Chợ Dongdaemun là trung tâm của ngành công nghiệp may mặc và thời trang Hàn Quốc. Gần đó là “chợ đen” dành cho những người muốn có đồ thời trang xa xỉ nhưng không đủ tiền mua.
Nơi này được gọi là Dongdaemun Saebit - chợ hàng giả lớn nhất cả nước, theo The Korea Herald.
Bên trong những chiếc lều màu vàng ở chợ Dongdaemun Saebit, đủ loại hàng giả mạo thương hiệu xa xỉ được bày bán. |
Hoạt động chui
Gần lối ra số 2 và 3 của ga Dongdaemun Design Plaza, khoảng 80 căn lều nhỏ màu vàng được dựng san sát nhau, bày bán các mặt hàng thời trang nhái theo nhiều thương hiệu đắt đỏ như Moncler, Thom Browne, Cartier và Rolex. Các sản phẩm đa dạng từ túi xách, quần áo đến giày và đồng hồ.
Bất chấp những lo ngại ngày càng gia tăng về biến chủng Omicron và thời tiết dưới 0 độ C, thị trường đồ giả vẫn nhộn nhịp. Địa điểm này chỉ hoạt động về đêm, từ 21h đến 2h sáng hôm sau, nhưng càng về khuya càng có nhiều người đổ về.
“Đây là mẫu áo khoác dáng dài mới ra mắt của Moncler. Sản phẩm chính hãng có giá khoảng 2,8 triệu won (2.330 USD) nhưng tôi chỉ bán cho bạn 220.000 won thôi. Giảm hết mức rồi! Tuần trước tôi bán 280.000 won đấy”, người bán hàng khoảng 40 tuổi mời chào khi phóng viên liếc nhìn món đồ.
Có rất nhiều “cấp độ” hàng giả, từ nhái rõ rệt cho đến gần giống hệt thiết kế gốc. Một người bán hàng khác chèo kéo khách bằng lời quảng cáo sản phẩm của mình là loại “Ultra A” (hàng giả cao cấp) và có giá thấp hơn 10% so với đồ chính hãng. Khách hàng của người này hầu hết ở độ tuổi 20-40.
Trong khi đó, một số người bán cảnh báo khách mua sắm rằng “không được phép chụp ảnh và ghi âm”. Do việc nhập và bán hàng giả là bất hợp pháp, họ rất để ý điện thoại của khách.
Áo khoác nhái thương hiệu Moncler được bày bán tại chợ Dongdaemun Saebit. |
Người bán và mua chỉ giao dịch bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Hàng hóa được cho vào túi nhựa đen rồi trao tay.
Những chiếc xe tải đậu ngay bên cạnh lều của người bán, dường như sẵn sàng bỏ chạy trong trường hợp cảnh sát ập đến kiểm tra. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hai phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi đang trên đường về nhà, tay xách đầy túi hàng màu đen. Trong lần thứ 3 đến “chợ đen” đồ giả, họ chi khoảng 800.000 won để mua chiếc áo khoác dáng lửng, 2 chiếc túi đeo chéo mini và đôi giày thể thao. Đôi bạn tỏ vẻ hài lòng với việc mua sắm, nói rằng: “Mặc dù đã tiêu tiền, chúng tôi cảm thấy đã tiết kiệm được rất nhiều”.
Chợ Dongdaemun Saebit tấp nập vào đêm 26/1 bất chấp thời tiết khắc nghiệt. |
Cần nâng cao nhận thức
Tại Hàn Quốc, hành vi vi phạm luật bảo hộ thương hiệu có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc nộp phạt 100 triệu won. Chính quyền địa phương đang nỗ lực kiểm soát những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, số lượng giao dịch trái phép ngày càng tăng gần đây.
Ở một số quốc gia châu Âu, người mua hàng giả cũng có thể bị phạt tới 3 năm tù giam hoặc nộp phạt lên tới 300.000 euro (336.800 USD). Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, không có luật nào phạt người mua đồ nhái.
Theo dữ liệu do Cơ quan Hải quan Hàn Quốc tổng hợp, khoảng 467,9 tỷ won túi giả, tương đương 1.866 vụ việc, đã bị bắt giữ từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2021. Louis Vuitton là thương hiệu bị làm giả nhiều nhất, tiếp theo là Chanel, Gucci và Hermes.
Ngành công nghiệp thời trang xứ kim chi cũng chứng kiến số lượng hàng nhái tăng lên trong đại dịch, do mọi người bí mật giao dịch thông qua mạng xã hội.
Túi xách và đồng hồ nhái đủ thương hiệu đắt đỏ xuất hiện tại chợ Dongdaemun Saebit. |
Các chuyên gia lưu ý rằng người Hàn Quốc bị ám ảnh bởi hàng giả.
Theo Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, chủ nghĩa tập thể và xu hướng tiêu dùng phô trương của người dân nước này làm gia tăng nhu cầu của họ.
“Xã hội Hàn Quốc rất nhạy cảm với các xu hướng và để ý lẫn nhau. Để không cảm giác lạc lõng, mọi người chọn theo dõi những cá nhân khác để được tham gia vào nhóm nhất định. Ngoài ra, để trở nên ‘đẳng cấp’ hơn số đông, họ có xu hướng mặc đồ đắt tiền nhằm phô trương bản thân. Nhưng vì chúng có giá quá cao, một số chọn mua đồ giả. Họ thậm chí cảm thấy vui sướng khi lừa được người khác. Xu hướng này khó có thể thay đổi vì mua hàng giả cũng là thói quen tiêu dùng”, chuyên gia này nói.
Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng của Đại học Inha, cho rằng hành vi mua sản phẩm giả của người tiêu dùng xuất phát từ cảm giác cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, chuyên gia này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ.
“Không chỉ buôn bán mà mua hàng nhái cũng là hành động ăn cắp. Luật pháp của đất nước cần được tăng cường để chấm dứt các hành động bất hợp pháp như vậy. Các cơ quan liên quan phải tích cực thông báo cho công chúng rằng hành động đó là sai. Giáo dục người tiêu dùng cũng có thể diễn ra thông qua các chiến dịch khác nhau”, bà nói.