Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sinh viên dồn sức học để sau này đỡ ‘mệt’

Xác định trước nếu chỉ học ở trường, sau này đi làm sẽ phải học thêm nhiều, sinh viên tranh thủ học song ngành hoặc học thêm ngoại ngữ.


sinh vien hoc song nganh anh 1

Năm 2018, Bảo Ngọc (Hà Nội) trúng tuyển ngành Quản trị văn phòng của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, đến đầu năm 2, bạn bè bất ngờ khi thấy Ngọc đăng ký học bằng kép khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trong khi đó, dù không học song bằng, Xuân Vũ (Bắc Kạn) vẫn tranh thủ học thêm tiếng Anh, tiếng Trung Quốc cùng các kỹ năng khác khi đang là sinh viên năm cuối ngành Quản trị du lịch và Lữ hành. Đây cũng là lựa chọn của Nguyễn Đào (Hà Giang) với ước mơ làm biên - phiên dịch tiếng Trung.

Dồn sức để có hai bằng đại học cùng lúc

Gần 4 năm trước, với dự định ra trường làm hành chính - văn phòng, Bảo Ngọc lựa chọn theo đuổi ngành Quản trị văn phòng. Tuy nhiên, sau khi học hết năm nhất, được bố mẹ định hướng và mong muốn có thêm cơ hội việc làm khi ra trường, Ngọc quyết định học thêm ngành Luật.

Khi quyết định học thêm một ngành nữa, Ngọc cũng đã cân nhắc rất nhiều xem có nhất thiết phải học thêm ngành nữa không. Bên cạnh đó, học thêm một ngành nghĩa là cô sẽ vất vả hơn, phải dồn sức cho việc học, quỹ thời gian nghỉ ngơi hay tham gia các hoạt động bên ngoài sẽ hạn chế hơn.

Chưa kể, học phí cũng là một điều để Ngọc cân nhắc khi bố mẹ cô đều là công chức Nhà nước. Ngọc lại không thể đi làm thêm bởi lịch học sẽ dày đặc.

Tuy nhiên, Ngọc cho biết ngành học thứ hai bổ trợ rất nhiều cho ngành học đầu tiên của cô bạn. Khi học Luật, Ngọc không chỉ có thêm cơ hội khi xét tuyển, thi tuyển vào các cơ quan Nhà nước mà việc hiểu về Luật còn giúp ích rất nhiều trong công việc sau này. Nếu ngành một là nền tảng vững chắc, chắc chắn, ngành hai sẽ là nguồn lực để Ngọc tiến xa hơn.

“Trong cùng một thời gian, cùng một địa điểm, tại sao mình lại không nắm lấy cơ hội để gấp đôi thành tích, có 2 bằng đại học chính quy một lúc, như vậy cũng sẽ nhiều cơ hội hơn các đối thủ khác”, Ngọc chia sẻ về quyết định học song ngành của mình.

Học ngoại ngữ không bao giờ thừa

Cùng tâm lý tranh thủ thời sinh viên để học hỏi, với định hướng làm công việc liên quan đến du lịch, Xuân Vũ xác định ngoài việc học các kiến thức về du lịch ở trên trường, để làm được hướng dẫn viên hay điều hành tour, cậu phải biết ngoại ngữ. Nam sinh cho rằng để ra trường mới học là quá muộn.

Vì thế, ngay từ năm hai, Vũ chăm chỉ học tiếng Anh để vừa là điều kiện tốt nghiệp vừa vận dụng vào công việc sau này. Đồng thời, Vũ tranh thủ học song song tiếng Trung. Đây là sở thích và là cách để cậu tìm hiểu về văn hóa. Vũ tin khi nắm chắc kiến thức, kỹ năng về du lịch, lại biết 2 ngoại ngữ, cậu sẽ có nhiều cơ hội phát triển công việc hơn.

“Học thêm ngoại ngữ không bao giờ là thừa. Giao lưu với các đối tác quốc tế, dẫn đoàn du lịch trên khắp thế giới hay chỉ đơn giản là biết thêm nhiều văn hóa của các quốc gia cũng đã là lý do để mình học ngoại ngữ”, Vũ chia sẻ.

Cùng quan điểm với Vũ, Nguyễn Đào cho rằng học thêm ngoại ngữ không bao giờ là thừa, nhất là cô dự định làm biên - phiên dịch tiếng Trung.

Đào học ngành một là Văn học. Tuy nhiên, đến đầu năm tư, xác định với ngành học này, lựa chọn nghề nghiệp sẽ không nhiều, mức lương ở các vị trí công việc cũng không cao, cô quyết định dồn sức học song ngành Ngôn ngữ Trung Quốc để chuẩn bị đầy đủ kiến thức trước khi bước vào môi trường làm việc.

Nhìn bạn bè cùng trang lứa đã ra trường, có công việc ổn định còn mình vẫn đi học, Đào rất sốt ruột. Tuy nhiên, cô nghĩ chậm 1-2 năm không có nghĩa chậm cả cuộc đời.

“Thay vì hiện tại đi học làm công việc đúng ngành nhưng lương thấp, mình dành thời gian đó tập trung học ngoại ngữ. Sau này, mình sẽ có nhiều lựa chọn trong công việc, mức lương cao hơn”, Đào tâm sự.

Vất vả gấp đôi

Trong suốt thời gian học song song hai ngành, đi đi về về giữa 2 trường, Ngọc hay Đào đều phải hết mình cho việc học, cố gắng cân bằng tốt giữa 2 bên. Chưa kể, học phí cũng là trở ngại với cả 2 bạn khi phải đóng đồng thời cả 2 ngành.

Nếu học một ngành, số môn học mỗi kỳ chỉ rơi vào từ 15-20 tín chỉ mỗi kỳ học, khi học song bằng, số lượng môn mỗi kỳ sẽ tăng lên gấp đôi. Có những kỳ, họ phải học tới gần 40 tín chỉ. Chưa kể, các lớp học của ngành hai thường rơi vào thứ bảy, chủ nhật. Có những hôm, họ học từ 7h, kết thúc lúc 18h30.

Giai đoạn thi hết môn cũng rất vất vả bởi 2 trường thường thi cùng một lúc. Khối lượng kiến thức phải ôn luyện rất lớn. Nếu không chăm chỉ và cân bằng các môn, việc thi trượt hay điểm kém là điều dễ xảy ra. Nhiều lúc, Đào rơi vào stress, đã ít nhất một lần, cô muốn bỏ học. Nhưng thật may, Đào vẫn vực dậy được tinh thần và kiên trì đến bây giờ.

Với Ngọc, vất vả là thế, cô vẫn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể và đã nhận được nhiều bằng khen của trường.

“Mình luôn tin bản thân sẽ làm được. Đầu tư vào học tập sẽ không bao giờ lỗ mà chỉ có được. Mình lại còn trẻ, vì vậy hãy cố gắng thật nhiều”. Ngọc tâm sự.

Bí quyết làm chủ thời gian

Giống như Đào hay Ngọc, Xuân Vũ cũng gặp nhiều khó khăn khi cậu bạn vừa học trên trường, học cùng lúc 2 ngoại ngữ. Chưa kể, Vũ còn đi làm thêm để có thể trang trải học phí và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Sau thời gian cố gắng, Vũ quen dần với việc làm 4 công việc một lúc. Bí quyết của nam sinh là tập trung nghe giảng trên lớp, nghe đến đâu hiểu đến đó, nếu không hiểu, Vũ chủ động hỏi giảng viên. Việc này tiết kiệm rất nhiều thời gian cho Vũ.

Cùng với đó, cậu luôn chủ động trong việc tự học, tận dụng bất cứ khoảng thời gian trống nào để học hay làm bài. Cậu tranh thủ thời gian làm thêm để vừa có thu nhập lại vừa rèn ngoại ngữ.

“Ngoài ra, để sắp xếp thời gian tốt, mình còn ghi nhật ký, lên lịch trình cụ thể trong ngày, sử dụng các ứng dụng nhắc nhở công việc trên điện thoại. Điều quan trọng là cần có ý thức tự giác để hoàn thành kế hoạch đã lập ra”. Vũ nhấn mạnh.

Những trường đào tạo ngành Tâm lý học ở Việt Nam

Tâm lý học hiện là ngành học có triển vọng nghề nghiệp rộng mở, nhiều cơ hội việc làm bởi nhu cầu xã hội lớn mà nguồn nhân lực lại thấp.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm