Đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ và tất yếu, chưa từng có ca chọc hút trứng cho F0 nào được hướng dẫn trong y văn. Quyết định vẫn thực hiện chọc hút trứng cho những phụ nữ là F0, F1 được đưa ra không chỉ để tiết kiệm chi phí, công sức và cơ hội của người bệnh. Đó còn là sự dấn thân, chấp nhận rủi ro từ các bác sĩ tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, giống như hàng triệu nhân viên y tế quăng mình vào đại dịch để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân.
- Bác sĩ ơi, chồng tôi vừa test nhanh dương tính với Covid-19!
BS Lê Xuân Nguyên - công tác tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM - lặng đi vài giây khi nhận điện thoại từ người bệnh. Chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1985, giảng viên đại học ở TP.HCM) lập gia đình muộn và mong con suốt 2 năm qua. Theo lịch hẹn, sáng mai, chị Huệ sẽ được thực hiện ca chọc trứng làm IVF sau nhiều ngày tiêm thuốc kích thích buồng trứng. Trong suốt quá trình điều trị, các bác sĩ và vợ chồng chị đều cố gắng hết sức để tránh lây nhiễm Covid-19, và dù có lo lắng nhưng chưa ai từng nghĩ đến việc anh, chị sẽ trở thành F0 ngay trước ngày chọc hút trứng quan trọng này.
Bất ngờ trước thông tin vừa tiếp nhận xen tiếng khóc nghẹn của chị Huệ, bác sĩ Nguyên rối bời.
“Tôi rất hiểu hoàn cảnh của chị, người vợ chưa từng được làm mẹ. Hai anh chị cũng đã lớn tuổi (cùng 38 tuổi), không quá dư dả về kinh tế. Chính vì vậy, nếu phải dừng thực hiện chọc hút trứng và huỷ toàn bộ kết quả của hàng chục ngày tiêm thuốc, chị Huệ không chỉ mất tiền, mất sức khoẻ mà còn có thể mất đi một phần cơ hội làm mẹ khi đã bước vào giai đoạn suy giảm buồng trứng tự nhiên. Ngay tại thời điểm đó, tôi chưa biết nói gì hơn ngoài việc khuyên người bệnh giữ bình tĩnh, hy vọng kết quả RT-PCR âm tính thì chị có thể chọc hút trứng. Chuyện tạo phôi sau đó sẽ chờ khi chồng chị hồi phục sức khỏe. Nhưng chị vẫn khóc rất nhiều”, bác sĩ Nguyên kể.
Ngay sau đó, bác sĩ Nguyên đã liên hệ bộ phận Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm khẩn cấp cho chị Huệ để kịp thời gian chọc trứng. Với lợi thế của hệ thống máy xét nghiệm PCR hiện đại hàng đầu thế giới, chỉ vài giờ sau đó, bác sĩ Nguyên đã có trong tay kết quả xét nghiệm Covid-19 của chị Huệ.
“Khi có kết quả, tôi hụt hẫng vì vẫn hy vọng chị Huệ sẽ âm tính. Nhưng không may, cả hai anh chị đều dương tính”, bác sĩ Nguyên nói.
0h hôm đó, bác sĩ Nguyên buộc lòng báo tin không vui cho chị Huệ và lập tức liên lạc với Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM - để xin ý kiến về tình huống bất ngờ của ca chọc hút đã lên lịch và cần thực hiện chỉ sau vài giờ đồng hồ nữa.
Về mặt chuyên môn, bác sĩ Như và bác sĩ Nguyên đồng thuận hiện chưa có căn cứ để khẳng định Covid-19 có ảnh hưởng lên trứng của người bệnh, không phát hiện bất thường về hình ảnh học, số lượng của trứng/nang noãn qua siêu âm.
Tuy nhiên, về phía bệnh viện, dù có riêng khu vực cấp cứu, điều trị dã chiến cho bệnh nhân F0, vẫn chưa từng có quy trình chọc hút trứng cho F0, bởi đây là điều chưa từng có trong tiền lệ. Việc chuẩn bị “thần tốc” một phòng chọc hút trứng đặc thù theo tiêu chuẩn cao tại IVF Tâm Anh, với từng chi tiết thiết bị riêng biệt, lại càng khó khăn. Ngay cả bàn đựng dụng cụ, nếu bình thường chỉ cần bàn inox vô trùng thì đối với với việc chọc hút trứng, phải là bàn ấm 37 độ. Máy siêu âm cũng phải là máy của chuyên dụng của IVF với những yêu cầu riêng về kỹ thuật…
Xét về hoàn cảnh người bệnh, bác sĩ Nguyên xác định có hai vấn đề khó khăn.
Thứ nhất là người chồng bị tinh trùng yếu. Người vợ đã khá cao tuổi, buồng trứng suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Chị đã chích thuốc đau đớn gần 10 ngày nay. Nếu hủy chu kỳ, không chọc hút trứng ra đúng ngày, vợ chồng chị Huệ không chỉ tốn kém thời gian và tiền của, mà còn đối diện với nguy cơ trứng sẽ tự rụng trong cơ thể, có thể dẫn đến tai biến tương tự như xuất huyết nội trong ổ bụng.
Vợ chồng anh chị ky cóp mãi mới đủ số tiền làm IVF. Nếu phải hủy chu kỳ thì coi như “mất trắng”. Hơn nữa, anh là con trưởng, hai bên gia đình nội ngoại đều rất mong đứa cháu đầu tiên. Ba tuần trước đó, vợ chồng chị Huệ tìm gặp bác sĩ Lê Xuân Nguyên trong sự muộn phiền lẫn áp lực con cái từ 2 bên nội - ngoại.
Điều đáng lo ngại hơn là chị Huệ từng phải chấm dứt thai kỳ do em bé mắc Hội chứng Edwards - căn bệnh di truyền do đột biến nhiễm sắc thể. Vì vậy, theo kế hoạch dự kiến, sau khi kích thích buồng trứng cho vợ và lấy tinh trùng cho chồng để tạo phôi, các bác sĩ sẽ sinh thiết phôi để loại trừ những bất thường của em bé.
Chính vì từng trải qua quá nhiều nỗi bất hạnh, đớn đau như thế, nên việc hủy lịch chọc trứng đối với chị có lẽ là cú sốc vô cùng lớn. “Giữa 2 yếu tố, một bên là cơ hội, chi phí, sức khỏe của người bệnh, một bên là những khó khăn về thời gian, điều kiện chuyên môn và cả nguy hiểm của ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng, khiến chúng tôi trăn trở khi quyết định”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
5h sáng hôm sau, bác sĩ Như, bác sĩ Nguyên cùng các chuyên gia hàng đầu của Hệ thống Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã đưa ra quyết định: Ca chọc trứng cho chị Huệ vẫn tiến hành theo đúng lịch hẹn. Ban lãnh đạo bệnh viện và ê-kíp cùng đồng thuận không bỏ mặc người bệnh trong hoàn cảnh khó khăn này.
“Trước khi quyết định, tôi và bác sĩ Giang Huỳnh Như trải qua những giờ phút quay quắt. Đêm hôm đó, với chúng tôi thật dài, cả chị Huệ cũng thao thức không thể ngủ. Chị nói chị vừa đau về thể xác lẫn mệt mỏi tinh thần, suy sụp hoàn toàn”, bác sĩ Nguyên kể.
8h sáng, bác sĩ Như thông báo ca chọc hút trứng cho người bệnh Covid-19 đến các bộ phận liên quan và gấp rút triển khai khu chọc hút trứng đặc biệt chưa từng được hướng dẫn trong bất cứ tài liệu nào.
“Tôi xúc động không nói nên lời, lập tức điện thoại cho chị Huệ. Chị ấy cũng nghẹn ngào, yên lặng một lúc lâu đến nỗi tôi tưởng sóng điện thoại có vấn đề. Gặp tôi tại bệnh viện, chị lại khóc thêm lần nữa”, bác sĩ Nguyên kể.
Trong vòng 30 phút sau khi nhận công lệnh khẩn từ lãnh đạo Bệnh viện, cả Trung tâm IVFTA-HCM cùng bắt tay xây dựng phòng chọc trứng “dã chiến” tại khu cấp cứu Covid-19.
Tất cả diễn ra trong một giờ, không gian tầng hầm vốn là phòng mổ dã chiến cho F0, nay được chuyển công năng thành phòng thực hiện thủ thuật chọc hút trứng. Tất cả máy móc, thiết bị cần thiết cho quy trình chọc trứng cho F0 được di chuyển xuống căn phòng đặc biệt này.
7 người gồm BS.CKI. Châu Hoàng Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ Lê Xuân Nguyên, hộ sinh trưởng, hộ sinh phó, trưởng phòng lab, 2 nhân viên bộ phận Trang thiết bị, tự tay bưng bê toàn bộ bàn ghế, giường chọc hút từ lầu 7 xuống phòng chọc hút dã chiến. “Không thể chờ đợi các bộ phận khác hỗ trợ vì trước đó người bệnh đã tiêm mũi rụng trứng, 34-40 giờ sau sẽ phải tiến hành chọc hút trứng. Nếu chậm trễ, trứng sẽ rụng”, bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Giang Huỳnh Như thấp thỏm không yên suốt thời gian từ khâu chuẩn bị phòng ốc đến khi hội chẩn bác sĩ gây mê - cái thấp thỏm của người chỉ huy không thể ra chiến trận, bởi chính chị cũng đang phải cách ly F0 tại nhà.
Dù vậy, ê-kíp mổ tham gia ca chọc trứng cho F0 vẫn là những lãnh đạo kỳ cựu nhất, kíp mạnh nhất đang có tại Trung tâm IVF Tâm Anh TP.HCM.
“Khi đương đầu với nguy hiểm và khó khăn, lãnh đạo phải tiên phong. Ngoài ra, người bệnh đang trong tình thế ngặt nghèo, lại nhiễm Covid-19, chắc chắn phải được hỗ trợ bằng những điều tốt nhất, an toàn nhất mà mình có”, bác sĩ Giang Huỳnh Như nhấn mạnh.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cùng ê-kíp IVFTA trong một ca chọc hút trứng cho bệnh nhân hiếm muộn. Ảnh: Như Ngọc. |
Trong ngày 9/3, khi ca chọc trứng cho F0 diễn ra, hai thang máy của bệnh viện đều phải khóa để IVF đưa trứng đi lên đi xuống giữa tầng hầm và tầng 7.
Bác sĩ Như khẳng định đó là sự phối hợp và hy sinh của tất cả khoa, phòng và bộ phận trong một hệ thống, vì mục tiêu chắt chiu cho những mầm sống.
Nhờ điều này, ca chọc trứng cho F0 diễn ra suôn sẻ. 21 nang trứng được lấy ra trọn vẹn, trữ được 15 noãn và 15 noãn đều là noãn trưởng thành.
“Ghé thăm chị Huệ sau khi xong thủ thuật, chị lại khóc nhiều. Tôi động viên chị vì mình không chọn được cái tốt nhất thì cũng chọn được cái tốt nhì, kết quả cuối cùng vẫn là lấy được trứng, có thể tạo phôi khi chồng chị sẵn sàng sức khỏe”, bác sĩ Nguyên mỉm cười.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA), những xu thế mới nhất trên thế giới luôn được đội ngũ chuyên gia nghiên cứu kỹ càng và ứng dụng vào thực tế. Chiến lược điều trị cho bệnh nhân vô sinh chuyển đổi từ tư vấn điều trị từ xa, tiến tới tiếp tục lộ trình kết hợp thay đổi phác đồ điều trị.
Trắng đêm nghiên cứu và kiến tạo quy trình chọc hút trứng cho người bệnh vô sinh nhiễm Covid-19, đối với ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM và bác sĩ Lê Xuân Nguyên, không chỉ là một bước ngoặt mang tính đột phá của một trung tâm có tuổi đời 13 tháng tuổi. Sự quyết liệt của đội ngũ chuyên gia IVFTA-HCM còn bắt nguồn từ tính nhân văn: Tất cả vì lợi ích của người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết, các tài liệu nghiên cứu gần đây cũng như kết luận của hiệp hội lớn về phôi học, thai nhi ở châu Âu cho thấy hiện chưa có những khuyến cáo chống chỉ định, hoãn thực hiện quy trình thụ tinh ống nghiệm khi người bệnh có nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Các tài liệu cũng không ghi nhận tác động của Covid-19 lên trứng, tinh trùng, phôi. Sự ảnh hưởng của Covid-19 đối với nữ ít hơn nam giới. Do đó mới có chuyện phụ nữ F0 vẫn có thể chọc hút trứng dự trữ noãn bình thường. Riêng nam giới F0 vẫn phải chờ đến khi âm tính hoặc từ sau 3 tháng khỏi bệnh mới có thể tiến hành lấy tinh trùng tạo phôi.
Thời gian chọc hút để lấy những trứng tốt nhất là rất ngắn và với những phụ nữ không may hiếm muộn, mỗi nang trứng là niềm hy vọng rất thiêng liêng, nhiều trường hợp là những cơ hội cuối cùng với họ. Đến nay, IVFTA-HCM đã thực hiện chọc hút trứng thành công cho 10 trường hợp nhiễm nCoV.
Từng trải qua nhiều năm công tác tại các cơ sở IVF lớn nhưng khi đến với Trung tâm HTSS BVĐK Tâm Anh, bác sĩ Lê Xuân Nguyên nhận thấy những thế mạnh vượt trội về nhân lực chuyên môn cao, lợi thế cơ sở vật chất và sự nỗ lực ngoài sự mong đợi của tập thể các ê-kíp. Đó chính là yếu tố quan trọng giúp các bác sĩ như anh mạnh dạn đối đầu thử thách.
Trong đó, phòng lab IVFTA-HCM được xây dựng với các tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả thiết bị được nhập khẩu đồng bộ từ các quốc gia có nền y học hiện đại như Đức, Nhật, Mỹ, Đan Mạch… với thế hệ mới nhất, nhiều loại chỉ duy nhất có ở Việt Nam hoặc hiếm có ở Đông Nam Á.
Bên cạnh phòng lab đạt chuẩn ISO 5, IVFTA HCM cũng đầu tư công nghệ nuôi phôi hiện đại với hệ thống thiết bị nuôi cấy phôi quan sát liên tục 360 độ, phần mềm phân tích phôi áp dụng trí tuệ nhân tạo EVA bản quyền FDA duy nhất tại Việt Nam, hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn phôi tốt nhất, giúp tăng khả năng sử dụng phôi nang 70-80%, nâng cao tỷ lệ IVF thành công.
Đặc biệt, các kỹ thuật bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), hỗ trợ phôi thoát màng (AH), nuôi phôi ngày 5; kể cả những kỹ thuật khó như kỹ thuật trưởng thành trứng non (IVM), sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGS), chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) phôi ngày 5, trữ phôi, noãn, tinh trùng, xét nghiệm sinh thiết tử cung Era test xác định chính xác ngày chuyển phôi, điều trị dự phòng viêm niêm mạc tử cung... Những kỹ thuật mà trước đây khách hàng phải ra nước ngoài để thực hiện thì nay có thể thực hiện ngay tại phòng lab của IVFTA.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cũng khẳng định IVFTA đã ghi dấu ấn lớn trong ngành Hỗ trợ sinh sản với tỷ lệ thành công tương đối cao (65-70%). Ngay cả ở những ca khó như hiếm muộn vài chục năm, thất bại liên tiếp hàng chục lần chuyển phôi, bệnh nhân lớn tuổi kèm bệnh lý phức tạp (nam giới không có tinh trùng hoặc tinh trùng bất động, nữ giới mắc buồng trứng đa nang, suy buồng trứng…), tỷ lệ thành công cũng ấn tượng.
Giữa muôn trùng chuyên khoa rộng lớn của ngành y, IVF có lẽ là lĩnh vực mang lại nhiều cảm xúc nhất đối với người thầy thuốc. Họ chứng kiến hạnh phúc tột cùng của cặp vợ chồng khi phôi lớn từng ngày trong bụng, nhưng cũng chính những bác sĩ IVF đôi khi cũng phải đứng giữa nhiều chọn lựa khó khăn.
Như vợ chồng chị Huệ, ban đầu đến IVFTA-HCM với ý định canh giới tính và sinh đôi, nhưng sau khi được tư vấn về mặt trái của câu chuyện liên quan đến sàng lọc giới tính, đa thai, vợ chồng chị đã hiểu và quay lại điều trị.
Thành công của ThS.BS Giang Huỳnh Như, bác sĩ Lê Xuân Nguyên cùng các cộng sự không chỉ dừng lại ở câu chuyện điều trị cho vợ chồng hiếm muộn bị Covid-19, mà còn giúp bệnh nhân hiểu được con cái là cái duyên và thay đổi được những suy nghĩ tiêu cực, chưa đúng về y khoa của bệnh nhân.
“Chúng tôi đặt sự an toàn của người bệnh và những mầm non tương lai là mục tiêu hàng đầu. Tại IVFTA, điểm đích đến sau cùng khi thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản không chỉ là việc có thai thành công mà phải đạt tới mục tiêu bé khỏe, mẹ khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh”, bác sĩ Giang Huỳnh Như nói.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.
Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789).
Bình luận