Bác sĩ CK.II Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết vừa phẫu thuật lấy chiếc kèn ra khỏi phổi của bệnh nhi Cao Ngọc Bảo (4 tuổi, ở Long An).
Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho khò khè, khó thở, khi ho phát ra tiếng kèn. Chụp CT 3D, các bác sĩ phát hiện dị vật chắn đường thở trong phổi.
Bác sĩ Như chỉ chiếc kèn nằm trong đường thở của bệnh nhi. Ảnh: Khánh Trung. |
"Chiếc kèn nằm trong phổi dễ gây viêm nhiễm nội tạng xung quanh. Hơn nữa, dị vật trong đường thở lâu ngày, khi lấy ra sẽ để lại vết loét, gây xuất huyết phổi, lan ra nhiễm trùng trung thất lên tim", bác sĩ Như nói.
Theo bác sĩ Như, hóc dị vật chặn đường thở rất nguy hiểm, gây thiếu oxy lên não, biến chứng phải cắt phổi, mở động mạch mới gắp ra được.
Trẻ nhỏ hay ngậm đồ chơi trong miệng, khi hít sẽ sặc vào trong phổi, cấp cứu không kịp thời có thể tử vong. Hóc kèn là trường hợp hy hữu, nhưng gần đây mỗi tháng khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Nhi đồng 1) tiếp nhận điều trị cho từ 3-5 trẻ. Nguyên nhân là chiếc kèn gắn không chắc, chạy thẳng vào phổi khi trẻ hít mạnh.
Chiếc kèn được các bác sĩ lấy ra khỏi phổi bệnh nhi. Ảnh: Khánh Trung. |
Người nhà bệnh nhi không biết bé bị hóc từ khi nào, do ở với bà nội. Khoảng 6 tháng trở lại đây, bé ho mãi không khỏi, và khi ho lại phát ra tiếng kèn. Gia đình cho rằng uống nhiều nước, dị vật sẽ ra ngoài theo đường tiêu hóa, và chỉ đưa con đến bệnh viện khi bé ho mãi không khỏi.