Khăn Louis Vuitton trở thành tâm điểm chú ý trên MXH Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: Louis Vuitton. |
Chiếc khăn quàng cổ xa xỉ của một quan chức Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội. Việc người phụ nữ này đeo chiếc khăn Louis Vuitton trong một cuộc phỏng vấn dấy lên cuộc tranh cãi lớn.
Hành động trên được xem là đi ngược lại với chính sách hạn chế nội dung khoe của trên Internet của Trung Quốc, theo Jing Daily.
Người phụ nữ tạo ra cuộc tranh luận lớn trên mạng xã hội Trung Quốc vì đeo chiếc khăn choàng của thương hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton. Ảnh: Weibo. |
Chuyện gì đã xảy ra?
Sau khi chiếc khăn của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton xuất hiện trên sóng, hashtag #femaleofficialwearingLVscarf (tạm dịch: “nữ quan chức đeo khăn LV”) lập tức trở nên thịnh hành trên mạng xã hội.
Người bị chỉ trích là Li Taoyan, Giám đốc Cục Giám sát thị trường thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Chiếc khăn quàng trên cổ bà in monogram của thương hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton, có giá thành khoảng 275 USD.
Bức hình món đồ này thu hút 150 triệu lượt xem trên Weibo, tạo ra “làn sóng” phản ứng dữ dội trên MXH. Li bị cho là xây dựng hình ảnh cá nhân trái ngược với kỳ vọng của công chúng.
“Vấn đề không nằm ở chiếc khăn, mà đến từ sự thiếu nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh cá nhân trước công chúng”, một người dùng để lại bình luận trên MXH.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lên tiếng bảo vệ Li trước làn sóng phản ứng dữ dội. “Có gì sai khi đeo khăn LV?”, một ý kiến xuất hiện trên Weibo.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh công chúng ngày càng kỳ vọng vào cách cư xử, thái độ và hình ảnh cá nhân mẫu mực của những người có sức ảnh hưởng.
Vấn đề tiêu dùng hàng hoá xa xỉ, khoa trương lối sống vương giả bị hạn chế tại Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Ảnh minh hoạ: Louis Vuitton. |
Trung Quốc hạn chế khoe của
Trong những năm qua, người giàu có tại Trung Quốc thể hiện sự yêu thích với phong cách quiet luxury (xa xỉ thầm lặng), lựa chọn trang phục giản dị, ít phô trương hơn khi ra đường. Xu hướng này đến từ các chính sách hạn chế nội dung khoe của trên MXH.
Năm nay, nhiều người có sức ảnh hưởng bất ngờ biến mất khỏi các nền tảng như Weibo và Douyin vì khoe khoang lối sống hào nhoáng, xa hoa. Trung Quốc cho thấy nỗ lực hạn chế phân biệt giàu nghèo, mong muốn thúc đẩy sự thịnh vượng chung.
Nội dung phô trương quá mức trên MXH đều bị kiểm duyệt kỹ lưỡng và gỡ bỏ vì vi phạm quy tắc cộng đồng.
Đối với các thương hiệu xa xỉ, chính sách này tạo ra cả cơ hội và thách thức. Khi Trung Quốc quyết tâm xây dựng môi trường số công bằng, bình đẳng, các nhãn hàng phát triển nhờ lối sống khoe của có thể gặp khó khăn.
Trong khi đó, thương hiệu quảng bá lối sống xa xỉ thầm lặng và hành động tiêu dùng có ý thức nhanh chóng hưởng lợi từ sự thay đổi.
Để phát triển tại Trung Quốc, các hãng cao cấp cần xây dựng chiến lược tiếp thị phù hợp, nhằm chinh phục thói quen mua sắm mới của khách hàng. Việc khuếch trương lối sống vương giả ngày càng lỗi thời.
Các nhãn hàng xa xỉ kinh doanh dựa trên lối sống khoe của gặp khó khăn trước sự thay đổi của xã hội Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: Louis Vuitton. |
Câu chuyện của Li mở ra một bức tranh rộng lớn, khắc họa sự nhạy cảm của công chúng đối với thói quen tiêu dùng hàng xa xỉ.
Đây được xem là lời nhắc nhở đối với các ngôi sao, người có sức ảnh hưởng tại xứ tỷ dân trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân sạch, đẹp trước công chúng.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.