Một chiếc taxi tự lái tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ngay trước Triển lãm Công nghiệp Ôtô Quốc tế Thượng Hải (Shanghai Auto Show) năm 2023 - sự kiện diễn ra hồi tháng 4 - hai doanh nhân hàng đầu trong ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc tranh cãi về tương lai của công nghệ xe tự lái.
Tỷ phú Vương Truyền Phúc - nhà sáng lập hãng xe điện BYD - cuối tháng 3 nói rằng tất cả tuyên bố về công nghệ xe tự lái hoàn toàn là điều “vớ vẩn”, theo South China Morning Post.
“Cuối cùng, đó sẽ là công nghệ hỗ trợ tài xế nhưng ở tiêu chuẩn cao hơn”, ông Vương nói. Ông cho rằng ngành công nghiệp xe điện đang bị ám ảnh bởi nhu cầu cạnh tranh trong lĩnh vực này, nhưng thực tế nó không đem lại nhiều giá trị.
Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi BYD ghi nhận doanh số bán xe điện theo quý cao kỷ lục, giúp công ty này tiến thêm một bước vững chắc trong hành trình “tiếm ngôi vương” của Tesla.
Chỉ ba tuần sau, ông Dư Thừa Đông - người phụ trách công nghệ lái xe thông minh của Huawei - phản pháo.
“Hoặc là ông ấy không hiểu công nghệ đó, hoặc ông cố tình nói vậy (để đánh đổ lĩnh vực này)”, ông Dư tuyên bố.
Bất đồng giữa ông Vương và ông Dư không chỉ là tranh cãi khuấy động mạng xã hội Trung Quốc, mà còn thể hiện cuộc tranh luận trong ngành xe điện đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc: Một chiếc xe điện lý tưởng cần có các tính năng nào?
Người dùng cần sự thông minh
Khi xe điện đã được sản xuất đại trà ở quy mô lớn, người Trung Quốc càng ngày càng quan tâm đến mức độ thông minh của xe điện - thay vì quãng đường đi được hay giá thành.
Nhờ những đột phá trong công nghệ pin và cơ sở hạ tầng sạc xe rộng khắp giúp xe điện tại Trung Quốc đi được xa hơn, giúp người tiêu dùng bớt lo ngại về tầm hoạt động - một trong những vấn đề ngăn cản sự phát triển của xe điện trước đây.
Sáu trong số 10 công ty sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới là công ty Trung Quốc. Do đó, các hãng xe Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.
CATL, công ty pin xe điện lớn nhất, hồi tháng 4 đã công bố loại pin xe điện có mật độ lên tới 500 Wh/kg, gấp đôi so với hiện nay. Loại pin này thậm chí có thể cung cấp năng lượng cho một chiếc máy bay hạng nhẹ.
Các hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc năm 2022. Đồ họa: South China Morning Post. |
Trong khi đó, công nghệ pin nhiên liệu hydro cũng đang phát triển đầy hứa hẹn. Theo một khảo sát của Deloitte, hai phần ba số chủ xe Trung Quốc được hỏi cho biết họ ưa thích các công nghệ mới như pin nhiên liệu hydro hay nhiên liệu tổng hợp từ nguồn tái tạo (e-fuels) hơn pin điện thông thường.
“Người trẻ Trung Quốc không còn chỉ coi xe điện là phương tiện. Họ muốn chúng hoạt động như điện thoại thông minh”, ông Cao Hua, một cổ đông tại quỹ đầu tư tư nhân ở Thượng Hải, nói. Công ty của ông Cao có đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và robot tự hành.
“Việc giúp các xe có thể tự lái và thông minh hơn sẽ khiến nhiều người Trung Quốc mua hàng hơn”, ông Cao nhận định.
Sự “thông minh” của phương tiện được thể hiện qua hệ thống còi tự động, khả năng kiểm soát bằng giọng nói, nhận dạng khuôn mặt, liên kết với điện thoại người dùng hay tự đỗ xe.
Tuy nhiên, khả năng quan trọng nhất vẫn là lái tự động. Toàn bộ 10 mẫu xe điện Trung Quốc được đánh giá “thông minh nhất” đều có thể tự lái trong những điều kiện nhất định với sự can thiệp tối thiểu của con người (mức 2 hoặc mức 3 trong thang đánh giá xe tự lái), theo một khảo sát cuối năm 2022.
Chín trong 10 mẫu xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc năm 2022 có tính năng này.
Tính năng trên cho phép xe điện nhận biết môi trường xung quanh nhờ các cảm biến, giúp xe có thể ra quyết định có vượt một xe khác hay không. Tuy nhiên, lái xe vẫn cần chú ý và sẵn sàng kiểm soát tay lái.
"Tự lái hoàn toàn" còn xa vời
Năm 2022 được coi là năm bước ngoặt với ngành ôtô Trung Quốc khi các hãng xe ngày càng tiến gần tới khả năng tự lái, ông Paul Gong, chuyên gia phân tích tại UBS, nói.
“Các công ty Trung Quốc đang phát triển nhanh công nghệ tự lái trong khi cố gắng sản xuất và bán xe ở quy mô lớn”, ông chỉ ra. “Họ đã thể hiện khả năng kiểm soát giá thành. Đây là dấu hiệu đáng hoan nghênh, cho thấy họ đã có bước tiến lớn trong thương mại hóa công nghệ”.
Giới chuyên gia nhận định do dân số đông và lượng phương tiện lớn, Trung Quốc là thị trường béo bở để các hãng xe thu thập dữ liệu phục vụ “đào tạo” công nghệ tự lái. Qua đó, công nghệ này có thể phổ biến tại Trung Quốc nhanh hơn tại các quốc gia khác.
Một xe buýt điện tự lái tại Hợp Phì, An Huy, tháng 10/2022. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Theo Baidu, tỷ lệ xe điện mới tại Trung Quốc đạt cấp độ tự lái thứ hai sẽ tăng lên ít nhất 15% trong ba năm tới. Điều này có nghĩa khoảng 400 triệu chiếc xe thông minh sẽ lăn bánh trên đường phố Trung Quốc.
Baidu cũng đang vận hành một số tuyến taxi tự hành hoàn toàn ở Vũ Hán, Trùng Khánh và Bắc Kinh, chạy trên các tuyến nhất định.
“Năm 2026, khi ôtô thông minh phổ biến hơn, khách hàng sẽ ít quan tâm hơn tới những chiếc xe không có khả năng lái thông minh”, Phó chủ tịch Baidu Lý Chấn Vũ nhận định. “Các hãng cần chuẩn bị trước để bước vào cuộc cạnh tranh mới”.
Luật đường bộ Trung Quốc vẫn chưa cho phép các phương tiện tự lái hoàn toàn lăn bánh trên đường phố - ngoại trừ những tuyến đường riêng được kiểm soát chặt chẽ.
“Xe tự lái hoàn toàn vẫn phải chờ thêm trước khi được đưa ra thị trường”, ông Vương Hiểu Cương, nhà đồng sáng lập kiêm lãnh đạo mảng khoa học của SenseTime - doanh nghiệp cung cấp nhiều sản phẩm quan trọng cho ngành công nghiệp xe tự lái Trung Quốc, nói.
“Sẽ có một ngày các xe tự lái hoàn toàn được coi là an toàn hơn các xe có người lái ngồi phía sau”, ông Vương nhận định.
Sách hay về bức tranh năng lượng thế giới
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn hay về tình hình năng lượng thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Zing giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm: “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực”, “Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới” và “Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân”.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.