Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cho người nước ngoài thuê tài khoản, phát hoảng vì giao dịch 240 tỷ

Muốn biết các tài khoản mà mình cho thuê hoạt động ra sao, Võ Tiến Trình tới ngân hàng để sao kê, phát hoảng khi thấy lượng tiền giao dịch thông qua các tài khoản này lên tới 240 tỷ đồng.

Ngày 5/9, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Võ Tiến Trình (SN 1989, ở Đà Nẵng) và Võ Quốc Toàn (SN 1992, ở Quảng Bình) lần lượt mức án 4 năm và 30 tháng tù về tội "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng".

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện một số giao dịch bất thường, trong đó 1 tài khoản nước ngoài đứng tên Công ty AP Capital Investment Limited (mở tại VNDirect) và 15 tài khoản đứng tên 15 công ty Việt Nam có các hoạt động giao dịch bất thường.

Trong các giao dịch này, từng cặp tài khoản mở và đóng vị thế thông qua việc giao dịch với nhau trong ngày hoặc trong 5 ngày với cùng khối lượng giao dịch, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, mức chênh lệch giá; đều để lãi cho tài khoản nước ngoài.

Đặc biệt, các tài khoản trong nước mua giá cao, bán giá thấp và chịu lỗ; tài khoản nước ngoài mua giá thấp, bán giá cao và hưởng lãi.

Nguoi nuoc ngoai,  Thue tai khoan,  Giao dich 240 ty,  Capital Investment Limited,  VNDirect,  Ngan hang BIDV,  Ngan hang ACB anh 1

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HM.

Tiền lãi được chuyển vào tài khoản của Công ty AP Capital Investment Limited mở tại Ngân hàng BIDV. Đáng chú ý, các tài khoản nói trên cùng sử dụng chung một địa chỉ IP tại Hồng Kông để đặt lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh. Do vậy, Ủy ban Chứng khoán đề nghị Bộ Công an điều tra, xác minh.

Kết quả điều tra cho thấy vì mục đích lợi nhuận, tháng 1/2021-7/2022, bị cáo Võ Tiến Trình và Võ Quốc Toản đã mượn thông tin của người thân quen để mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và chuyển các tài khoản đó ra nước ngoài để hưởng lợi.

Cụ thể, năm 2019, thông qua mối quan hệ xã hội, Võ Tiến Trình quen biết Wang Yong Quan Wilfred (SN 1984, quốc tịch Singapore). Tháng 1/2021, Wilfred cho biết đang làm việc cho Công ty Mamoru Việt Nam, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) và chứng khoán.

Công ty này do Chiu Cheuk Man (còn gọi Patrick, người Hồng Kông, Trung Quốc) làm Tổng Giám đốc và đồng thời, Patrick còn là Tổng Giám đốc Công ty AP Capital Investment Limited.

Patrick muốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số ở Việt Nam, nên cần có tài khoản để thực hiện giao dịch. Là nhân viên dưới quyền Patrick, Wilfred đặt vấn đề nhờ Trình mở tài khoản rồi chuyển lại cho Công ty Mamoru với giá tương đương 800 USDT/tháng (USDT là một loại tiền kỹ thuật số, giá trị tương đương USD).

Nhận lời, Trình mua sim và điện thoại mới rồi tới Ngân hàng ACB làm thủ tục mở tài khoản cá nhân, Internet banking bằng số điện thoại mới, đồng thời lập tài khoản trên sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Huobi và Binance.

Tất cả tài khoản, mật khẩu sau đó được chuyển cho Wilfred để Công ty Mamoru sử dụng. Sim và điện thoại cũng được chuyển phát sang Trung Quốc cho nhóm Wilfred.

Đến tháng 7/2021, Wilfred tiếp tục nhờ Trình đứng tên thành lập công ty, mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán để chuyển cho Công ty Mamoru dùng đầu tư chứng khoán và tiền công tăng thêm khoảng 400 USDT/tháng.

Wilfred hướng dẫn Trình liên hệ với một công ty luật tại Đà Nẵng để được hướng dẫn làm thủ tục thành lập doanh nghiệp…

Theo lời khai của bị cáo Võ Tiến Trình, cuối năm 2021, vì muốn biết các tài khoản mình cho thuê hoạt động ra sao, bị cáo đã tới Ngân hàng ACB để sao kê. Kết quả, Trình phát hoảng khi thấy lượng tiền giao dịch thông qua các tài khoản này lên tới 240 tỷ đồng.

Cáo buộc cho rằng, tổng cộng Trình đã mở 64 tài khoản chứng khoán kèm 64 tài khoản ngân hàng và được trả 3,3 tỷ đồng. Trừ các chi phí, Võ Tiến Trình hưởng lợi bất chính hơn 2,9 tỷ đồng.

Sau khi Trình nghỉ việc, Võ Quốc Toàn thế chỗ Trình. Cáo trạng xác định Toàn đã lập 16 tài khoản chứng khoán cùng 16 tài khoản ngân hàng, được hưởng lợi 377 triệu đồng.

Liên quan đến vụ án, còn có một số người Việt Nam và nước ngoài khác. Hành vi của những người này có quan hệ mật thiết với nhau. CQĐT đã có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đối với những người nước ngoài nhưng chưa có kết quả nên đã tách hồ sơ để xử lý sau.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Trách nhiệm hình sự, hình phạt và các biện pháp hình sự khác" giới thiệu nội dung lý luận về trách nhiệm hình sự cũng như quy định cụ thể về các biện pháp hình sự trong BLHS của Việt Nam. Một trong 2 nội dung của pháp luật hình sự cũng như BLHS là nội dung quy định về các biện pháp hình sự, gồm hình phạt và các biện pháp hình sự khác bên cạnh nội dung quy định về tội phạm.

https://vietnamnet.vn/cho-nguoi-nuoc-ngoai-thue-tai-khoan-phat-hoang-vi-giao-dich-len-toi-240-ty-dong-2318696.html

T.Nhung/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm