Mô hình tuần làm việc 4 ngày được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng kiệt sức của nhân viên, thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu từ bỏ mô hình làm việc truyền thống. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Một chương trình thí điểm quy mô lớn tại Anh vừa cho phép gần 3.000 nhân viên trải nghiệm tuần làm việc 4 ngày mà vẫn nhận đủ lương. Kết quả thu được khả quan khi đa số người tham gia đều bày tỏ sự hài lòng với mô hình mới.
Các công ty tham gia thử nghiệm được tự do lựa chọn cách thức rút ngắn thời gian làm việc, miễn sao nhân viên vẫn nhận đủ 100% lương. Có thể cho nhân viên nghỉ 1 ngày mỗi tuần, hoặc giảm số ngày làm việc trong năm để đạt trung bình 32 giờ/tuần.
Kết quả thử nghiệm cho thấy 15% nhân viên tham gia khẳng định không muốn quay lại làm việc 5 ngày/tuần, bất kể được trả thêm bao nhiêu tiền, theo Washington Post.
Lợi ích của tuần làm việc 4 ngày
Thử nghiệm này do tổ chức 4 Day Week Global phối hợp với nhóm nghiên cứu Autonomy và các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston, Đại học Cambridge thực hiện.
Theo kết quả công bố ngày 24/9, nhân viên cho biết giấc ngủ, mức độ căng thẳng, đời sống cá nhân và sức khỏe tinh thần của họ được cải thiện rõ rệt sau thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày.
Nhân viên làm việc 4 ngày/tuần với mức lương như cũ cảm thấy ít căng thẳng hơn, ngủ ngon hơn, và có nhiều thời gian cho gia đình. Ảnh minh họa: olia danilevich/Pexels. |
Đáng chú ý, doanh thu của các công ty tham gia không hề giảm trong suốt 6 tháng thử nghiệm, thậm chí còn tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cũng giảm đáng kể.
Kết quả khả quan này đã thuyết phục 56 trong số 61 công ty tiếp tục áp dụng tuần làm 4 ngày, 18 trong số đó quyết định chuyển đổi vĩnh viễn.
Giám đốc truyền thông Michelle (49 tuổi) đã mạnh dạn yêu cầu tuần làm việc 4 ngày ngay từ khi ứng tuyển vào vị trí hiện tại. Kinh nghiệm làm việc 3-4 ngày/tuần sau kỳ nghỉ sinh năm 2015 đã khiến cô nhận ra sự khác biệt lớn so với việc làm 5 ngày/tuần trong thời kỳ đại dịch.
"Tôi cảm thấy cuộc sống của mình chỉ xoay quanh công việc", Michelle chia sẻ. Cô gần như kiệt sức và khi hợp đồng kết thúc, cô thẳng thắn yêu cầu các nhà tuyển dụng cho phép làm việc 4 ngày/tuần. Hiện tại, Michelle được nghỉ thứ Sáu hàng tuần và nhận 80% lương.
Không còn phải liên tục cảm thấy tội lỗi vì không đủ thời gian cho gia đình, giờ đây giám đốc truyền thông cảm thấy "dễ thở hơn".
Thành công nhưng còn nhiều hạn chế
Thành công của chương trình thí điểm tại Anh tiếp nối kết quả khả quan từ một thử nghiệm quy mô nhỏ hơn với 30 công ty và 1.000 nhân viên ở nhiều quốc gia. Cũng do 4 Day Week Global điều phối, kết quả của thử nghiệm được công bố vào tháng 11 cho thấy doanh thu tăng, tỷ lệ nghỉ việc giảm và sức khỏe nhân viên được cải thiện.
4 Day Week Global đang nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang mô hình làm việc 32 giờ/tuần mà vẫn đảm bảo lương và phúc lợi.
Thử nghiệm tại Anh với quy mô lớn chưa từng có đã tiếp tục khẳng định những lợi ích vượt trội của mô hình này. Không chỉ cải thiện môi trường công sở, tuần làm 4 ngày còn tác động tích cực đến đời sống cá nhân của người lao động, đặc biệt là trong việc chăm sóc gia đình và thúc đẩy bình đẳng giới.
Kết thúc thí điểm, gần 1/3 nhân viên cho biết họ cần mức lương tăng 26-50% để quay lại làm việc 5 ngày/tuần, 8% thậm chí yêu cầu mức lương cao hơn 50%.
Nhiều công ty từ chối quay lại tuần làm việc 5 ngày sau khi kết thúc thí điểm. Ảnh minh họa: Zachary Bako. |
Mặc dù nhận được nhiều sự ủng hộ, mô hình tuần làm 4 ngày vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng chính sách này chỉ phù hợp với một số ngành nghề nhất định, khó áp dụng cho các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục vốn đang thiếu nhân lực trầm trọng. Bên cạnh đó, nhiều người lao động có nhu cầu làm việc nhiều hơn để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, những người ủng hộ mô hình này lập luận rằng lợi ích của tuần làm việc rút ngắn có thể lan tỏa khắp xã hội, giảm chi phí y tế và lượng khí thải giao thông.
Quan điểm này đang dần phổ biến, với nhiều thử nghiệm quy mô lớn trên toàn cầu. Tại Mỹ, Hạ nghị sĩ Mark Takano đã đề xuất dự luật giảm tuần làm việc tiêu chuẩn từ 40 giờ xuống 32 giờ.
Lịch sử cho thấy việc thay đổi tuần làm việc tiêu chuẩn là hoàn toàn khả thi. Trước cuộc "Great Depression" (Đại suy thoái), người lao động Mỹ thường làm 6 ngày/tuần. Tuần làm việc 40 giờ chỉ mới được luật hóa vào năm 1938. 4 Day Week Global cho rằng "đã đến lúc chúng ta cần cập nhật" mô hình này.
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?