Vào gần nửa đêm 11/5/2006, cảnh sát nhận một cuộc gọi báo án mạng từ phố Sudbury, phía tây bắc thủ đô London (Anh). Nạn nhân là nữ cảnh sát Nisha Patel-Nasri, người sở hữu một tiệm tóc và một công ty cho thuê ôtô.
Khi cảnh sát tới nơi, họ thấy máu của nạn nhân trong phòng khách và trên vỉa hè. Hiện trường cho thấy hung thủ đâm cô một nhát khá sâu ở háng. Sau đó nạn nhân chạy ra ngoài và ngã xuống trên vỉa hè. Cô tử vong ngay sau khi tới bệnh viện vì mất quá nhiều máu.
Hôm sau, vụ án mạng của cô trở được giới truyền thông quan tâm.
Câu chuyện của các nhân chứng
Fadi Patel, chồng của nạn nhân, không ở nhà vào thời điểm án mạng xảy ra vì anh ta chở một người bạn đến câu lạc bộ bi-a. Đồ đạc trong nhà không xáo trộn và hung thủ không lấy tiền hay bất cứ thứ gì. Nhưng ở trong bếp, một con dao khá to biến mất. Fadi cũng nói rằng một chìa khóa cửa không còn.
Một phụ nữ sống gần đó thấy người đàn ông chạy từ phía nhà nạn nhân ra đường sau khi nữ cảnh sát kêu cứu. Nhân chứng mô tả người đàn ông có vóc dáng đậm, trông giống dân gốc Phi hoặc Caribbe. Anh ta đội mũ trùm đầu và không quay đầu lại khi Nisha kêu la.
Hai nhân chứng khác kể rằng họ gặp gã đàn ông có ngoại hình tương tự tới hai lần ở những vị trí khác nhau quanh ngôi nhà nạn nhân trước khi án mạng xảy ra. Lời kể của họ cho thấy nghi phạm đã lảng vảng gần nhà nạn nhân nhiều lần trước khi gây án.
Nữ doanh nhân kiêm cảnh sát Nisha Patel-Nasri và chồng, Fadi Patel. Ảnh: Evening Standard. |
Katen Nasri, anh trai của nạn nhân, sống ở phố bên cạnh. Anh kể rằng 5 ngày trước khi án mạng xảy ra, hai gã đàn ông lạ đã cố gắng lừa Nisha mở cửa. Khi thấy cô không mở, chúng đã cố dùng thanh sắt để cậy cửa nhưng không thành. Sau vụ việc, Katen khuyên Nisha sang nhà anh để bảo đảm an toàn, nhưng cô từ chối.
Vì hung thủ tấn công Nisha trong phòng khách nhưng lại không lấy tiền hay đồ đạc, nhóm điều tra loại trừ khả năng hung thủ đột nhập vào nhà để cướp tài sản, và ban đầu hắn không có ý định sát hại Nisha.
Theo Fadi cung cấp, vài ngày trước khi án mạng xảy ra, anh ta nhận cuộc gọi từ một phụ nữ ở Scotland, với nội dung đe dọa tính mạng của cả Fadi và Nisha. Theo Fadi, anh và người phụ nữ kia liên quan tới một thương vụ kinh doanh.
Nisha và chồng điều hành một công ty cho thuê ôtô. Họ từng đồng ý bán một chiếc xe cho công ty của người phụ nữ ở Scotland, nhưng sau đó Fadi vi phạm hợp đồng để lấy lại xe nên người phụ nữ rất tức giận. Nhóm điều tra đề nghị Fadi trao điện thoại để họ tải đoạn ghi âm cuộc gọi giữa người phụ nữ và Fadi sang máy tính.
Những bước đột phá
Ngày 25/5/206, cảnh sát tìm thấy một con dao bên dưới cống ngầm ở phố Harrowdene, London. Kết quả phân tích cho thấy nó chính là hung khí gây án. Họ thông báo tin đó cho Fadi và Katen, nhưng không công bố với giới truyền thông.
Ngay sau đó, Fadi liên tục gọi điện thoại tới nhóm điều tra để hỏi về kết quả tìm manh mối trên con dao. Tuy nhiên, kết quả khiến nhóm điều tra thất vọng. Một dấu vân tay trên con dao thuộc về Nisha, còn một dấu vân tay khác thuộc về một người bạn của cô. Song người bạn đã tới nhà cô từ vài tuần trước án mạng.
Kết quả theo dõi hình ảnh từ những camera gần cống ngầm trên phố Harrowdene cho thấy một xe Audi A4 đã tới gần đó, dừng lại khoảng 8 giây để người trong xe vứt dao xuống cống rồi tiếp tục di chuyển. Hình ảnh quá mờ nên nhóm điều tra không thể nhìn rõ biển số, song họ thấy một điểm khác biệt: Chiếc xe có ăng ten trên nóc.
Việc Fadi nộp điện thoại cho nhóm điều tra vô tình giúp họ phát hiện một manh mối bất ngờ. Các bức ảnh trong điện thoại cho thấy Fadi đã ngoại tình với một phụ nữ da trắng. Như vậy, cảnh sát có thêm một nghi phạm. Tên cô ta là Laura Mockiene, một phụ nữ gốc Lithuania, tới London để hành nghề mại dâm hợp pháp. Rất có thể động cơ gây án của Laura là đoạt mạng Nisha để cô ta có thể sống bên Fadi mãi mãi.
