể xảy ra do vỡ dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp không kiểm soát, nhưng những nguy cơ này hoàn toàn có thể phát hiện trước nếu thực hiện tầm soát kịp thời.
Bác sĩ Cúc giải thích nếu bệnh nhân có dị dạng mạch máu hay phình mạch, các bác sĩ có thể phát hiện khi chụp mạch máu não. Nếu phát hiện phình mạch hoặc dị dạng mạch trước khi vỡ, có thể can thiệp sớm để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, khi gặp trường hợp đột quỵ, người dân có thể lưu ý các tình huống sau để xử lý kịp thời:
- Trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo: Nếu người bệnh không rối loạn hô hấp, không mất ý thức, không nôn trớ, hãy đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
- Trường hợp bệnh nhân hôn mê: Kiểm tra mạch đập và hơi thở của bệnh nhân. Nếu ngừng thở hoặc mất mạch, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức, đồng thời gọi cấp cứu khẩn cấp.
- Trường hợp bệnh nhân nôn trớ hoặc có dị vật: Người sơ cứu cần loại bỏ dị vật để khai thông đường thở, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Các bác sĩ nhấn mạnh tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc hay di chuyển mạnh khi chưa có hướng dẫn từ nhân viên y tế, vì điều này có thể khiến tình trạng nặng hơn. Thời gian cấp cứu đóng vai trò quan trọng, đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm, khả năng phục hồi càng cao.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.