Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chọi' cao chưa từng thấy, học trò Hà Nội dốc sức ôn thi vào lớp 10

Gần 20 ngày nước rút trước kỳ thi vào lớp 10 THPT, Vân Anh bắt đầu bật chế độ “dồn toàn lực” để ôn thi.

Gần 130.000 sĩ tử của Hà Nội sẽ bước vào mùa thi lớp 10 năm nay với 3 bài thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, thành phố chỉ có 77.000 suất vào các trường THPT công lập.

Có khả năng ở môn Tiếng Anh, dù rất yêu thích trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Vân Anh, học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm, không dám đặt bút đăng ký vào ngôi trường này.

Ôn thi 11 tiếng mỗi ngày

“Quả thực, em đắn đo rất nhiều khi điền nguyện vọng. Cả mẹ và chị gái đều khuyên em cân nhắc kỹ, bởi lẽ để đỗ vào lớp chuyên Anh của trường Ams, hầu hết phải giành từ giải ba thành phố trở lên may ra mới có cơ hội.

Như chị gái em trước đây, từng đạt giải khuyến khích cấp thành phố, dù điểm Toán, Văn điều kiện đều rất cao, nhưng với 7 điểm môn chuyên, chị chỉ có thể đỗ vào lớp chuyên Nga”.

Không có giải thưởng hay thành tích nổi trội, cũng không lọt vào top những bạn học giỏi tiếng Anh nhất trường, Vân Anh lo lắng và quyết định “chuyển hướng” vào giờ chót.

“Sau đó, em đăng ký vào 3 trường là lớp chuyên trường Chu Văn An, chuyên Ngữ và chuyên Sư phạm. Nếu không thể đỗ vào một trong 3 trường này, em muốn theo học tại trường THPT Yên Hòa”.

Tất cả nguyện vọng đã đăng ký, theo Vân Anh, đều khiến em cảm thấy áp lực bởi điểm chuẩn của những trường này trong các năm qua đều không thấp.

“Nếu không thực sự cố gắng, em không còn cơ hội quay đầu. Do vậy, em phải tự rèn cho mình một ‘độ lỳ’ nhất định trong suốt quá trình ôn luyện và cày đề”, Vân Anh nói.

Hoc sinh Ha Noi doc suc on thi anh 1

Đặt mục tiêu cao nên từ đầu tháng 4, nữ sinh lớp 9 bắt đầu “lên dây cót” để tăng tốc ôn thi. Ngoài 2 buổi sáng, chiều học tại trường, Vân Anh còn theo 3 lớp học thêm. Những ngày trong tuần, nữ sinh thường học trên 11 tiếng, từ 7h đến 23h.

Học ngày, cày đêm, luôn trong tình trạng “ngập trong sách vở”, nhưng Vân Anh cho biết ở lớp em, đó là điều “hết sức bình thường”, bởi hầu hết bạn học có nguyện vọng thi vào trường chuyên đều phải ôn luyện như vậy, thậm chí còn khắc nghiệt hơn do phải “chạy sô” 2 lớp học thêm mỗi tối.

Dù không quá áp lực chuyện thi chuyên, đặt mục tiêu vào trường THPT Kim Liên, ngôi trường luôn nằm trong top các trường công lập có điểm chuẩn cao nhất Hà Nội, suốt năm lớp 9, ngày nào, Trịnh Sơn, học sinh trường THCS Đống Đa, cũng phải học từ sớm đến tối muộn, cả ở trường, lớp học thêm và tự học tại nhà.

Năm ngoái, ngôi trường này có mức điểm chuẩn là hơn 50. Như vậy, để có cơ hội trúng tuyển, Sơn cần ít nhất trên 8 điểm mỗi môn.

“Trong các lần thi thử ở trường, điểm của em chỉ dao động quanh mức 7-7,5 điểm môn Văn và Anh, môn Toán có phần hơi đuối hơn. Vì vậy, giai đoạn nước rút, em phải tập trung nhiều thời gian để cải thiện môn này”.

Ngoài trường Kim Liên, Sơn còn đăng ký thêm 2 trường khác là THPT Lê Quý Đôn và THPT Đống Đa. Những trường này đều cần trung bình 7-8 điểm/môn mới có cơ hội đỗ. Tự đặt mình vào áp lực, nhưng Sơn cho rằng điều đó xứng đáng bởi đây chính là “bước ngoặt quan trọng của cuộc đời”.

“Nếu em vào ngôi trường tốt, cơ hội đỗ vào đại học tốt sau này cũng dễ dàng hơn”.

