Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ nợ giả làm phụ huynh đòi đón học sinh: Xuất phát từ vay qua app

Bước đầu, nhà chức trách xác định vụ việc chủ nợ giả làm phụ huynh đòi đón học sinh xuất phát từ việc vay nợ qua ứng dụng (app).

Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc đối tượng giả làm phụ huynh, gọi điện đòi đón cháu bé lớp 2 trường Tiểu học Phan Đình Giót. Nhưng may mắn khi cô giáo chủ nhiệm của cháu bé đã cảnh giác và không cho đối tượng thực hiện ý đồ xấu. Một lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho biết vụ việc đã được báo cáo lên Công an TP Hà Nội.

Cụ thể sự việc xảy ra khoảng 10h ngày 28/9, cô giáo T.T.H. (chủ nhiệm lớp 2A1, trường Tiểu học Phan Đình Giót) nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Người gọi nhận là người nhà của học sinh N.T.T. (lớp 2A1) xin cho con về sớm, do gia đình có việc riêng. Người gọi có nói rõ đặc điểm nhận dạng của học sinh. Tuy nhiên, cô H. trả lời không nhận được thông báo của bố mẹ học sinh, nên không đồng ý.

Lúc này, đối tượng nói rõ mình là chủ nợ của bố học sinh N.T.T. và liên tục gọi điện cho giáo viên, nói những lời lẽ thiếu lịch sự. Giáo viên đã báo cáo ban giám hiệu nhà trường, đồng thời liên hệ với mẹ học sinh và biết phụ huynh không nhờ người đón con.

gia lam phu huynh anh 1

Trường Tiểu học Phan Đình Giót - quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Sau đó, một số đối tượng liên tục gọi điện thoại cho ban giám hiệu và các số máy điện thoại của trường, đăng tải trên mạng xã hội các thông tin bịa đặt, vu khống về cô giáo T.T.H. và ban giám hiệu.

Cô giáo H. cho biết hiện cháu bé đã đi học trở lại bình thường. Đối tượng kia cũng không còn gọi điện, hay đăng tải những thông tin bịa đặt, vu khống về cô giáo và nhà trường.

“Chúng tôi đã được tập huấn rất nhiều về an toàn tại trường học. Ngay từ đầu xác định người gọi không phải là bố mẹ, thì không cho học sinh ra. Chỉ khi xác định đúng là phụ huynh, bố mẹ của cháu gọi thì mới cho học sinh ra. Hiện nay, các đối tượng không còn tiếp diễn việc nhắn tin hay gọi điện nữa”, Cô H. cho biết.

Bước đầu, nhà chức trách thông tin vấn đề này xuất phát từ việc vay tiền qua các ứng dụng (app). Đối tượng được xác định cư trú ở TP.HCM.

Sau vụ việc, Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân đã tham mưu cho UBND quận ra văn bản gửi tới các trường học trên địa bàn cảnh báo tới các bậc phụ huynh, nâng cao cảnh giác, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Nhận định về vụ việc này, tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: "Hành vi của các đối tượng trong vụ việc xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ trong đó có quyền tự do thân thể, quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe của công dân, quyền sở hữu tài sản và danh dự nhân phẩm, uy tín của tổ chức cá nhân".

Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi được thực hiện như thế nào, để xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm đối với tội danh này. Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã chuẩn bị công cụ phương tiện, có bàn bạc với nhau và đến trường để thực hiện việc bắt người (Đã thực hiện hành vi phạm tội), nhưng chưa bắt được học sinh để tống tiền là do cán bộ giáo viên nhà trường phát hiện và ngăn chặn thì hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 169 bộ luật Hình sự (ở giai đoạn phạm tội chưa đạt).

Theo vị luật sư, ngoài hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, thì các đối tượng còn có hành vi chửi bới, đe dọa, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của giáo viên và của nhà trường. Đây là hành vi coi thường pháp luật, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức cá nhân. Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ diễn biến hành vi và xác định hậu quả của hành vi này để xử lý về hành vi làm nhục người khác, hành vi vu khống, hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

"Nếu hành vi cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố thêm vụ án hình sự về tội vu khống, tội làm nhục người khác hoặc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Dùng xăng và rơm đốt chân con trai, người cha bị xử phạt thế nào?

Luật sư cho rằng hành vi của người cha có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích và hành hạ trẻ em.

https://vov.vn/phap-luat/chu-no-gia-lam-phu-huynh-doi-don-hoc-sinh-xuat-phat-tu-vay-qua-app-post975746.vov

Võ Nam/VOV

Bạn có thể quan tâm