Mối tình vụng trộm của Fadi với Laura khiến nhóm điều tra tìm hiểu anh ta kỹ hơn. Fadi từng vào tù 8 tháng vì lái xe ẩu. Khi quen Nisha, anh ta điều hành đường dây gái bao và Nisha không thích công việc đó. Nisha thuyết phục Fadi bỏ đường dây gái bao để tiếp tục quan hệ yêu đương. Sau đó, họ thành lập công ty cho thuê xe hơi với toàn bộ vốn thuộc về Nisha.
Trên thực tế, Nisha vay tiền người thân trong dòng họ để mua những chiếc xe cho công ty. Nisha cũng chi 40.000 bảng để mua ngôi nhà mà hai người đang cư trú. Fadi không góp một xu vào ngôi nhà và công ty.
Vị trí con dao đoạt mạng Nisha mà cảnh sát tìm thấy trong một hố thoát nước ở phố Harrowdene, thành phố London. Ảnh: Central News. |
Bạn bè, người thân của Nisha kể rằng cô từng thú nhận Fadi không chú tâm kinh doanh, mà chỉ mê chơi bời. Anh ta rất vô kỷ luật, hay đến các cuộc hẹn muộn và hoạt động không theo giờ giấc.
Cảnh sát cũng phát hiện danh bạ điện thoại của Fadi chứa số điện thoại của nhiều phần tử xã hội đen. Gần thời điểm án mạng xảy ra, một đại ca ma túy da đen khét tiếng có tên Roger Leslie đã liên lạc nhiều lần với Fadi qua điện thoại. Roger có ngoại hình cao, đậm - khá giống nghi phạm mà các nhân chứng đã thấy.
Mối liên hệ của Fadi với giới giang hồ
Hồi đầu tháng 12/2006, cảnh sát bắt Roger Leslie để thẩm vấn. Roger khẳng định hắn không liên quan tới án mạng.
Người thân của Nisha cung cấp cho nhóm điều tra số điện thoại mới mà anh ta sử dụng sau khi nộp điện thoại cho cảnh sát. Kết quả theo dõi quá trình sử dụng số điện thoại của Fadi cho thấy anh ta gọi Roger tới 6 lần trong khoảng thời gian từ khi cảnh sát phát hiện con dao dưới cống tới khi cảnh sát bắt Roger. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Roger gọi Fadi hai lần.
Dữ liệu từ trạm thu phát sóng cho thấy điện thoại của Roger ở cách hiện trường vụ án hàng chục km vào thời điểm án mạng xảy ra. Tuy nhiên, trong buổi tối mà Nisha mất mạng, Roger lại gọi điện thoại liên tục cho một gã giang hồ da màu có tên Tony Emmanuel. Điểm đặc biệt là Tony sở hữu một chiếc xe Audi A4 với đặc điểm rất giống xe Audi A4 dừng lại ở nơi con dao được phát hiện.
Tony thừa nhận hành vi lái xe Audi A4 tới gần nhà của Nisha vào tối 11/5/2006 nhưng anh ta khẳng định gã không liên quan tới vụ án mạng. Theo Tony, anh ta đi cùng Jason Jones, một cựu tù nhân cao lớn từng đối mặt tới 75 tội danh hình sự, tới phố Sudbury. Tony khẳng định Jason đã đột nhập vào nhà của Nisha và Fadi.
Nhóm điều tra nhận định Fadi đã thuê Roger tổ chức vụ đoạt mạng vợ. Sau đó Roger thuê Jason ra tay và điều động Tony chở tên sát thủ tới nhà Fadi.
Hợp đồng bảo hiểm trước án mạng
Song một câu hỏi mà nhóm điều tra cần giải đáp: Vì sao Fadi muốn vợ chết? Quá trình điều tra tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của Fadi, Nisha cho thấy họ đang gặp khó khăn về tài chính, với khoản nợ lãi tín dụng lên tới 80.000 bảng.
Ngoài ra, chỉ vài tuần trước khi Nisha qua đời, Fadi đã mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ. Nếu Nisha tử vong, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường 350.000 bảng và Fadi là người thụ hưởng. Cùng với ngôi nhà, tiệm tóc và công ty, Fadi sẽ thụ hưởng gần 500.000 USD sau cái chết của Nisha.
Roger Leslie, một đại ca giang hồ buôn ma túy ở London. Ảnh: The Sunday Times. |
Hồi tháng 2/2007, cảnh sát bắt Fadi Patel với cáo buộc sát hại Nisha. Tuy nhiên, Fadi áp dụng chiến thuật im lặng. Nghi phạm Jason cũng im lặng hòng gây khó khăn cho nhóm điều tra. Bất chấp sự ngoan cố của 4 nghi phạm, phiên xử họ vẫn diễn ra vào tháng 2/2008.
Sau 4 tháng, tòa án ra phán quyết Fadi Patel, Jason Jones và Roger Leslie lĩnh án tù chung thân. Tòa tha Tony Emmanuel vì tin rằng bị cáo chỉ tham gia kế hoạch giết người với tư cách lái xe và không biết về kế hoạch của Fadi.
Thẩm phán nhận xét rằng bị cáo Fadi Patel đã phản bội niềm tin của người vợ đã yêu hắn hơn cả bản thân cô.
“Nisha luôn là một người vợ chung thủy, yêu chồng và ủng hộ chồng hết mức”, thẩm phán nói. Tuy nhiên, khuôn mặt của Fadi tỏ ra bình thản khi nghe tòa tuyên án chung thân.