Tuy nhiên, nam sinh thừa nhận việc phải ôn luyện liên tục, có khi tới 1-2h sáng khiến em thường xuyên không ngủ đủ giấc, luôn trong trạng thái mệt mỏi.

“Có những ngày, em cắn vội miếng bánh mì để chạy tới lớp học thêm. Dù học miệt mài, đôi khi, em vẫn rơi vào cảm giác thiếu kiến thức. Chỉ còn gần một tháng ôn thi nước rút, em không muốn lãng phí bất kỳ giây phút nào”, Sơn nói.

Giáo viên cũng làm việc hết công suất

Những ngày này, tại trường THCS Chu Văn An (Long Biên, Hà Nội), không khí ôn thi vào lớp 10 diễn ra rất ráo riết. Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết các thầy cô giáo phụ trách khối 9 đã phải làm việc “hết công suất” để đồng hành cùng học sinh chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.

Theo thầy Tuấn, năm nay, khoảng hơn 25% học sinh của trường lựa chọn đăng ký vào các trường chuyên như Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An hay Khoa học Tự nhiên… Ngoài ra, nhiều em có học lực giỏi lựa chọn đăng ký vào một số trường THPT có điểm chuẩn thuộc top đầu như Phan Đình Phùng, Trần Phú.

Còn lại, đa phần học sinh lựa chọn đăng ký vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều - cũng là một trong những trường có điểm chuẩn cao nhất nhì ở khu vực Long Biên.

“Mặt bằng chung học sinh của trường có học lực khá, giỏi nên các em thường lựa chọn những trường có mức cạnh tranh cao. Do đó, ít nhiều, phụ huynh và học sinh có áp lực nhất định.

Mặt khác, lứa học sinh năm nay phải chịu nhiều thiệt thòi về ảnh hưởng của dịch bệnh. Do vậy, thầy cô khối 9 đều rất cố gắng để bù đắp nội dung chương trình, củng cố kiến thức. Nhà trường luôn đồng hành, tư vấn để việc chuyển cấp không làm các em quá áp lực”, thầy Tuấn nói.

Tại trường THCS Đống Đa, cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết kể từ cuối tháng tư, nhà trường đã hoàn thành kế hoạch dạy học cho học sinh lớp 9 và bắt đầu bước vào giai đoạn ôn tập.

“Hiện tại đang là giai đoạn tăng tốc để về đích. Do đó, nội dung ôn tập thường theo chuyên đề và luyện các dạng đề thi vào lớp 10. Điều này nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng và làm quen với việc phân bổ thời gian trong quá trình làm bài”.

Để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho từng đối tượng học sinh, trường THCS Đống Đa phân loại học sinh theo năng lực để có giải pháp phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, theo cô Hồng, trường đã tổ chức thi thử 2 vòng cho học sinh được cọ xát với cấu trúc đề tương tự như đề thi của sở GD&ĐT. Từ đó, học sinh quen thuộc hơn với các bài thi và tự đánh giá năng lực của mình đang ở mức độ nào. Giáo viên sau đó cũng chấm, chữa trực tiếp để học sinh rút kinh nghiệm.

“Với số lượng hơn 60% học sinh sẽ vào các trường THPT công lập, trong quá trình ôn tập, giáo viên nhà trường phải có sự tư vấn và định hướng phù hợp để học sinh có thể chọn trường theo sức học của mình.

Năm nay là năm học đặc biệt bởi chưa có năm nào học sinh phải học online nhiều tới vậy; cũng chưa năm nào khai giảng lại diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Hiệu quả của việc học online chắc chắn không thể bằng trực tiếp. Do vậy, khi trở lại trường, phụ huynh, học sinh, giáo viên đều cảm thấy áp lực.

Nhưng qua các cuộc họp, ban giám hiệu đều động viên thầy trò không nên tạo áp lực cho mình. Và dù có thế nào, vẫn còn rất nhiều cánh cửa sẽ mở ra”.

Sĩ tử rơi vào cảm xúc tiêu cực vì áp lực phải đỗ

Các sĩ tử đang tích cực ôn luyện từ sáng đến khuya những ngày cuối cùng. Đây là thời gian “vàng” để “chạy nước rút” nhưng không tránh khỏi những áp lực, căng thẳng và lo âu.

https://vietnamnet.vn/choi-vao-lop-10-cao-chua-tung-thay-hoc-tro-ha-noi-doc-suc-on-thi-2024049.html

Thúy Nga / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm