Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chồng buồn rầu nắm tay vợ mang thai mắc sốt xuất huyết

Ngồi bên giường bệnh nắm tay vợ, anh Tuấn Dũng buồn rầu, thương vợ đang mang thai lại chịu cơn đau do không may nhiễm virus Dengue.

Chị Nhi nằm co rúm, mặt đỏ bừng, mắt rướm nước, mệt nhoài xoa xoa thái dương. Hơn 4 ngày nay, người phụ nữ nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị sốt xuất huyết.

Điều khiến chị lo lắng hơn cả là sức khỏe vốn yếu, mệt mỏi vì nhiễm bệnh trong khi thai nhi mới hơn 6 tuần.

Mệt nhoài cảnh nằm viện

Tranh thủ xoa tay, bóp chân, xoa đầu cho chị Nhi, anh Tuấn Dũng loay hoay giặt khăn, nhận cơm, kẹp nhiệt kế, chốc chốc lại an ủi, vỗ về vợ. "Hôm nay đỡ vất vả hơn so với ngày mới vào bệnh viện, cố gắng thêm 1-2 ngày là bác sĩ cho vợ con được về nhà", anh Dũng nói với Zing.

Đầu tuần trước, chị Nhi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi. Khi đến khám tại phòng mạch gần nhà, bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán sốt xuất huyết, khuyên thai phụ theo dõi tại nhà.

Hai ngày sau, tình trạng chị không tiến triển, hạ sốt nhưng vẫn lừ đừ, đau đầu. Anh Dũng xót ruột, đưa vợ đến phòng mạch trước đó, bác sĩ đề nghị lập tức chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

sot xuat huyen dien bien nang anh 1

Anh Dũng ân cần chăm sóc vợ khi chị không may mắc sốt xuất huyết trong lúc vừa có tin mang thai con đầu lòng. Ảnh: Duy Hiệu.

Sau khi nhập viện và được điều trị theo phác đồ, sức khỏe thai phụ ổn định dần. Dù không nghén, căn bệnh vẫn khiến chị mệt mỏi, đau nhức, không thiết ăn uống.

Đối diện giường bệnh của vợ chồng chị Nhi, Xuân Vang (22 tuổi, ngụ Bình Chánh) thoải mái nằm xem phim trên điện thoại, tay thỉnh thoảng gãi mạnh ở hai chân đỏ lừ do phát ban.

Cách nhập viện 6 ngày, Vang đột ngột sốt cao, tê tay, tê chân, sốt cao liên tục. Cô được gia đình đưa đến phòng mạch tư truyền nước, nhưng kết quả xét nghiệm máu không ghi nhận bất thường.

"Khi cơ thể quá đuối, tôi được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mới biết bị sốt xuất huyết. Phòng bệnh đông đúc nhưng đành chịu. Hiện tại, tôi ổn hơn, các phát ban đã lan xuống chân, chờ xét nghiệm tiểu cầu ổn định thì có thể xuất viện", Xuân Vang nói.

sot xuat huyen dien bien nang anh 2

Khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, kê thêm giường ở hành lang để bố trí cho người bệnh sốt xuất huyết nằm tạm. Ảnh: Duy Hiệu.

Không may mắn như chị Yến Nhi hay Xuân Vang, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, phải nằm tạm ngoài giường kê ở hành lang do khoa quá tải.

Từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tại phía nam tăng gấp nhiều lần so với những tháng chưa đến mùa của bệnh. Trong đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết ở khu vực phía nam, số lượng bệnh nhân là người lớn và cả trẻ em đều gia tăng.

Nhận định của Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), dịch sốt xuất huyết trong năm nay diễn biến phức tạp và chưa chạm đỉnh. Do đó, số ca mắc, ca bệnh nặng và tử vong có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nguy cơ chuyển nặng ở người lớn mắc sốt xuất huyết

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường, Phó khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đa số người lớn mắc sốt xuất huyết đều có tình trạng chung là sốt cao không hạ, nôn, mệt mỏi, đau bụng, hạ huyết áp, máu cô đặc...

Một số trường hợp phát ban dưới da hoặc xuất huyết trong, xuất huyết ngoài như chảy máu răng, xuất huyết âm đạo ở nữ và tiểu ra máu ở nam.

sot xuat huyen dien bien nang anh 3

Phòng điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể được theo dõi, điều trị tại nhà. Một số trường hợp được chỉ định nhập viện khi có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng hoặc thể trạng quá mệt mỏi, lừ đừ, sốt quá cao.

Ngoài ra, có những người xa trung tâm thành phố, điều kiện tái khám khó khăn hay cơ địa phức tạp cũng được chỉ định nhập viện.

Tình hình sốt xuất huyết tại khu vực phía nam tính đến tuần 23/2022
Nội dung Mắc Nặng Chết Chết/nặng (%)
Tuần 23/2022 39.317 1.193 36 3
Tuần 23/202122.89333051,5
Giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ đến 23) 26.395 510 5 1

Từ đầu tháng 6 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận tổng cộng 3.691 lượt khám sốt xuất huyết, trong đó, 1.287 trường hợp nhập viện do nguy cơ cao, cần theo dõi sát.

Số lượng này có chiều hướng cao hơn với so thời điểm tháng 5. Theo số liệu từ phòng Kế hoạch tổng hợp, trong tháng trước đó, đơn vị này tiếp nhận 3.496 lượt khám, trong đó, 1.202 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện.

Trong khi đó, vào tháng 3, đơn vị này chỉ có 918 lượt khám sốt xuất huyết, trong đó, 326 ca nhập viện.

Tình hình dịch tại các tỉnh phía nam tính đến tháng 6/2022

Tỉnh, thành phố Ca mắc Ca nặng Chết
TP.HCM 12.624 232 8
An Giang 4.457 184 0
Bình Dương 4.170 168 8
Đồng Nai 4.104 189 5
Tây Ninh 2.497 53 5
Long An 2.223 47 3
Bà Rịa - Vũng Tàu 2.009 21 0
Đồng Tháp 1.968 69 2
Bình Phước 1.225 52 1
Tiền Giang998462

Khoa Nhiễm C có 60 giường bệnh, tuy nhiên, thời điểm ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, bệnh viện buộc kê thêm một số giường tạm ngoài hành lang. Giai đoạn cao điểm, khoa có đến hơn 70 người.

“Nếu quá tải, không đáp ứng được, chúng tôi thường sẽ chuyển người bệnh đến các khoa điều trị bệnh nhiễm khác trong bệnh viện, cố gắng phân phối để bệnh nhân không phải nằm ghế bố hay ở hành lang”, bác sĩ Hường nói.

Số ca tử vong do sốt xuất huyết tại khu vực phía nam năm 2022
Nguồn: Viện Pasteurs TP.HCM
NhãnĐồng NaiBình DươngBình PhướcTây NinhTP.HCMLong AnTiền GiangĐồng Tháp Sóc TrăngBạc Liêu
Số tử vong trường hợp 5815932211

Hiện tại, TP.HCM là địa phương ghi nhận số ca mắc, chuyển độ nặng và tử vong do sốt xuất huyết cao nhất cả nước.

Mới đây, cơ quan phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM được đổi tên thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Còn cơ quan phòng chống Covid-19 tại các quận huyện được đổi tên thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch, trong đó tập trung vào sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam cũng ráo riết triển khai biện pháp ngăn chặn số ca mắc tiếp tục gia tăng. Sau TP.HCM, An Giang, Bình Dương và Đồng Nai là 3 địa phương có tổng ca nhiễm khá cao. Riêng Bình Dương có 8 ca tử vong, chỉ xếp sau TP.HCM.

Tái tạo ngực cho cô gái 19 tuổi mắc ung thư

Nữ bệnh nhân ở Trà Vinh bị khuyết một bên vú sau phẫu thuật điều trị ung thư. Cô được các bác sĩ dùng vạt cơ lưng để tái tạo lại bộ phận này.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm