Buổi trình diễn bộ sưu tập Ceramics là lời chào mà nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng (sinh năm 2000) dành cho Tuần lễ thời trang Milan và giới mộ điệu quốc tế.
Về phần mình, Hoàng cho biết đã dành 100% sức lực cho đứa con tinh thần. Khen chê chỉ còn là chuyện của công chúng.
Ngồi lại với Tri Thức – Znews sau khi trở về từ Milan (Italy), nhà thiết kế sinh năm 2000 vén màn chuyện hậu trường của thế giới thời trang hào nhoáng nhưng khốc liệt.
Đây không phải lần đầu Hoàng đến Tuần lễ thời trang Milan, có chăng là bộ sưu tập đầu tiên được trình diễn runway. Bạn có bắt đầu chai sạn cảm xúc?
Nếu không còn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, tôi sẽ kết thúc sự nghiệp nghệ thuật. Hơn nữa, đây cũng là buổi trình diễn runway cá nhân đầu tiên của tôi.
Trước đó, các bộ sưu tập của tôi chỉ được trình chiếu trên nền tảng số, xuất hiện trong những show thời trang nhóm. Dù nhiều lần đặt chân đến Milan, đây là chuyến đi đáng nhớ nhất với tôi.
"Ceramics" giúp Hoàng nhận được tràng vỗ tay kéo dài tại Milan, song lại bị một số khán giả trong nước đánh giá là không phải bộ sưu tập tốt nhất của bạn. Bạn có phiền lòng về điều này?
Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét về tỷ lệ. Vài chục bình luận chê như “muối bỏ biển” đối với hàng nghìn bình luận khen ngợi.
Khen chê là chuyện bình thường trong lĩnh vực nghệ thuật. Không chỉ thời trang, âm nhạc và phim ảnh cũng phải đón nhận những luồng ý kiến đa chiều khi ra mắt.
Để tôi thử đánh giá khái niệm “tốt nhất trong sự nghiệp” theo một cách khác. Đây là bộ sưu tập có sức lan toả nhất, được truyền thông đưa tin nhiều nhất và nhận về sự ủng hộ lớn nhất từ người nổi tiếng trong 10 năm làm nghề của tôi. Như vậy đã đủ tốt chưa?
Tràng vỗ tay kéo dài của hơn 200 khán giả tại buổi trình diễn là câu trả lời khách quan nhất cho câu hỏi này.
Bạn không quan tâm đến những lời chê?
Không hẳn. Điều quan trọng là những lời chê đó đến từ ai.
Vậy bạn đón nhận ý kiến từ ai?
Tôi đọc hết những ý kiến, bình luận của các cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực. Khiếm khuyết là cơ hội chỉnh sửa, dù sao đây cũng là bộ sưu tập runway đầu tiên của tôi.
Có một số nhà phê bình thời trang nói rằng bộ sưu tập này của tôi không khiến họ bất ngờ. Tôi hoàn toàn đồng ý.
Đúng, bộ sưu tập của tôi thiếu đi những thiết kế trưng trổ, tạo ấn tượng mạnh. Song, đây không phải đồ án tốt nghiệp nên tôi muốn kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại.
Hơn nữa, như bạn thấy, Tuần lễ thời trang Milan năm nay chú trọng nhiều đến tính ứng dụng. Tôi đã bám sát tinh thần của sân chơi Milan. Ceramics là bộ sưu tập Ready-To-Wear, không phải Haute Couture, cần tập trung vào tính ứng dụng.
Bên cạnh giới chuyên môn, những người cho rằng “đây không phải bộ sưu tập tốt nhất của Phan Đăng Hoàng” hiển nhiên phải theo dõi hành trình trước đó để so sánh. Ý kiến của họ cũng đáng quan tâm chứ?
Một bộ sưu tập có 42 look, bộ này hợp gu người này, bộ kia chiều ý người khác. Đó vẫn là chuyện bình thường. Tôi tôn trọng sự khác biệt, không thể bắt khán giả thích cả 42 look, cũng không thể ép công chúng yêu tất cả bộ sưu tập.
Hơn nữa, Ceramics được chọn để trình diễn ở một trong 4 tuần lễ thời trang danh giá nhất thế giới, xuất hiện ở địa điểm mang tính lịch sử tại Milan. Đây không phải nơi thích đến là đến, thích đi là đi.
Hoàng làm nghệ thuật vị nghệ thuật hay thiết kế để bán?
Bất cứ thương hiệu thời trang nào muốn tồn tại đều cần doanh số.
Thương mại có phải nỗi trăn trở của bạn?
Câu chuyện thương mại không phải nỗi trăn trở của riêng tôi. Hơn nữa, tôi còn là gương mặt mới, ra mắt trong thời kỳ kinh tế suy thoái.
Tôi cũng mang bộ sưu tập đến trình diễn ở Tuần lễ thời trang Milan, gia tăng giá trị cho các thiết kế, vì thế càng khó thương mại hoá, không dễ tiếp cận số đông khách hàng.
Vậy tại sao bạn không chọn phương án tiếp cận nhắm vào số đông hơn? Thay vì tốn kém để tổ chức show tại Milan, bạn hoàn toàn có thể tiếp thị qua thần tượng K-pop như nhiều thương hiệu nội địa khác?
Tôi không phải các thương hiệu khác. Châu Âu là cái nôi nuôi dưỡng sự nghiệp thời trang của tôi. Các thiết kế của tôi mang đậm màu sắc châu Âu, vì thế khó ứng dụng ở Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tôi biết mình là ai, không thể tự tách bản thân khỏi DNA của chính mình.
Tôi cũng nhìn thấy nhiều thương hiệu khác đưa đồ cho người nổi tiếng mặc. Tuy nhiên, phương pháp này có tốn chi phí không? Có thể có.
Tác động đến các agency hay stylist để ngôi sao mặc đồ là chuyện bình thường trong ngành này. Tuy nhiên, mỗi nhà thiết kế, mỗi thương hiệu có màu sắc, đặc tính riêng.
Đừng hỏi tại sao tôi không giống người này, người kia. Đơn giản, đó không phải là tôi.
Chắc là gia đình khá giả nên Hoàng mới may mắn được đi tu nghiệp ở Milan?
Tôi được gia đình hỗ trợ đi du học, công nhận rằng đó là sự may mắn. Nhưng, gia đình tôi không quá khá giả.
Tôi nhận học bổng ngành thời trang, còn chi phí ăn ở do bố mẹ tiết kiệm, dành dụm mà có. Trước khi xuất hiện trên tạp chí Mỹ nhờ năng khiếu hội hoạ vào năm 16 tuổi, tôi đã miệt mài vẽ tranh nhiều năm và gửi đến hàng trăm tờ báo.
Nếu bàn đến chuyện may mắn, tôi sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, không có nhiều cơ hội tiếp xúc với thời trang giống các bạn ở đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Tôi đang thiếu may mắn hơn nhiều người chứ.
Đến giờ, tôi vẫn chưa tìm kiếm được đối tác kinh doanh cho thương hiệu của mình. Đó cũng là một sự thiếu may mắn.
Nếu không phải nỗ lực tự thân, tôi là ai để các tờ báo tìm đến phỏng vấn, là ai để được Forbes liệt kê vào danh sách 30 Under 30 Asia, gồm các tài năng dưới 30 tuổi trong nhiều lĩnh vực ở châu Á. Đó không phải là nơi “người nhà” tự tung hô nhau.
Ngoài ra, du học ngành thời trang không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. NTK Công Trí không theo học ở nước ngoài, song vẫn vươn ra biển lớn. Thế giới phẳng hiện nay cho phép người làm thời trang tiếp thị sản phẩm xuyên biên giới một cách dễ dàng. Câu hỏi đặt ra là bạn đã làm đủ hay chưa.
Trong lĩnh vực này, tài năng chưa đủ, nỗ lực chưa đủ, phải có thêm đạo đức mới đủ. Không thể chưa cố gắng đã đòi hỏi mối quan hệ, sự may mắn đến với mình.
Khi nhắc đến vấn đề này, bạn có vẻ bức xúc. Tại sao vậy?
Tôi cho rằng cần bỏ 99% nỗ lực, để nhận thêm 1% may mắn. Ngành công nghiệp thời trang đặc biệt khốc liệt, không có chỗ cho sự than thân trách phận.
Hoàng có hướng đi tương đồng với các nhà mốt quốc tế, đều đặn ra mắt bộ sưu tập. Tuy nhiên, trong khi các thương hiệu lớn có nhiều nhân sự thiết kế, bạn chỉ sáng tạo một mình, có đuối sức không?
Tôi thừa nhận cảm thấy kiệt sức ở thời điểm hiện tại. Song, tính thời điểm đối với người làm thời trang đặc biệt quan trọng. Tôi là người biết nắm bắt thời cơ, cần tranh thủ đón nhận sự ủng hộ, quan tâm từ phía công chúng.
Ở giai đoạn này, tôi chấp nhận bào sức. Nhiều người nói rằng trông tôi gầy gò và mệt mỏi khi chào kết show thời trang mới. Nhưng đó mới là khoảnh khắc tôi thấy mình đang sống.
Khoảnh khắc đó có nằm trong tính toán của bạn nhằm thu hút sự chú ý không?
Không. Sàn runway quốc tế không phải nơi để diễn trò hay làm lố.
Nói Hoàng là một nhà thiết kế tỉnh táo có đúng không?
Tôi nghĩ là đúng. Nếu mặc định rằng người làm thời trang phải luôn “trên mây”, chúng ta sẽ không có những bộ sưu tập ra mắt đúng giờ, đúng ngày, đều đặn mỗi mùa mốt. Nhà thiết kế phải có chiến lược cho từng buổi trình diễn, bộ sưu tập, dòng sản phẩm.
Một mình tôi phải sắp xếp một show thời trang ở nước ngoài. Nếu không tỉnh táo, tôi hoàn thành công việc bằng cách nào.
Tỉnh táo không phải là thương mại hoá nghệ thuật. Tỉnh táo để biết mình là ai, cần làm gì và hướng tới đâu.
Z30 là series của Tri Thức - Znews về những người trẻ tài năng dưới 30 tuổi, mang đến câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình theo đuổi đam mê của họ. Đồng thời, Z30 mang đến góc nhìn mới về lối sống, xu hướng tiêu dùng và sở thích của thế hệ trẻ, qua đó phản ánh thế giới quan và những giá trị họ theo đuổi.