*Đánh giá: 8/10
Phát hành sản phẩm cá nhân không quá nhiều, Mỹ Anh vẫn được giới phê bình ưu ái bởi cô làm được những thứ mà không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng có được: xác lập được một cá tính, một âm thanh riêng cho bản thân. Tham gia The Heroes 2021 kiêm cả 2 vai trò ca sĩ và nhà sản xuất, Mỹ Anh thể hiện thẩm mỹ ấn tượng của bản thân trong việc xây dựng bầu không gian bí ẩn, tối giản nhưng đầy quyến rũ trong mảng R&B, cùng với đó là khả năng trình diễn sân khấu không phải dạng vừa.
Các sáng tác của Mỹ Anh trước đây thường được viết bằng tiếng Anh. Nhưng kể từ Yên, cô đã bắt đầu có thể diễn giải được cảm xúc của mình bằng tiếng mẹ đẻ, và cô làm khá tốt. Không theo đuổi trường phái story telling hay tạo những dòng lyrics nổi bật, bắt trend, ca từ của Mỹ Anh thường đơn giản, nhẹ nhàng, mô tả những biến chuyển rất khẽ khàng trong nội tâm cũng như cảnh vật xung quanh. Không đơn giản để vẽ nên một bức tranh bằng âm nhạc mà trong lời hát không có một âm thanh nào, nhưng Mỹ Anh lại làm được với những lời ca rất bay bổng “Giữa im lặng, đêm nay em với riêng mình em ngồi, yên nghe, sao bỗng nhiên dịu êm quá”.
Sự bình yên là dấu ấn trong các sáng tác của Mỹ Anh
Single mới nhất của Mỹ Anh trong năm 2022 Mỗi khi anh nhìn em tiếp tục khai thác khía cạnh êm đềm, rất ít tiếng động. Sự khác biệt của ca khúc này so với Yên, ấy là khi Mỹ Anh không còn một mình nữa, mà đã có thêm một người ở bên.
“Anh ôm chặt lấy em
Để từng nghĩ suy dần trôi đi”
Mỹ Anh tinh tế mô tả khoảnh khắc bình yên mà hạnh phúc giữa 2 người đang yêu trong Mỗi khi anh nhìn em. |
Sự yên lặng vẫn là yếu tố chủ đạo trong bài hát “Em biết ta tỉnh giấc nhưng chưa nói một câu gì”, ngay cả khi có tiếng động thì đó cũng là những âm thanh rất khẽ, rất nhẹ “Chỉ riêng em và anh/ Khẽ kêu tên của em”. Điều đó như một tiền đề để Mỹ Anh có dịp nhìn sâu vào trong tâm hồn mình, để nhận ra những khoảnh khắc yên bình khi 2 người ở bên nhau, không nói câu nào nhưng chỉ cần từng ánh mắt, cử chỉ mới là điều khiến họ thấy hạnh phúc nhất. Ở đây có một Mỹ Anh rất khác với thời điểm 1-2 năm trước, khi cô đã trở thành một cô gái biết yêu và thấu hiểu về tình yêu, đủ sức viết về nó chỉ nhờ một khoảnh khắc, một chi tiết rất nhỏ, diễn giải nó một cách riêng biệt theo chính cá tính của mình.
Khó có thể nói ca từ của Mỗi khi anh nhìn em gây nghiện, có thể khiến khán giả ghi nhớ ngay. So với Yên hay Pillars, phân đoạn điệp khúc của bài khá dài, không có những câu ngắn lặp đi lặp lại, diễn biến tâm lý thay đổi của nhân vật trong bài cũng tinh tế, khó nắm bắt hơn. Tuy nhiên, nếu như đào sâu vào trong từng câu từng chữ, không có một câu nào là thừa cả. Tất cả đều bổ sung một cách hợp lý cho sự sâu sắc trong cảm nhận tình yêu của chính Mỹ Anh. Cô cũng viết nên những dòng lyrics đẹp và rất đỗi lãng mạn: “Mỗi khi anh nhìn em/ Ánh mắt ấy đưa em vào sâu/ Trong căn phòng nơi không ai biết đến” hay sự khẳng định về tình yêu của cô cũng rất mạnh mẽ, xuất phát từ chính bên trong: “Em đã luôn tìm từng cảm giác yên bình/ Để đến lúc này chợt nhận ra/ That it’s you”
Không nhất thiết một bài hát cần phải có những dòng lyrics bắt tai, ấn tượng ngay mới là điều tốt, mới khiến người nhạc sĩ được công nhận. Điều quan trọng nhất là khi người nghệ sĩ đó hiểu được mình đang viết về điều gì, ăn nhập chặt chẽ với không gian âm nhạc cũng như thể hiện được cá tính âm nhạc của bản thân. Mỹ Anh thì luôn đảm bảo được tất cả những yếu tố đó trong các sáng tác của mình. Mỗi khi anh nhìn em lại một lần nữa khẳng định lại cá tính của Mỹ Anh khác biệt, khó trộn lẫn trên thị trường.
Cá tính độc đáo trong cách triển khai bài hát của Mỹ Anh khiến cô khác biệt trên thị trường. |
Sự kết hợp với những “người nhà” đem lại hiệu quả cao
Người phối khí cho Mỗi khi anh nhìn em là Eric Derwallis - anh rể của Mỹ Anh - và kỹ sư mixing cũng chính là chị gái Anna của cô. Chính vì làm việc cùng với những người hiểu mình nhất, bài hát vẫn thể hiện được trọn vẹn con người và nội tâm của Mỹ Anh. Bài hát không trôi đi quá xa so với những âm thanh tối giản, layer xếp lớp dày đặc trưng mà Mỹ Anh thường sử dụng trong các bài hát trước đây, nhưng được cài cắm nhiều yếu tố thông minh khác.
Điểm đầu tiên phải bàn đến là cách Eric Derwallis sử dụng tiếng kèn ngay phía sau các phân đoạn điệp khúc. Như đã nói ở trên, Mỹ Anh sử dụng chorus để diễn giải sự khám phá sâu sắc vào trong nội tâm của mình, điều đó khiến cho bài dài và thiếu một câu hát chủ đạo cho người nghe nhớ đến. Tiếng kèn đã xuất sắc bù đắp cho sự thiếu hụt đó, trở thành đoạn hook chính giúp người nghe có điểm neo đậu để ghi nhớ về bài hát.
Đội ngũ sản xuất tinh tế khi xây dựng cho bài một đoạn hook thông qua tiếng horn ấn tượng. |
Cách đội ngũ sản xuất xây dựng bè cũng đem lại nhiều thú vị. Vẫn giữ nguyên cách xếp chồng lớp vocal mà Mỹ Anh thường dùng ở pre chorus và chorus, các nhà sản xuất còn đôi khi làm nhẹ một số câu hát như “Em hứa sẽ ngoan mà” hay “Sao đếm được đã qua bao nhiêu” để làm những điểm dẫn dắt, giúp cho bài hát được ngắt mạch nhỏ hơn, có thêm điểm nhấn, không quá dài và trôi đi mờ nhạt từ đầu đến cuối.
Vậy nên, Mỗi khi anh nhìn em thoạt nhìn có vẻ là một bản R&B/soul khá khó nghe, khó cảm với những biến chuyển nội tâm rất nhẹ nhàng mà cần một sự tập trung thưởng thức mới nhận ra, nhưng nó vẫn đảm bảo được sự dễ nghe, gãy gọn để tiếp cận với đại chúng. Mỹ Anh là một nghệ sĩ cá tính, cô có thể cũng không cần thiết phải bày quá nhiều chiêu trò để thu hút khán giả. Sự tinh tế của cô, sẽ luôn có khán giả nhận ra và yêu mến nó.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.